Chồng tôi có cảm giác hàng xóm đang xì xào con dâu và con trai “bóc lột” bà mẹ.
Tôi vừa đi làm về thì nhận tin chồng nhắn “vào phòng đóng cửa ngay để nói chuyện”. Sở dĩ chúng tôi phải đóng cửa là vì sợ bà nội bọn trẻ nghe thấy.
Chồng tôi kể anh vừa nghe bà nội nói với hàng xóm: “Tôi chẳng qua nhà mấy bà chơi được đâu. Tôi bận lắm. Nhà bao nhiêu là việc!”.
Khi ấy anh giả bộ không nghe gì, cố ý chào các bà thật to rồi vội về, có cảm giác hàng xóm đang xì xào con dâu và con trai “bóc lột” bà mẹ.
Tôi bật cười với ông chồng “yếu đuối”, hoá ra anh chưa hiểu nhiều về mẹ anh.
Ba năm trước, vợ chồng tôi đón bà nội từ quê vào ở chung, kết hợp chữa bệnh (ảnh minh họa) |
Bố chồng tôi mất từ lâu. 3 năm trước, vợ chồng tôi đón bà nội từ quê vào ở chung, kết hợp chữa bệnh. Thẳng thắn mà nói, hiếm cô con dâu nào muốn ở chung với mẹ chồng. Tôi lớn lên ở thành phố còn mẹ chồng cả đời ở quê, không ít thì nhiều cũng có những khác biệt. Nhưng “thương chồng nhớ tới bà gia”, tôi nhớ như in ngày tôi về nhà anh chơi, trong khi bà mợ bà thím cứ nhìn tôi chăm chú kiểu dò xét, thì mẹ chồng tương lai đã đuổi các chị em về, nói để tôi nghỉ ngơi.
Bà tận tình chỉ cho tôi khu vực vệ sinh, khu nhà bếp, tôi sẽ ngủ ở buồng nào. Tôi nhận thấy bà thật lòng yêu quý mình nên về kể cho ba mẹ nghe. Ba mẹ tôi nói: “Có được mẹ chồng như vậy thì chẳng gì vui bằng!”.
Tôi sinh con 2 lần, lần nào cũng 2 bà vào chăm sóc. Mẹ chồng tôi là nông dân, ở chung với chúng tôi, bà chẳng nề hà bất cứ việc gì. Sợ bà buồn, tôi nhờ bà buổi sáng đưa con gái nhỏ đi nhà trẻ, chiều đón về, nhưng thời gian ban ngày của bà vẫn còn nhiều. Lôi đồ đạc ra lau chùi hay quét dọn nhà cửa cũng không hết ngày.
Tôi để ý thấy bà ăn ít, tôi lại không được khéo léo nên tôi lôi chồng ra “làm cớ”. Tôi mách bà rằng chồng tôi chê tôi nấu ăn dở, anh luôn nhớ những món ngày xưa của mẹ, vậy nên tôi nhờ bà đi chợ nấu ăn hàng ngày giúp tôi.
Mẹ chồng nhận lời ngay. Từ đó, ngày nào gia đình tôi cũng có bữa sáng bữa chiều nóng sốt.
Mỗi ngày bà đều hỏi con trai, con dâu, 2 cháu trai gái thích ăn món gì. Và bà sẽ đi chợ theo “đơn đặt hàng”. Ngày cuối tuần, vừa nấu ăn bà vừa hướng dẫn cháu trai, cháu gái nhặt rau rửa chén…
Được ăn món khoái khẩu, lại theo giờ giấc khoa học nên 3 cha con đều tăng cân. Thấy tôi ăn uống cầm chừng vì sợ mập, bà nạt: “Béo có sao, béo mà cứ dẻo cứ khoẻ là được!”. Thi thoảng bà còn gọi điện cho mẹ tôi, chẳng biết hai bà nói gì mà vui vẻ lắm!
Nghe tôi kể chuyện 2 bà “tám chuyện cười miết”, chồng tôi ngỡ ngàng, anh nói cộng nhận dạo này thấy bà vui vẻ nhanh nhẹn hơn, không mệt mỏi chậm chạp như những ngày mới phát hiện bệnh. Hẳn là được làm việc, được quan tâm nên tinh thần và sức khoẻ cũng tốt hơn.
Tôi là cô con dâu… lười nhất quả đất (ảnh minh họa) |
Tôi cũng thú nhận, từ khi có bà nội “bao thầu” việc nhà, cơm nước, tôi đâm rảnh nên đã nhận thêm việc về làm, vừa có thêm thu nhập vừa có thể phụ bà nội bọn trẻ thuốc thang. Tháng đôi lần hay vào những ngày sinh nhật, kỷ niệm của gia đình em trai chồng, tôi mua quà gửi về quê, nói là quà của bà nội. Nhận được quà khi thì cái nồi gang, khi cái quạt hơi nước, khi quần áo giày dép cho đám trẻ… em trai luôn gọi điện vào khoe với mẹ, những khi ấy tôi thấy mẹ chồng rất vui.
Tôi hiểu rằng, chẳng ai muốn ngồi đếm thời gian rồi nghĩ được, nghĩ mất. Có lao động, có bận rộn, mẹ chồng mới thấy mình còn giá trị, còn quan trọng, mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa, thời gian bà nghĩ đến bệnh tật cũng giảm.
Và dù bị chồng gán cái tên “con dâu lười nhất quả đất”, tôi cũng hay phụ việc bà vào cuối tuần. Thi thoảng tôi lại nhắc chồng đưa cả nhà ra ngoài ăn, vừa lấy cớ để đưa mẹ chồng đi chơi, vừa cho bà “nghỉ phép”.
Thuỳ An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-dau-qua-luoi-me-chong-om-toan-bo-viec-nha-a1479323.html” name=””]