Một khi đã kiếm được tiền, thì các ông chồng sẽ dư sức biết cách quản lý đồng tiền của mình sao cho sinh lợi nhiều nhất. Họ cũng đủ khôn ngoan để biết lúc nào, mối quan hệ nào cần chi.
Đàn ông bị vợ giữ thẻ sẽ dễ mất động lực phấn đấu trong sự nghiệp |
Là phụ nữ, nhưng tôi vẫn thấy rất buồn cười với suy nghĩ “chồng đương nhiên phải đưa lương, đưa thẻ ATM cho vợ giữ”.
Có chị luôn kêu gào bình đẳng giới này nọ, rồi lại muốn quản hết thu nhập, tiền lương của chồng. Ơ hay, thử tưởng tượng, nếu chị quần quật đi làm, vậy mà vừa lãnh lương đã bị ai đó “thâu tóm”, muốn tiêu xài phải xin xỏ giải trình, thậm chí phải “trộm” tiền mình làm ra thì sao. Như vậy, có ai còn muốn nỗ lực làm lụng hoặc mang tiền về nữa không?
“Tôi là vợ, tôi mới là người quản lý chi tiêu trong nhà, tôi quen với thiên chức tay hòm chìa khóa hơn”, nhiều người vợ sẽ nói như thế. Nếu vậy, đừng hỏi vì sao đời mình cắm mặt với việc nhà, con cái, nội trợ, bếp núc, đòi quà… này nọ. Bởi ta đã mặc định bản thân sẽ phải lo mua sắm, coi ngó các thứ, bận tâm thiếu đủ của gia đình rồi kia mà. Càng đừng trách sao đàn ông mặc kệ “hậu phương” tự xoay xở, còn anh ta lại lập quỹ đen đối phó, vô tâm mỗi dịp lễ tết, hay tệ hơn nữa là mang tiền đi “xây phòng nhì” khi có dịp.
Các chị muốn giữ tiền của chồng vì lý do gì? Sợ chồng không biết tích cóp, dành dụm, đầu tư? Sợ chồng vung tay quá trán, đãi đằng, tụ tập phung phí? Sợ chồng có tiền sinh tật gái gú bên ngoài? Sợ chồng đưa về cho ba mẹ, anh em bên “hắn”? Tất cả những nỗi âu lo ấy, chẳng phải vì không tự tin vào chính mình cũng như thiếu tin tưởng chồng hay sao?
Một khi đã kiếm được tiền, thì các ông chồng sẽ dư sức biết cách quản lý đồng tiền của mình sao cho sinh lợi nhiều nhất. Họ cũng đủ khôn ngoan để biết lúc nào, mối quan hệ nào cần chi. Có tiền trong túi làm gì cũng dễ dàng hơn hẳn so với việc phải ngửa tay “xin” vợ từng đồng, đúng không nào?
Giữ tiền, giữ thẻ ATM của chồng đôi khi khiến vị thế của người vợ giảm sút |
Tiền họ làm ra, họ được toàn quyền hiếu thảo với cha mẹ, chăm lo cho vợ con, hãnh diện nuôi gia đình, rộng rãi với bạn bè, chu đáo với bản thân…
Việc được lần đầu tự tay mua cho con chiếc xe đạp, tặng vợ món nữ trang đính kim cương… sẽ khiến lòng tự tôn của nam giới được vuốt ve, kích thích tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh phấn đấu trong sự nghiệp của phái mạnh.
Khi các ông chồng “cố gắng nín nhịn, giao nộp cho êm cửa êm nhà” một cách miễn cưỡng, thì hạnh phúc gia đình khó mà viên mãn, bền chặt dài lâu.
Tôi cho rằng, cách tốt nhất để duy trì một cuộc hôn nhân tốt đẹp, tôn trọng nhau, thì việc đóng góp kinh tế phải rạch ròi, thỏa đáng. Các chị hãy quên đi việc “nắm giữ” gần trọn thu nhập của chồng. Thời buổi nào rồi mà phải… bạo lực tinh thần nhau bằng cách đó.
Hãy thỏa thuận xem ai có thể tự nguyện đóng góp bao nhiêu, hoặc người nào lo khoản nào trong các thứ phải chi dùng hàng tháng của gia đình. Còn lại, nên chừa một khoảng trời riêng tư… trong ví, trong thẻ của nhau, để có thể tùy ý sử dụng như mua quà, đãi vợ/chồng ăn nhà hàng khi có dịp.
Chẳng phải như thế sẽ vui vẻ hơn rất nhiều hay sao? Chồng thấy vợ cư xử văn minh hiểu chuyện, nếu anh muốn nhờ “giữ giùm” tiền nong thì quá tốt, chẳng nên từ chối. Còn không thì vợ có thể ý nhị và kín đáo dõi theo các khoản chi xài, tiết kiệm của chồng để… định hướng khi cần.
Đàn bà muốn sống vui, sống nhẹ nhõm, sống phơi phới thì phải vượt qua được suy nghĩ vừa muốn chồng tôn trọng, vừa muốn giữ rịt lấy từng đồng của chồng.
Hải Nguyễn(TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-lay-the-atm-cua-chong-vo-thieu-tu-tin-moi-doi-giu-luong-chong-a1470891.html” name=””]