Cái đặc biệt của Tam Kỳ nằm ở chỗ nó là phố đấy, nhưng người thì lại rất chân chất, hồn hậu, đậm tình quê.
Có một thành phố nằm giữa hai đầu Tổ quốc, là nơi chốn bình yên nhưng không kém phần thú vị mà du khách nên ghé đến trải nghiệm một lần. Đó là Tam Kỳ – tỉnh lỵ của Quảng Nam.
Bãi Sậy sông Đầm nhìn từ trên cao – Ảnh: Cảnh December |
Kỳ lạ thành phố ngã ba sông
Ngay từ tên gọi của thành phố đã mang nhiều điều lý thú. Có giả thiết cho rằng sở dĩ có tên Tam Kỳ bởi đây là vùng đất nằm giữa ba kỳ là Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ xưa. Dân gian còn lưu truyền câu chuyện về một thời Tam Kỳ là nơi “trên ngã ba đường, dưới ngã ba sông”.
Khi nhìn từ biển vào vùng này, du khách sẽ thấy núi An Hà, Quảng Phú và Trà Cai, cũng là chốn hợp lưu của ba dòng sông Trường Giang, Tam Kỳ và Bàn Thạch tại bến đò Ba Bến trước khi đổ ra biển.
“Ngã ba đường” ý chỉ các con đường ở Tam Kỳ ngày trước chỉ có ngã ba. Sau này, khi phát triển, thành phố mới mở rộng các ngã tư. Hoặc “ngã ba đường” nhằm nói đến vị trí Tam Kỳ là nơi giao nhau của con đường quốc lộ Nam Bắc và đường rẽ lên các huyện Tây Nam của tỉnh là Tiên Phước, Trà My. Kỳ lạ hơn bởi Tam Kỳ là phố mà vẫn giữ nguyên vẹn nét bình dị của vùng quê yên ả. Từ con người chân chất, mến khách, đậm cá tính Quảng tới những món ăn quê kiểng mà ngon lạ lùng.
Nếu ghé đường Hoàng Diệu, bạn sẽ gặp quán mít hông bà Nam hơn 30 năm tuổi. Mít hông là đặc sản Tam Kỳ, tuy chỉ là món ăn vặt nhưng lại để nhớ để thương cho nhiều thực khách. Ta gọi một dĩa mít hông, nghe thơm phưng phức, từng múi mít vàng ươm căng tròn béo ngọt hòa quyện cùng vị bùi bùi của nhân mặn làm từ hột mít xay nhuyễn cực ngon. Đi dọc thành phố, còn các hàng quán xúp bột báng, bánh đập… ăn chơi cũng được mà dù đã no cành hông vẫn còn thòm thèm.
Nếu muốn ăn một bữa ra trò, bạn có thể tìm tới mì Quảng Giao Thủy ở đường Trần Quý Cáp. Đi ngang đường Huỳnh Thúc Kháng phải ăn bún chả cá Thanh Thủy – món ngon xiêu lòng bất kỳ thực khách khó tính nào. Hoặc ghé qua đường Phan Châu Trinh thì có ngay đặc sản cơm gà Bà Luận – thương hiệu cơm gà trứ danh hơn nửa thế kỷ.
Chụp ảnh lưu niệm bên hàng sưa – Ảnh: Hồ Loan |
Phải lòng ngõ phố hoa vàng nên thơ
Tôi về lại Tam Kỳ ngay mùa sưa vàng ruộm, thấy thành phố đang háo hức đón bạn bè bốn phương ghé đến Lễ hội hoa sưa. Những năm tháng thanh xuân trọ học ở thành phố, tôi nào có để ý nhiều tới loài hoa vàng chợt nở chợt đi. Bây giờ về lại mới giật mình nhận ra sức hút kỳ lạ của nó.
Sau tết, nắng xuân, cây cối đâm chồi xanh biếc, chỉ riêng cây sưa vẫn cứ trơ cành xam xám. Hoặc cùng một con đường, ngõ phố mà góc này sưa đang nảy những chiếc lá tươi xanh; góc kia cây vẫn im lìm trụi lá và góc khác, những khóm hoa đã bung vàng rực.
Mỗi cây sưa như có thế giới riêng của nó, không vội vàng chạy theo bất kỳ loài cây nào, cũng chẳng thèm ganh đua với cả “bạn” sưa gần mình. Dù thế, hoa sưa vàng có mặt ở khắp mọi con đường của thành phố Tam Kỳ. Tầm tháng Ba, tháng Tư, hoa bắt đầu nở rộ từng đợt. Chỉ sau vài ngày, những cánh hoa mỏng manh rơi xuống mặt đường, tạo nên tấm thảm hoa vàng tuyệt đẹp nhưng cũng buồn nao lòng.
Vài năm trở lại đây, Tam Kỳ đã định danh loài hoa này bằng việc tổ chức Lễ hội hoa sưa ở làng Hương Trà – vườn Cừa với những hoạt động thú vị như: trình diễn các nghề truyền thống; tái hiện không gian làng quê với trò chơi hô bài chòi, viết thư pháp, thi đấu cờ, múa lân – sư – rồng. Đặc biệt hơn cả là ngày hội trình diễn “Duyên dáng áo dài mùa hoa sưa”.
Nếu bạn yêu thiên nhiên, tôi cam đoan bạn sẽ say đắm khung cảnh vườn Cừa bên mé sông êm ả. Những cây cừa hình thù xù xì, rễ ngang ngoằn ngoèo lộ thiên đan mành cùng rừng sưa cổ thụ tỏa bóng mát rượi và thoảng nhẹ hương hoa. Đi dọc bờ sông, thưởng hoa, ngắm cành lá xanh biếc, nghe lòng nhẹ nhàng biết mấy.
Tam Kỳ thu hút du khách với những món ăn bình dị mà ngon vô cùng – ẢNH: Nguyễn Điện Ngọc |
Thanh bình bãi Sậy sông Đầm
Tôi được người bạn chở đến một góc thiên nhiên lạ lùng thuộc thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng) – nơi có đoạn sông Đầm êm dịu chảy giữa hai bờ bãi Sậy đầy lau xen lẫn cói nửa vàng nửa xanh.
Trên dòng, lá sen, lá súng trải một màu xanh mát. Bạn tôi nói, khi hè về, vào khoảng tháng Năm, tháng Sáu, hoa sen hoa súng sẽ nở rực sắc hồng sắc tô điểm cho mặt nước, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Đôi bờ còn có những luống rau cải tươi mơn mởn. Chúng tôi xuôi dòng sông Đầm, bắt gặp những người dân quê chèo ghe chăn vịt hay vớt bèo, hái sen. Ba, bốn chiếc thuyền con chụm lại đang quăng chài thả lưới hoặc dùng cọc tre bắt cá. Cá gáy, tràu, thác lác… quẫy đuôi tung tẩy.
“Đất lành chim đậu” – thiên nhiên tươi đẹp không chỉ thu hút khách tham quan mà còn là nơi dừng chân trú ngụ của những loài chim hoang dã. Hàng đàn cò nhạn (còn gọi là cò ốc) – một trong những loài chim quý hiếm thuộc Sách Đỏ Việt Nam – cũng chọn bãi Sậy sông Đầm làm nơi bay lượn. Chúng gần như quen thuộc với con người, không vì tiếng động hay bóng dáng người mà vội vỗ cánh bay. Hiện thành phố Tam Kỳ đang đầu tư phát triển bãi Sậy sông Đầm thành điểm du lịch sinh thái với nhiều hoạt động trải nghiệm: đánh bắt cá trên sông, ngồi thuyền nghe hát bài chòi…
Rời sông Đầm, đi thêm vài cây số, tôi ghé địa đạo Kỳ Anh. Đây là “địa chỉ đỏ” của du lịch về nguồn – một trong ba địa đạo lớn nhất cả nước (chỉ sau địa đạo Củ Chi và Vĩnh Mốc). Dù chưa được đầu tư phục dựng quy mô như hai địa đạo kia nhưng đây vẫn là nơi lưu giữ dấu tích một thời oai hùng của dân tộc. Địa đạo có hình dạng ô bàn cờ, với hệ thống hầm nằm sâu dưới lòng cát trắng, nhiều ngõ ngách quanh co lượn vòng, có đoạn đào xuyên qua nền nhà dân, men theo các lùm cây, chạy ngang giếng nước trong xã.
Tam Kỳ chỉ là một thành phố nhỏ nhưng có sông giáp biển, có mùa hoa sưa vàng rực, có sông Đầm nên thơ, có cả những người dân quê thật thà, mến khách. Về Tam Kỳ, bạn đừng chỉ ghé làng Bích Họa hay tượng đài Mẹ Thứ. Hãy thử một lần đứng ở vườn Cừa lộng gió, đi giữa hai hàng sưa vàng nên thơ hay ngồi thuyền trên sông Đầm ngắm bãi Sậy xanh, thả hồn vào thiên nhiên để cảm nhận mọi mệt mỏi lo toan đều tan biến; chỉ có tiếng chim trời, gió nước. Cũng như tôi, bạn sẽ thấy rằng, đôi khi một cánh hoa rơi cũng đủ làm lay động lòng người.
Nếu bạn đam mê khám phá, tìm hiểu kiến trúc Champa, khi đến Tam Kỳ, hãy ghé thăm tháp Chiên Đàn. Đây là ngôi tháp cổ của người Chăm, tọa lạc tại làng Chiên Đàn, xã Tam An, cách trung tâm thành phố chừng 7km. Chiên Đàn có ba ngọn tháp cổ kính nằm song song theo trục Bắc – Nam, cùng hướng mặt về phía đông. Phần mái có kiểu dáng vuông với diềm mái ốp đá sa thạch, các vòm cửa vót nhọn hình mũi giáo, tường tháp có những hoa văn chạm khắc tỉ mỉ theo kiến trúc Champa cổ. Trải qua bao mùa mưa nắng, tháp đã có phần hư mòn nhưng vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn vẻ đẹp bí ẩn với các cổ vật quý giá…
Mộc Yên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ve-thanh-pho-nga-ba-song-a1461478.html” name=””]