Cách trung tâm TP. Vĩnh Long khoảng 30km, làng nghề “Tàu hủ ki Mỹ Hòa – Bình Minh” được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2013.
|
Làng nghề tàu hủ ki thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long, cách TPHCM khoảng 160km, cách TP. Vĩnh Long khoảng 30km và cách TP. Cần Thơ khoảng 10km. Năm 2013, nơi đây từng được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Tàu hủ ki hay còn được gọi là phù trúc (trại âm từ tiếng Hán Việt) hoặc váng đậu. Ban đầu, tàu hủ ki gần như chỉ dành cho người ăn chay, dần, do dễ ăn, dễ chế biến, nguyên liệu này dần tham gia vào các món mặn và được nhiều người yêu thích. |
|
Theo thông tin để lại, làng nghề tàu hủ ki Bình Minh đã hình thành, tồn tại và phát triển gần một thế kỷ. Ban đầu, hai anh em nhà Châu Phạch và Châu Sầm đến vùng đất này khởi nghiệp, bà con trong vùng thấy hay, đến xin truyền nghề, dần dà số người làm tàu hủ ki đông lên thành hẳn một làng nghề. |
|
Đó là câu chuyện về việc hình thành làng nghề tàu hủ ki ở Mỹ Hòa, còn nguồn gốc của nguyên liệu là câu chuyện khác. Chuyện rằng, lâu lắm rồi có một gia đình nghèo khổ làm nghề bán sữa đậu ngoài chợ. Ngày nọ, vợ chồng họ cãi đến mức quên tắt nồi sữa đậu nành đang sôi nên trên nồi hình thành một lớp váng mỏng. Người vợ tiếc của không nỡ bỏ đi nên vớt lấy váng đậu treo lên sào phía trên bếp nấu, rồi quên mất. Đến khi nhà chẳng còn gì ăn,người vợ vô tình phát hiện váng đậu ngày trước đã khô cong nhờ nhiệt độ trong bếp nên thử chế biến thành món ăn. Không ngờ, món ăn có hương vị ngon, thơm hơn so với tưởng tượng, nên bàn với chồng thử làm váng đậu, bán cho mọi người. |
|
Chuyện kể luôn chỉ nhắc đến những chuyện đẹp nhất, nên thơ nhất, chứ ít ai biết rằng, sau cái lần vô tình ấy, cặp vợ chồng ấy đã phải tìm tòi, thử sức bao nhiêu lần để có thể tạo nên những miếng tàu hủ ki vàng ươm, đẹp mắt, ngon miệng. |
|
Riêng tại làng nghề này, tàu hủ ki được chế biến hết sức cầu kỳ. Đậu nành mua về, ngâm rửa, loại bỏ những hạt hư, không đạt, ngâm ít nhất hai tiếng, mới đem xay, cho vào máy li tâm vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo nấu để lấy váng. |
|
Để lên váng đậu, nước trong chảo chỉ được duy trì ở khoảng 70 độ C. Nếu muốn lá tàu hủ ki dày thì để váng nổi lâu hơn, còn lá mỏng chỉ cần nổi váng chừng 5 phút. Cứ khoảng 10 phút sau khi vớt chảo lại nổi váng một lần và được thợ dùng dao rạch váng, treo lên sào trúc ngay phía trên chảo cho ráo. Thợ làm tàu hủ ki phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bẹ. Những miếng váng đậu phơi lên sào, nhờ nhiệt độ bếp, sẽ tự khô. Để ra được 1kg tàu hủ ki phải dùng khoảng 2,4kg đậu nành tươi. |
|
Chia sẻ về công việc của mình, một chị làm tàu hủ ki cho biết nghề này không nặng nhọc nhưng phải làm từ lúc gá gáy sáng. “Được cái có thu nhập thường xuyên, lại làm tại nhà, có thể tranh thủ chăm sóc chồng, con và trồng trọt kiếm thêm”, chị nói. |
|
Theo chị, để thuận tiện, người ta xếp 18 chảo nấu váng đậu thành hai hàng gọi là một dàn. Mỗi dàn mất khoảng 20 tiếng để nấu xong nên khá tốn thời gian, chưa kể đến mùa cao điểm như ngày rằm lớn trong năm, tết cổ truyền… nhiều người mua thì phải làm cả ngày lẫn đêm. |
|
Tham quan làng tàu hủ ki Mỹ Hòa, ngoài việc tìm hiểu về làng nghề trăm tuổi, quy trình sản xuất nguyên liệu quen thuộc, du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh nên thơ của những dàn nấu đỏ lửa, những cánh tay vớt váng đậu thoăn thoắt, những sào treo tàu hủ ki mờ ảo trong làn khói bếp hoặc vàng ruộm trong ánh nắng. Hiện làng tàu hủ ki có khoảng 40 hộ dân làm nghề. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2013 và đoạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, sản phẩm của làng nghề này ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. |
Huỳnh Hằng
Ảnh: An Bùi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tau-hu-ki-my-hoa-a1472270.html” name=””]