Gừng là một trong những loại gia vị không thể thiếu trong căn bếp mỗi gia đình. Không chỉ thế, gừng cũng là một vị thuốc tốt trong Đông y. Gừng chứa gingerol, axit amin, axit xitric, axit ascorbic, protein, chất béo, thiamine, riboflavin, caroten, cellulose thô và các nguyên tố vi lượng như vì canxi, sắt và phốt pho có giá trị dinh dưỡng cao. Gừng có mùi thơm và vị cay đặc biệt, có tác dụng cải thiện mùi vị, khử mùi tanh, nhất là đối với thịt lợn, thịt bò, cá…
Bình thường, chúng ta thường hay mua nhiều gừng một lúc về để ăn dần tuy nhiên gừng để lâu thường hay bị mọc mầm, héo, hỏng. Do đó, đầu bếp mách, có 5 cách bảo quản gừng rất đơn giản, để cả nửa năm vẫn chẳng mọc mầm hay héo, các bạn hãy cùng tham khảo nhé:
1. Cách bảo quản gừng tươi lâu bằng muối
Bảo quản bằng muối là một phương pháp đơn giản, tiện lợi. Nó tương đương với phương pháp “muối chua”, giống như thịt, cá, rau muối dưa… có thể bảo quản được lâu, đối với gừng cũng vậy.
Cách bảo quản gừng này không khó, bạn chỉ việc cho muối ăn vào khăn giấy rồi bọc gừng lại, sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, vừa bọc vừa gạt hết không khí ra ngoài, để gừng cách ly hoàn toàn với không khí. Sau đó cho gói gừng vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản. Với cách này, bạn có thể để gừng từ nửa năm tới 1 năm mà không hỏng.
Ngay cả gừng thái lát, bạn cũng có thể bảo quản theo cách này.
2. Phương pháp bảo quản gừng tươi lâu bằng gạo
Nhà nào cũng sẵn gạo nên cách bảo quản gừng bằng gạo vừa tiện lợi lại dễ làm. Cách bảo quản gừng này được thực hiện như sau, gừng rửa sạch, thấm khô nước trên bề mặt rồi cho vào túi gạo để gừng không bị héo hoặc mọc mầm.
3. Hướng dẫn cách bảo quản gừng bằng trà khô
Đầu tiên gói trà khô bằng giấy báo rồi cho vào túi nilon. Cho gừng vào túi nilon có trà rồi gói kín lại đem để ở nơi thoáng mát. Nếu khi nào thấy túi giấy bị ẩm, bạn có thể lấy túi giấy ra để lau khô, sau đó cho gừng vào lại.
4. Phương pháp vùi vào đất/cát
Đây là cách làm mà nhiều người ở nông thôn hay sử dụng vì có sẵn đất và cát. Gừng mua về, sau khi sử dụng xong, còn thừa đem vùi vào trong chậu có chứa đất hoặc cát, để ở nơi thoáng mát. Khi nào cần lại lấy một ít gừng ra để chế biến. Bằng cách này, gừng có thể nửa năm không hỏng.
5. Cách bảo quản gừng trong màng bọc thực phẩm
Nguyên tắc giống như phương pháp bảo quản gừng trong muối. Cách làm cụ thể, chuẩn bị một chậu nước sạch, đổ một lượng muối thích hợp vào, khuấy đều thành nước muối nhạt, ngâm các củ gừng trong 15 phút rồi vớt ra lau khô nước bề mặt.
Lưu ý, không phơi nắng, sau khi gừng khô, bọc nó bằng màng bọc thực phẩm, đảm bảo không khí đã thoát hết ra ngoài sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh. Với các cách bảo quản gừng này, bạn có thể để bao lâu cũng không lo thối hỏng.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/gung-mua-ve-nhanh-heo-hoc-ngay-5-meo-nay-de-ca-nua-nam-van-khong-moc-mam-hay-hong-c59a6754.html” alt_src=”https://eva.vn/meo-hay-nha-bep/gung-mua-ve-nhanh-heo-hoc-ngay-5-meo-nay-de-ca-nua-nam-van-khong-moc-mam-hay-hong-c279a523487.html” name=””]