Chị Thuỷ thở dài, chẳng nhẽ lại xin từ chức, về lại cái ghế trưởng phòng như cũ cho yên cửa yên nhà.
Chị Thuỷ mới lên chức giám đốc chi nhánh được 4 tháng mà vợ chồng chị đã hơn chục lần cự cãi, mâu thuẫn. Ai biết chuyện cũng ngạc nhiên, vì anh chồng chị Thuỷ rất thương yêu vợ con, luôn xung phong làm việc nhà cho vợ được nghỉ ngơi. Đêm hôm, khi con bệnh anh là người thức canh con. Thế mà…
Chị Thuỷ thở dài, chị vẫn biết mình có được ngày hôm nay cũng nhờ chồng. Biết công việc của chị căng thẳng, anh nhận nhiệm vụ đưa đón con đi học, đi làm về là anh vào bếp cơm nước, chị về đến nhà là có cơm canh sẵn sàng, quần áo cũng anh giặt anh phơi.
Có những cái áo đầm điệu đà của chị, chị tính ném luôn vào máy giặt nhưng anh không cho, anh nói để anh giặt tay kẻo hư phom, hư vải.
Chị về đến nhà là có cơm canh sẵn sàng (Ảnh minh hoạ) |
Trước khi nhận quyết định lên chức, chị đã hỏi ý kiến anh, chị cũng nói trước là lên chức đồng nghĩa với trách nhiệm nặng nề hơn, mất thời gian hơn, công việc nhiều thêm, thi thoảng còn phải ngoại giao tiếp khách, nhưng thu nhập cũng tăng theo. Khi ấy anh đã rất vui vẻ, còn động viên chị cố gắng, cần anh hỗ trợ anh sẽ sẵn sàng.
Nhưng khi mọi chuyện vừa dần đi vào nền nếp thì công việc của anh lại không được như ý, do cơ quan anh thu hẹp sản xuất. Biết chuyện, chị động viên anh cố gắng thêm thời gian nữa hoặc chuyển việc khác, thế nào chị cũng ủng hộ.
Anh vẫn ở lại cơ quan cũ, do anh ngại đi tìm việc khác. Thu nhập của anh thấp hơn trước rất nhiều, cũng từ đấy tâm tính anh thay đổi. Anh vẫn cơm nước nhà cửa chăm sóc con cái nhưng không còn nhiệt tình. Anh bắt đầu dò xét chị đi đâu, làm gì, với ai. Đến quần áo của chị anh cũng can thiệp, hỏi đi với ai mà mặc váy này, đi làm ở văn phòng suốt thì có cần thiết phải phấn son váy áo lộng lẫy đến vậy không?
Chị biết có thể anh đang mặc cảm nên chị cố gắng hết mức có thể, quần áo chị dẹp bớt, chỉ chỉ mặc đồ công sở kín đáo tối màu. Anh lại quay sang truy hỏi chị sao về muộn, chị có còn là nhân viên văn phòng đâu để có thể đi về đúng giờ đúng giấc.
Quá đáng hơn, chị đưa anh tiền chi dùng, anh còn hỏi “tiền này sạch không?”.
Chị cảm thấy bị xúc phạm, chị đã cố gắng bao nhiêu mới có ngày hôm nay, mọi bước đi của chị anh đều chứng kiến, vậy mà anh nghi kỵ và xúc phạm chị.
Không kìm được, chị đã nói: “Nếu anh không muốn chị ra ngoài thì anh kiếm tiền đi. Chi tiêu trong nhà anh chợ búa mua sắm anh biết, lương anh liệu đủ cho gia đình sống được 10 ngày không?”. Anh “túm” ngay câu nói của chị, bảo chị kiếm nhiều tiền hơn anh nên lên mặt, coi thường anh.
Một lần hai lần chị còn xin lỗi làm hoà với anh, dù chị không biết mình có lỗi gì. Giỗ chạp chị vẫn xuống bếp nấu nướng, lễ lạt chị vẫn quà cáp đầy đủ cho hai bên cha mẹ. Chị đã phân tích, giải thích nhưng anh vẫn tỏ ra không hiểu. Bất cứ lúc nào anh cũng có thể kiếm chuyện để cằn nhằn.
Chẳng nhẽ chị lại xin từ chức, về lại cái ghế trưởng phòng như cũ cho yên cửa yên nhà như trước? (Ảnh minh họa) |
Chị đã cố nín nhịn, nhưng anh vẫn lôi điệp khúc vợ coi thường chồng ra nói, ban đầu còn nói riêng, sau anh nói trước mặt con làm chị cảm thấy mệt mỏi. Giá anh đủ sức cáng đáng kinh tế gia đình thì chị cần gì phải cố, phải rướn. Chị có thu nhập cao hơn chồng, có chức tước một chút là cái tội hay sao?
Nghe chuyện chị Thuỷ, chúng tôi không biết nên khuyên chị thế nào, vì chị là người biết điều, ý tứ có trước có sau. Có người mách chị nên nói chuyện với bố mẹ chồng nhờ ông bà nói chuyện với con trai, nhưng chị Thuỷ không dám. Chị sợ khi có thêm người biết anh thu nhập không bằng vợ, anh càng tự ái và kiếm chuyện.
Chị Thuỷ thở dài, chẳng nhẽ xin từ chức, về lại cái ghế trưởng phòng như cũ cho yên cửa yên nhà. Rồi chị cười buồn, có quay về chức cũ thì chị cũng vẫn hơn anh. Nhà người ta vợ chồng cùng cố gắng phấn đấu, có ai như chị, phải nghĩ cách đi lùi để mong yên ổn?
Trường An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-gang-kiem-tien-nuoi-gia-dinh-chong-kiem-chuyen-de-can-nhan-xuc-pham-a1468699.html” name=””]