Vào những nhà hàng món Việt, gọi “cơm nắm muối mè” có thêm chà bông thịt hoặc cá… Vừa ăn, tôi vừa nhớ đôi bàn tay “thần kỳ” của má ngày xưa.
Khi nồi cơm trắng vừa được mở vung, má quày quả đi tìm cái khăn mùi xoa trắng. Là má chuẩn bị nắm cơm. Cơm còn nóng hổi, chất nhựa của gạo vẫn còn dẻo, tạo độ đàn hồi và kết dính.
Tôi hít hà mùi thơm của cơm nấu từ gạo trắng tinh trong nồi. Thời khó khăn, có được nồi cơm nóng từ gạo nguyên, không pha độn bo bo, củ mì, bắp… là bữa cơm quý tộc.
Má vẩy ít nước vào cái khăn, rồi tranh thủ lúc cơm còn nóng, bắt đầu thao tác nắm cơm.
Má đổ cơm vào giữa khăn, 5 đầu ngón tay khum lại, giữ chặt khăn trong lòng bàn tay. Thao tác của má nhanh nhẹn và tháo vát.
Đầu tiên má nắm phần lõi cơm. 2 tay má tung bên nọ, hứng bên kia. Là vì cơm lúc ấy còn nóng quá. Nếu giữ lâu trong 1 bàn tay, thì sẽ bị phỏng. Cái khăn mùi xoa ngăn da tay và cơm nóng không tiếp xúc trực tiếp với nhau, nhưng độ mỏng của cái khăn không thấm tháp gì với sức nóng của cơm mới nấu nên má phải tung hứng. Lõi của cơm nắm từ từ rắn chắc lại trong lòng bàn tay má.
Khi phần lõi cơm rắn lại, má bọc thêm từng lớp cơm bên ngoài, rồi cứ thế làm nhịp nhàng, tuần tự cho tới khi phần cơm nắm rắn chắc lại và to dần như trái cam thì dừng. Má nắm cơm càng chắc, cơm càng để được lâu. Tôi được giao nhiệm vụ ra vườn hái lá chuối, rửa và lau sạch để gói cơm.
Má rang mè để làm muối, kết hợp thành món “cơm nắm muối mè” đã trở thành ký ức một thời, mùi mè rang đã thơm lừng cả ngõ nhỏ.
Má canh lửa khéo lắm, để những hạt mè bé xíu ấy vừa độ chín vàng, tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. Nếu người rang non tay, sẽ khiến hạt mè chưa đủ độ nóng mà tiết ra chất béo và thơm đặc trưng. Còn nếu để già lửa hay thời gian rang quá lâu, sẽ khiến hạt mè cháy đen. Hạt mè lúc ấy vừa đắng mà nhìn lại mất thẩm mỹ vô cùng.
Tôi bưng cái cối đá nặng trịch ra rửa và lau khô, rồi giã mè giúp má. Vừa giã tôi vừa hít hà mùi thơm của mè rang. Muối trắng cũng được má rang se lại và giã thật mịn sau khi công đoạn giã mè vừa kết thúc.
Chất béo của loại hạt mộc mạc ấy hòa quyện với phần mặn mòi của muối rang giã nhỏ, khiến món cơm nắm trở nên đưa miệng hơn bao giờ hết. Cơm nắm muối mè được gói trong lá chuối tươi, vừa sạch sẽ vừa tạo cho phần cơm có mùi thơm đặc trưng. Má nắm cơm chặt tới nỗi phần cơm được nắm trở thành một khối đặc quánh. Đôi khi tôi phải dùng dao bén cắt cơm, đưa vào miệng và nhai chầm chậm. Cơm nắm muối mè càng nhai kỹ càng ngọt.
Hồi đó, khi má nắm cơm, rang mè, ấy là khi trong nhà có người chuẩn bị đi xa. Là khi ba đi công tác, khi trong nhà có đứa con đi học. Nắm cơm của má gói ghém cả tấm chân tình của người ở lại, khiến người đi thấy thật ấm lòng.
Bây giờ, mỗi lần về nhà, thèm món cơm nắm muối mè, nhưng tôi không dám nói. Nói ra, chắc chắn má sẽ làm, nhưng má đã già, tay yếu mắt mờ… Có lần, phải đi xa, tôi tự làm “cơm nắm muối mè” bỏ trong hộp nhựa. Nói thiệt, nó khác xa với cơm má làm.
Vào những nhà hàng món Việt, gọi “cơm nắm muối mè” có thêm chà bông thịt hoặc cá… Vừa ăn, tôi vừa nhớ đôi bàn tay “thần kỳ” của má ngày xưa.
Minh Thuật
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thay-com-nam-muoi-me-lai-nho-ma-a1486391.html” name=””]