Ông chồng ném cho bà vợ cái thẻ lương và rung đùi: “Em cầm hết lương rồi còn than nỗi gì!”.
Hẹn nhau ăn trưa, vừa ngồi xuống, chưa chọn được món gì chị Nga (40 tuổi, ngụ tại Bình Chánh, TPHCM, lớn tuổi nhất trong nhóm chúng tôi) đã thốt lên: “Nhà chị từ tháng này trở đi tiền ai nấy tiêu, không ai liên quan tới ai!”.
Nghe thế, chúng tôi không khỏi bất ngờ, bởi trước nay trong nhóm ai cũng ganh tị với chị vì “tóm gọn” lương chồng. Thẻ ATM của anh luôn trong bóp chị. Lương của chồng bao nhiêu, chị theo dõi sát sao qua các kỳ tăng lương. Cơ quan anh cũng làm ăn tốt nên trả lương nhân viên ổn định, “ting ting” đều như vắt chanh vào mùng 4 hàng tháng.
Cầm hết lương chồng, gánh nặng tài chính đè lên vai chị em |
Bữa trưa chẳng còn hứng thú như ban đầu, chị em chúng tôi xúm vào hỏi chuyện chị Nga. Như gãi trúng chỗ ngứa, chị bắt đầu kể khổ. Lương anh được 18,4 triệu đồng. Ngày trước thủ quỹ đưa tiền mặt thì anh mang về đưa cho vợ và giữ lại 5 triệu đồng cho cà phê sáng, ăn trưa, thẻ điện thoại, xăng xe, chi tiêu riêng lặt vặt…
Từ ngày công ty trả qua tài khoản ngân hàng, anh “ném” cho chị cái thẻ lương. Hàng tháng, tiền về chị Nga tự đi rút và đưa lại cho anh 5 triệu đồng.
Nắm thẻ lương của chồng “chẳng ngon” như nhiều chị em mong ước. Trăm thứ chi tiêu bắt đầu đổ lên vai chị Nga, từ tiền sinh hoạt phí, tiền điện, tiền học của con…
Khi con còn bé, chúng ít ăn, ít học thì thoải mái nhưng hai ba năm nay con cái lớn, đứa nào cũng ôn thi vào lớp 10 rồi ôn thi vào đại học, thế là “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Tiền đi lại về quê, biếu ba mẹ hai bên cũng kha khá. Vì đưa hết lương cho vợ nên chi tiêu việc gì cho gia đình anh cũng “mẹ trả đi”. Ngày lễ tết chi tiêu đều do chị Nga lo liệu.
Tháng nào cũng vậy, cứ tiền lương về là “giải ngân” trong một nốt nhạc. Cộng cộng, trừ trừ mỗi tháng chị Nga chi tiêu tròm trèm 25 – 30 triệu đồng. Chị cố gắng căn cơ cho đủ. Vật giá leo thang, đi chợ cảm giác như bị mất cắp, nhưng chồng chẳng biết điều đó. Anh đi làm về rung đùi là có cơm dọn sẵn. Chị lỡ miệng nói hết tiền là chồng lại nói: “Vợ cầm hết lương rồi còn gì!”.
Bực nhất là lâu lâu anh lại phát sinh một khoản nào đấy và hỏi tiền vợ. Nếu chị nói cạn tiền, không đưa, thì anh bực dọc, đá thúng đụng nia. Hễ nhắc chuyện tiền nong là cuối cuộc đối thoại anh than vợ tiêu hoang, không tiết kiệm được đồng nào phòng thân lúc ốm đau, sự cố, đột xuất.
Cuối tháng 7, nhân sinh nhật con gái út, vợ chồng dự định cả nhà cùng đi Vũng Tàu chơi. Tuy nhiên, trong tài khoản của chị chỉ còn hơn 2 triệu đồng, không đủ tiền đặt phòng. Chị Nga than với chồng “anh còn tiền thì đưa em để chốt phòng nghỉ”.
Chồng chị lại ca bài: “Anh làm gì có, lương em cầm hết rồi còn đâu, sao suốt ngày em kêu hết tiền”. Tức nước vỡ bờ, chị chìa ra cho anh ta xem cả xấp hóa đơn tiền học của con, tiền điện, tiền phí dịch vụ…
Chị quyết phen này trả thẻ ATM lương cho anh biết “mùi” chi tiêu nó như thế nào.
Theo thỏa thuận, lương của chị sẽ lo tiền sinh hoạt phí cho gia đình như ăn uống, điện nước, hiếu hỉ hai bên nội ngoại. Còn chồng chị sẽ lo tiền học cho hai đứa con và biếu cha mẹ hai bên, đi lại thăm quê.
Chị Nga ước tính tiền học con lớn lên lớp 12 khoảng 6 triệu đồng/tháng, con bé đang vào lớp 9 cũng ngót nghét tầm đó. Nếu có khoản chi tiêu lớn đại sự của gia đình thì cả hai bàn bạc cùng góp để lo.
Vợ trả thẻ ATM sau bao nhiêu năm giữ khư khư, anh mừng ra mặt, cho rằng “đơn giản”. Còn với chị Nga, sau 17 năm cầm lương chồng, lại thấy tự do, khoẻ nhẹ được giải phóng. Chị mong sự rõ ràng, sòng phẳng, khoản chi đã phân chia nào người nấy phải phụ trách, không khí gia đình sẽ đỡ căng thẳng.
Khi tiền không còn về một mối, chị Nga tin rằng cán cân quyền lực và trách nhiệm được cân bằng. Giải tỏa bớt áp lực tài chính trên vai, chị đang tưởng tượng về viễn cảnh mình có thể xoay xở để chi tiêu thêm những hạng mục của phụ nữ mà chị ao ước lâu nay…
Tuệ Minh (Q.4, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-lay-the-atm-cua-chong-phen-nay-tra-the-cho-ong-ay-nem-mui-a1470731.html” name=””]