Tôi muốn vợ hiểu, chuyện bình đẳng trong gia đình chỉ mang tính tương đối, vợ chồng phải hỗ trợ nhau để cùng phát triển, lo cho con cái tốt nhất trong khả năng.
Tôi đang lu bu giải quyết đơn khiếu nại của khách hàng thì vợ nhắn: “Chiều anh về sớm đón con, em đi Đà Lạt chơi hai ngày”. Tôi chưa kịp trả lời thì vợ gửi tiếp tấm ảnh “check-in” ở bến xe cùng hội bạn thân.
Cơn giận bốc lên, tôi lập tức gọi điện cho vợ nhưng cô ấy không bắt máy. Tôi đành gọi điện nhờ hàng xóm đón giùm con rồi cố gắng làm xong việc để về sớm. Nửa năm nay, vợ liên tục đặt tôi vào tình cảnh cấp bách như thế này.
Dù tôi về muộn và rất mệt sau một ngày làm việc, vợ vẫn để chén bát, áo quần bắt tôi dọn dẹp cho công bằng (Ảnh minh họa) |
Vợ chồng tôi cưới nhau được 7 năm và có hai con nhỏ. Sống xa quê nên hoàn toàn tự túc chứ không nhờ vả được ai. Vợ mới trở lại công việc được khoảng một năm sau thời gian làm mẹ bỉm sữa nên kinh tế gia đình chủ yếu do tôi gánh vác.
Công việc kinh doanh bận rộn, tôi thường đi sớm về khuya, không nhiều thời gian cho gia đình. Tôi hiểu vợ ở nhà chăm con vất vả nhưng chỉ có thể cố gắng bù đắp về vật chất chứ khó mà thu xếp đỡ đần việc nhà.
Trước đây, vợ cũng thông cảm nhưng sau khi sinh đứa con thứ 2, cô ấy bỗng dưng đổi tính, luôn càu nhàu và đòi hỏi bình đẳng với tôi. Dù tôi về muộn và rất mệt sau một ngày làm việc, vợ vẫn để chén bát, áo quần bắt tôi dọn dẹp cho… công bằng.
Vợ yêu cầu tôi phải chia sẻ công việc nhà và chăm con, cô ấy trách giận tôi không ngó ngàng gia đình. Nhiều lần tôi giải thích, do công việc nên không có thời gian rảnh chứ tôi không có ý dồn hết lên vai vợ.
Vả lại để lo cho cuộc sống gia đình đầy đủ, tôi cũng vất vả nhiều. Vậy mà, vợ bù lu bù loa, nói tôi ỷ kiếm ra tiền rồi kể công, nhất quyết đòi đi làm cho bằng được trong khi con mới 9 tháng tuổi.
Tôi thuyết phục vợ ở nhà thêm một thời gian nữa cho con cứng cáp rồi trở lại công việc cũng chưa muộn, nhưng cô ấy không đồng ý. Dù đi làm tiền lương thấp hơn cả tiền học phí gửi con. Từ ngày đi làm, vợ không còn chu toàn chuyện nhà cửa và chăm sóc con.
Thỉnh thoảng, vợ có những chuyến đi “đổi gió” bất ngờ như hôm nay khiến tôi trở tay không kịp. Công việc đã bận giờ phải nơm nớp lo xử lý việc gia đình làm tôi rất mệt mỏi. Trong khi vợ đi làm, không đủ để lo cho bản thân, mọi chi phí của gia đình đều do tôi “phụ trách”.
Nhiều lần chúng tôi đã to tiếng cãi vã. Tôi không phản đối chuyện vợ đi làm, nhưng cần sắp xếp việc gia đình con cái chứ không thể thả trôi như thế. Vợ nói: “Em đã vất vả hy sinh bao nhiêu năm, giờ phải được sống cho bản thân”.
Do bất đồng quan điểm trong chuyện nhà cửa, con cái nên nhiều lần vợ chồng tôi to tiếng cãi vã (Ảnh minh họa) |
Cách đây một tháng, tôi đang đi kiểm tra đại lý ở ngoại ô thì vợ gọi điện nói đến nhà trẻ đón con gấp vì cô giáo báo con bị ốm. Tôi bảo vợ đón con, vì tôi đang ở xa, trong khi công ty vợ ở gần đó. Nhưng vợ nhất quyết không chịu, nói không thể xin về giữa chừng, sẽ ảnh hưởng đến tiêu chí đánh giá cuối tháng.
Tôi đành bỏ hết, chạy về để đưa con đi bệnh viện. Tan làm, vợ mới đến với con.
Cứ như thế, mỗi lần con ốm đau hay nhà có việc, tôi đều phải nghỉ làm khiến công việc bị ảnh hưởng nhiều.
Lần vợ đòi đi Đà Lạt, tôi không muốn đôi co, vì đụng đến cô ấy lại đòi bình đẳng. Đến tối, khi con đã ngủ, tôi nhắn tin cho vợ báo từ mai tôi sẽ giảm bớt công việc để toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình như mong muốn của vợ.
Tôi chuyển cho vợ những khoản cần thanh toán mỗi tháng để vợ lo liệu chi trả. Tôi nhắn: “Nếu em muốn công bằng thì từ nay mọi việc trong nhà đều chia đôi, kể cả chuyện tiền bạc. Chuyện bình đẳng trong gia đình chỉ mang tính tương đối, vợ chồng phải hỗ trợ nhau chứ!”.
Tin nhắn đó vợ không trả lời, nhưng sáng sớm hôm sau cô ấy có mặt ở nhà để đưa con đến lớp.
Hoàng Khang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-doi-binh-dang-chong-gian-du-nhan-tin-dap-tra-a1461708.html” name=””]