Thắng cố – đặc sản hầu hết du khách đều muốn thưởng thức khi đến Tây Bắc – đã có mặt ở Sài Gòn từ nhiều năm nay.
Nguyên liệu chính của món thắng cố là lòng ngựa. Công đoạn làm lòng ngựa khá công phu: phải lộn ruột, rửa sạch vài lần với muối cho hết chất thải, nhớt; ngâm giấm cho trắng rồi thả vào nồi nước, luộc cho giòn nhừ với chút sả, gừng. Khi lòng chín, xắt miếng vừa ăn, cho vào nước dùng hầm mềm. Tuy nhiên, vì huyết ngựa cũng được cho thẳng vào nước dùng nên nước thắng cố có màu đen.
Yếu tố quan trọng nhất của chảo thắng cố là gia vị. Gia vị thắng cố tương tự gia vị món phá lấu với hồi, quế, thảo quả, sả, gừng, mùi tàu và tương ớt nhưng khác ở chỗ “thắng cố chỉ là thắng cố khi có thêm bột hạt chi xén và hạt dổi người dân tộc phơi khô, tán nhuyễn theo cách riêng của họ” – chị Sơn – chủ quán Bull-Bia, đặc sản Tây Bắc, người mang thắng cố từ Tây Bắc đến TPHCM – chia sẻ. Thắng cố dùng nhiều gia vị, mỗi thứ một chút, xay nhuyễn, băm nhuyễn, thái sợi rồi thả vào chảo nước dùng nên rất khó nhận biết.
Dù thắng cố là đặc sản nổi tiếng nhưng không phải ai cũng thích. Món ăn không hề bắt mắt từ cái chảo gang đen kịt dùng để chế biến đến màu nước dùng do huyết ngựa được đổ vào trực tiếp và khi nước dùng đen, thành phần chính của món ăn – lòng ngựa – cũng chuyển màu.
Địa chỉ: Quán A Bull Bia – đặc sản Tây Bắc (51/38 Cao Thắng, quận 3, TPHCM). Giá bán: Từ 50.000 đồng – Thời gian: 10 – 23g. |
Nếu chủ quán không thêm vào vài khúc bắp, chảo thắng cố không có chút màu sắc nào. Đã không “đẹp mắt”, hương vị của món ăn – mùi ruột ngựa đặc trưng – càng… làm khó những ai chưa từng thử qua. Chủ quán kể lần đầu tiên đến Sa Pa (Lào Cai), chị đã bị hương vị các món ăn của vùng đất này thu hút. Vì thế, chị quyết tâm mang món ăn ấy giới thiệu đến thực khách Sài Gòn. Để mở quán, chị đã vất vả tìm đầu vào, tìm hiểu quy trình vận chuyển sao cho tất cả nguyên liệu từ thịt cá đến rau củ từ Sa Pa chuyển vào TPHCM đều tươi ngon nhất.
Chảo thắng cố cho 2 người trên bếp gas bắt đầu sôi. Lần theo những làn khói trắng là mùi lòng ngựa nhưng nếu để ý, bạn sẽ nhận ra hương thơm nồng ấm, hăng hăng khó tả thoang thoảng đến từ hạt dổi và hạt chi xén.
Chấm miếng lòng ngựa vào tương ớt Mường Khương – loại nước chấm duy nhất hợp vị với độ đậm đà của nước hầm xương ngựa, vị giòn khấu của lòng non, vị mềm sệt của lòng già, vị ngọt của huyết, vị dai dai của miếng thịt ngựa non một phần nạc, hai phần mỡ – thỉnh thoảng bạn có thể ngơi nghỉ với chút nước dùng màu đen thoảng vị huyết, miếng cải mèo nhúng vừa tới giòn giòn.
Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thang-co-giua-sai-gon-a1484230.html” name=””]