Chị Nhung vừa an ủi, động viên mẹ “cố gắng lên”, nhưng bụng thì sốt ruột. Một ngày mới bắt đầu với bao nhiêu việc cần làm, vậy mà chị phải ngồi lại nghe mẹ than thở dông dài, toàn những chuyện không đâu.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Sáu giờ sáng, chuông điện thoại réo vang. Chị Nhung cầm điện thoại, nhìn thấy cuộc gọi của mẹ thì thở hắt ra. Chần chừ một lúc, chị cũng bấm nhận cuộc gọi. Đầu dây bên kia, bà Hoa bắt đầu một tràng dài kể khổ.
Lần nào bà gọi cho con gái, cũng chỉ để tố khổ đủ thứ việc vặt vãnh quanh nhà. Đầu tiên là chuyện con chó Lu nhà vợ chồng Loan sáng nào cũng chạy sang sân nhà bà tè bậy một bãi rồi co chân chạy về.
Bắt đầu một ngày mới bằng việc ra sân cặm cụi dọn dẹp chất thải của con Lu khiến bà Hoa vừa mệt vừa bực. Sự bực bội ấy kéo dài suốt cả ngày khi con gà nuôi sau vườn cứ chạy tới trước hiên bươi nát vạt hoa đồng tiền. “Mẹ định rào vạt hoa lại, nhưng đau lưng quá. Nhờ ba mày, thì ông cứ hẹn rày hẹn mai, chẳng chịu làm. Mà ông dạo này khó chăm quá. Làm gì cũng không vừa ý ông. Mẹ
khổ quá!”.
“Có việc gì, mẹ kêu con Loan nó phụ cho”, chị Nhung nói. “Ôi chao, nó bận suốt ngày, chả nhờ vả được”, bà Hoa lại bắt đầu tiếp một tràng nữa kể về cái tội vô tâm của Loan.
Chị Nhung vừa an ủi, động viên mẹ “cố gắng lên”, nhưng bụng thì sốt ruột. Một ngày mới bắt đầu với bao nhiêu việc cần làm trước khi đến cơ quan. Phải ra chợ mua thức ăn về sơ chế trước, áo quần cần phải giặt giũ phơi phóng cho kịp nắng, rồi quét tước dọn dẹp nhà cửa, đủ thứ việc không tên trong nhà… vậy mà chị phải ngồi lại nghe mẹ than thở dông dài, toàn những chuyện không đâu.
Chưa kể, tâm trạng tốt đẹp và đầy năng lượng tích cực, sau khi nghe mẹ than van một hồi cũng bay biến. Vậy là chị mang theo cõi lòng nặng trĩu đến chỗ làm. Có rất nhiều lần, thấy mẹ gọi điện vào sáng sớm, chị chỉ ước giá mà mình không nghe cuộc điện thoại đó…
Chị Nhung quê ở Quảng Bình. Nhà có ba anh chị em. Anh trai lấy vợ ở Đà Nẵng, chị lấy chồng ở Huế. Loan là em gái út, lấy chồng ở quê, ba mẹ chị cắt đất cho Loan làm nhà sát ngay bên cạnh. Có vợ chồng em gái ở bên ba mẹ, nên chị Nhung và anh trai bớt lo. Dù gì khi ba mẹ đau ốm vặt vãnh, đã có vợ chồng Loan chạy qua chạy lại. Những khi lễ lạt tết nhất, hoặc nhà có giỗ chạp, rồi ba mẹ đau ốm thì chị mới về với ông bà. Ăn với ông bà được mấy bữa cơm, chị lại vội vàng trở vào Huế làm việc.
Nhiều lần, sau khi nghe mẹ than vãn, chị liền gọi cho em gái. Vậy là Loan lại than một tràng dài, rằng bà dạo này khó tính, làm gì bà cũng không vừa ý. Mà ông bữa nay cũng đổi tính, càng già càng trái tính trái nết. “Chị không ở gần, chị không hiểu đâu”. Lần nào Loan cũng chốt hạ bằng câu nói ấy trước khi tắt máy.
Lần này, mẹ chị đau chân, phải vào viện châm cứu. Chị gom tất cả ngày phép rồi xin nghỉ thêm ít hôm nữa khăn gói về quê chăm ba, để mẹ yên tâm vào viện điều trị. Sáng bà vào viện châm cứu và vật lý trị liệu, chiều bệnh viện cho bà về nhà ngủ. Vợ chồng Loan chịu trách nhiệm đưa đón bà, và thay nhau ở cùng bà tại bệnh viện. Chị Nhung ở nhà lo cơm nước cho ba.
Ba chị năm nay 80 tuổi. Ngày còn trẻ, ông từng tham gia kháng chiến. Hòa bình, ông trở về dạy học. Tính ông xưa nay rất hóm hỉnh, dễ chịu. Nhưng rồi tuổi già cùng với bệnh tật khiến ông mệt mỏi, hay cáu gắt. Những lần về thăm nhà, ở bên cạnh ông hai, ba ngày, nên chị chỉ thấy ông vui vẻ, dễ chịu. Chị nấu gì ông ăn cái đó, nhắc ông uống thứ gì là ông uống hết, không phàn nàn.
Có lần ông bệnh nặng, chị đưa ông vào Huế nhập viện, cũng một mình chị chăm sóc ông. Chị nấu cháo – ông ăn cháo, chị mua phở – ông ăn phở, không hề cằn nhằn tiếng nào.
“Ba dễ chăm vậy mà lần nào cũng toàn thấy mẹ gọi than”. Có bữa chị đã nói thế với mẹ. Bà giãy nảy lên, bảo ông chỉ được đôi bữa. Chị cười cười không tranh cãi với mẹ, bụng nghĩ, chắc tại mẹ nấu dở nên chẳng vừa ý ông.
Lần này ở lâu chăm ba, chị mới hiểu hết nỗi nhọc nhằn của mẹ. Chị nấu cháo múc cho ông một tô, ông quạu, bảo múc nhiều quá. Pha ông ly nước ấm, ông chê nóng quá. Chị nấu canh bí đỏ, ông chê thiếu đường. Chị nói đường không tốt cho người già, vì bí đã sẵn vị ngọt. Ông giận, nói canh bí không cho đường mất ngon, rồi ông nhất quyết không ăn. Mua bún ngoài tiệm ông chê dở, mà chị nấu ông chê hầm thịt nhừ, trong khi răng ông thì yếu…
Hai, ba ngày đầu, chị nấu nướng còn vừa ý ông, hoặc vì ông nể tình con gái ở xa về nên không làm mình làm mẩy. Nhưng những ngày sau đó, chỉ việc chiều theo ông cũng khiến chị bở hơi tai.
Bà chấm dứt đợt điều trị cũng là lúc chị hết kỳ nghỉ. Công việc chăm sóc ông lại sang tay bà. Nhìn mẹ già lụi cụi gọt từng củ khoai, củ dền hầm cháo cho ông, ngắt từng đọt rau trong vườn hầm lấy nước cho ông uống, chị càng thấu hiểu và thương mẹ.
Chị mới nhận ra, những cuộc điện thoại của mẹ dây dưa dài dòng, kể cực kể khổ, chẳng qua là mẹ muốn tìm người để nói chuyện, để trút nỗi lòng khi phải lăng xăng quanh ông cả ngày. Than thở một hồi, lòng bà cũng nhẹ đi, rồi lại bắt đầu một ngày chăm sóc ông. Mà ở tuổi của bà, lẽ ra cũng cần được nghỉ ngơi, được con cháu chăm sóc.
Cuối cùng chị cũng hiểu ra vì sao mẹ hay than vãn (Ảnh minh họa) |
Bà có thói quen bốn giờ sáng đã trở dậy pha nước uống trà, rồi ra sân đi vài vòng tập thể dục, chăm bông hoa, tưới cái cây. Vườn nhà bà lúc nào cũng đầy hoa nở. Chị cũng dậy sớm, nhưng từ bây giờ, việc quan trọng mỗi ngày là dành thời gian gọi điện thoại cho mẹ và chậm rãi nghe bà nói đủ thứ chuyện, vui có buồn có, than thở cũng có. Chị không còn thấy khó chịu khi nghe mẹ than vãn.
Hóa ra, ngồi nghe bà rầy rà kể chuyện con chó, con mèo, cái cây cái hoa, chuyện ông khó tính, kén ăn này kia bằng một tâm thế bình lặng và yêu thương cũng thú vị vô cùng. Chị đón nhận mọi câu chuyện nhẹ nhàng và vui vẻ. Có lúc chị còn pha trò, rồi hai mẹ con cười vang, khi nắng vàng hoe vừa len qua khe cửa.
Ngọc Linh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cuoc-dien-thoai-tho-than-cua-me-a1474907.html” name=””]