Tôi không nhớ lần cuối cùng mình được ăn món xà bần là bao giờ nữa, nhưng ngày xưa, mỗi khi ba ngày Tết trôi qua là góc bếp của má tôi luôn có một nồi xà bần.
Món xà bần của má tôi – Ảnh tác giả cung cấp
Có một món ăn mà nguyên liệu chỉ là một số nguyên liệu đã chế biến dư ra từ những thức ngon ngày Tết nhưng lại nhắc nhớ một nếp nhà khéo vén của má tôi.
Cái tên món ăn của thời con đông, nhà khó vậy mà ngon, mà nhớ mãi thời chắt chiu.
Má gom lại mỗi thứ một ít, từ lát khổ qua không còn nhân, dưa cải, kiệu chua, lỗ tai heo đến miếng thịt chỉ còn da dính mỡ, vài lát chả lụa, khúc lạp xưởng chỉ còn một nửa… tất tần tật cho vào một cái nồi kho lại với nước thịt, làm nên “món xà bần” có vị mặn ngọt rất ngon.
Và thích nhất là có thể được ăn xà bần bất cứ lúc nào mà không sợ người lớn quở trách, không cần đợi đến bữa.
Nhiều khi mấy chị em đang chơi đùa, rủ nhau chạy vào bếp mở nắp nồi, lấy bánh tráng nhúng vào nhai tòm tèm; lúc lại chực chờ một mình xuống bếp… cứ thế mà nồi xà bần cạn lúc nào không hay.
Mà thật lạ, càng hâm đi hâm lại nồi thập cẩm của má càng hấp dẫn lũ trẻ đang độ tuổi lớn. Bên dưới nồi luôn là “phần cái” mềm nhừ đậm vị, trên cùng là “phần nước” trong veo béo ngậy, chan vào cơm hay bún là phê cái bao tử luôn đói vì đôi chân hay chạy nhảy của trẻ con thời ấy.
Hết “phần cái”, má lại châm thêm rau củ vào kho cho rục, đến “hết mùng” thì kết thúc “món ăn đặc sản” chẳng có tên trong thực đơn ẩm thực nào nhưng lại đậm đà mùi vị khó quên.
Thời ấy cả xóm chẳng ai có tủ lạnh để trữ thức ăn, nhưng với bàn tay khéo vén của má, “món xà bần” còn là những khoanh bánh tét, vạt bánh ít dư ra từ mâm cơm cúng ông bà tổ tiên.
Má gom lại xếp vào cái mẹt tre đem phơi dưới nắng để dành hấp với cơm hay chiên lại ăn sáng đi học.
Bánh khi ấy không còn tròn trịa khuôn cạnh như lúc đầu mà vỡ vụn, lúc chiên má phải dùng cái sạn ém lại thành từng miếng cho dẹp rồi rắc thêm tí muối nên bánh có vị giòn giòn mằn mặn rất ngon.
Ăn xong, má lấy lá chuối gói thêm cho mỗi đứa một cái bỏ vào cặp mang theo đến trường thay cho quà vặt.
Món xà bần dân dã thân quen đã dẫn dắt ước mơ của chị em tôi lớn lên từ những tháng ngày thương khó. Ngày tôi rời xa tổ ấm mới nhận ra bài học gói ghém cuộc sống từ những món ăn đơn sơ, bình dị của má.
Dẫu có thưởng thức bao nhiêu món ngon vật lạ cũng không bao giờ có lại cảm giác sung sướng, ngon lành như thuở ấu thơ. Chị em tôi giờ đã làm cha, làm mẹ của bọn trẻ cái thời thức ngon luôn có sẵn quanh năm.
Mùng 2 Tết, hàng hóa đã về đầy chợ và siêu thị, thức ăn thừa phải lãng phí vì những khuyến cáo sức khỏe và an toàn thực phẩm. Cuộc sống đủ đầy, tụi nhỏ không được biết đến món ăn đầy tinh thần tiết kiệm ấy – món ăn mà chẳng ai bày bán và cũng không ai mua lại được bao giờ.
Trong những câu chuyện sum họp đầu năm bên chiếc bàn ăn đủ đầy con cháu, má thường hay nhắc lại những món xà bần năm xưa. Món ăn dẫu không cầu kỳ, tốn kém nhưng lại trở thành món ngon cổ tích, gợi lên cho thế hệ cháu con những ký ức yêu thương mỗi dịp xuân về.
Đã vài lần tôi làm thử nhưng mùi vị cứ thừa, cứ thiếu, không dễ đậm đà như thời ấy. Có lẽ hương vị món xà bần chỉ dừng lại ở quãng nhớ mà thôi.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/xa-ban-thuong-nho-20221111101325051.chn” name=””]