4 chị em tôi mê tơi bánh sắn hấp vung nồi của ngoại. Ký ức về món bánh ấy đi cùng chị em tôi suốt thời thơ ấu đến bây giờ.
Ngọt ngào tuổi thơ những năm tháng cũ – Ảnh: Sơn LD |
Nhà bà ngoại cách nhà tôi không xa, là nơi bình yên nuôi dưỡng một phần tuổi thơ êm đềm của chị em tôi bằng những món ăn dân dã in hằn trong trí nhớ.
Ngon ngọt là bánh rế rán giòn, là nồi chè ngô bà dành cả ngày để ngâm đồ rồi đãi vỏ ngọt thanh. Là những chiều hè theo dì lên núi hái lá găng để bà vò thạch, những nồi thạch xanh mướt mềm mịn hăng hăng núng niếng mát lành. Là bánh khoai, bánh chuối những ngày đông giá hay bánh sắn (khoai mì) hấp vung nồi…
Nhà bà ở sát chân đồi. Ra Giêng, những ngày nắng ấm sau cơn mưa phùn đất tơi ẩm, thi thoảng chúng tôi được theo ông bà và cậu lên rừng cuốc đất vùi hom sắn. Sắn lớn nhanh hơn tôi. Một cuối tuần nào đó thảnh thơi tôi đã phải trầm trồ “sắn cao bằng đầu cháu rồi bà ơi”.
Món quà đầu tiên khi ông bà dỡ sắn là sắn luộc. Mùi sắn luộc nóng hổi thơm ngon dìu dịu tỏa ra quyện vào mùi khói ấm nồng nơi vách bếp không bõ công gần 1 năm chờ đợi.
Tiếp theo, tôi mới ngó nghiêng tới khoảnh sân đang phơi những miếng sắn khô giòn trắng phau của ông bà. Nắng đầu đông vàng ươm, giòn rụm. Vài ngày hanh nắng đảo qua đảo lại, nhà ông bà chất đầy những bao sắn khô. Ông mang một phần đi nghiền bột để bà làm bánh cho chị em tôi.
Bột sắn bà đem ngâm nước, đợi lắng xuống lóc đi nước vàng và bụi bẩn. Nước lọc trong rồi bà đổ bột vào túi vải treo lên cho thật ráo nước, rồi lại bẻ vụn ra mâm phơi nắng.
Bột sắn khô sạch bà trộn với đường hoa mai – thứ đường hạt to vàng ươm thơm thơm mùi mía. Tôi giúp bà nhắc siêu nước đang sôi sùng sục trên bếp xuống rót từ từ theo hướng dẫn của bà. Bà khuấy đều tay thành 1 khối bột dính quyện vào nhau, bột chín trong đùng đục. Bột chưa kịp nguội bà đã dùng tay nhào bột đập bột, bàn tay gầy guộc khéo léo đỏ dần lên, đảo qua lật lại cục bột trong chậu. Bà cứ làm vậy cho đến khi bột thành một khối mịn không dính tay, bà sẽ tiếp tục công đoạn chia bột, những vắt bột nhỏ xinh mịn màng nằm đợi trên mâm.
Bà vo gạo, bắc nồi lên bếp. Nồi cơm bằng gang dày và nặng lắm. Khi gạo nửa sống nửa chín xăm xắp nước, bà mới ốp bánh vào vung nồi và xung quanh thành nồi, rút bớt củi. Chờ đến khi cơm chín là bánh chín. Còn nhớ lúc ấy tôi luôn thắc mắc với bà “vì sao bánh không rơi?”.
Bánh sắn hấp chín, bà để lên lá chuối, xếp ra cái rổ tre. Bánh ngả nâu màu cánh gián, nóng hổi cuộn tròn trong lớp lá chuối xanh. Lá nóng có mùi thơm hăng mùi đặc trưng của lá chuối hơ lửa trước khi gói bánh chưng, tựa hồ như tết đang đến thật gần.
Chúng tôi chỉ có thể ăn bánh sau giờ cơm. Khi đó bánh mới đủ nguội, cắn mới không bị nhức răng. Chiếc bánh nhỏ xinh mềm mịn, dai dai ngòn ngọt, là món quà vặt ngon lành đặc biệt trong những ngày đông gió lạnh. Ăn no căng bụng, được ngoại gói cho mang về, nhưng lần nào cũng có cảm giác “ăn chưa đã thèm”. Nhưng nồi cơm không đủ lớn để bà có thể hấp bánh kèm nhiều hơn.
4 chị em tôi, ai cũng mê tơi món bánh giản đơn ấy. Có lẽ một phần vì ngày ấy bánh kẹo là thứ xa xỉ, chỉ ngày tết mới có, nên mọi món quà bà làm đều ngon.
Sinh ra trong thời thiếu thốn, chị em tôi càng cảm nhận được sự chăm sóc ngọt ngào, tỉ mỉ của ngoại, những món ăn ông bà đặt trọn yêu thương.
Đã nhiều năm nay tôi chưa được ăn bánh sắn của ngoại. Ông bà tôi già yếu hơn; sắn không còn được trồng trên đồi, sắn không còn được phơi trên sân… Những nhắn nhủ hẹn hò “Bà ơi khi nào chúng ta lại cùng nhau làm bánh sắn” trôi theo năm tháng còn bởi công việc chúng tôi bận rộn. Nhưng ký ức về món bánh có vị ngọt thanh thanh, dẻo thơm ấy đi cùng chị em tôi suốt thời thơ ấu đến bây giờ. Thương lắm bánh sắn hấp vung nồi của ngoại.
Cù Thoa
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/banh-san-hap-vung-noi-cua-ngoai-a1483189.html” name=””]