Vợ tôi báo rằng mẹ gọi điện thoại, nói mai về có chuyện cần bàn, tôi cũng đoán được lý do, vì cô út mới gọi điện cho tôi xong.
Tháng trước chú ba về xin cha mẹ hỗ trợ ít tiền làm ăn. Chú nói công ty chú sắp đóng cửa, giờ chú đã bốn mấy tuổi, cầm hồ sơ đi xin việc khó coi lắm, chú muốn ra ngoài làm ăn, làm gì thì tính sau, trước mắt cần có vốn đã, chú muốn xin cha mẹ bán đất chia cho các con.
Cơm nước xong, vợ gọi điện cho chú ba. Tôi chưa thấy bà chị dâu nào lại “chẳng ngán” đám em chồng như vợ tôi. Tiếng cô ấy lanh lảnh: “Chú hơn 40 tuổi đi xin việc thì xấu hổ, còn về ngửa tay xin tiền cha mẹ thì không à?”
Nhà tôi có năm anh em, chú ba khá giả nhất. Mặc dù chú đi học bằng tiền tôi, nhưng chú lại mua nhà sắm xe trước tôi vì tôi còn bận lo cho hai em gái và chú út.
Nhà có công có chuyện, vợ chồng chú ba cũng không ý kiến, đúng kiểu “ai sao mình vậy”, thím ba lại hơi tính toán nên thường thu vén cho riêng mình chứ hiếm khi chia sẻ với anh em.
Em trai tôi ngại ngùng khi phải đi xin việc (Ảnh minh hoạ) |
Không biết đầu bên kia chú ba nói gì mà vợ tôi đứng bật dậy: “Khoan hãy nói chú út và hai cô. So học vấn, chú hơn anh nhà chị, ngày xưa anh chú phải đi rửa chén phục vụ quán để lấy tiền ăn học, trong khi chú được gia đình và anh chu cấp đến tận răng. Nay chú có nhà có xe sao lại không tự kiếm tiền mà chạy về xin bố mẹ già? Vợ chồng chú có từng mười hai giờ khuya đạp xe đi xin nước gạo, cơm thừa về nuôi lợn, có phải vứt con ở phòng bảo vệ của trường để đi làm thêm không? Chú nhớ lại xem, chú ra trường là được mua xe máy trong khi anh chú vẫn xe đạp, đi làm thêm phải mượn xe chị vì kiếm được đồng nào đều đắp sang cho chú.
Tôi nói không phải để kể công, nhưng nhắc chú nhớ chú đã làm gì bằng ai chưa mà lên tiếng so bì. Ở cái nhà này, người có thể so bì là chú út, thử nghĩ xem chú út đã chăm sóc bố mẹ bao nhiêu năm. Bố ốm đi viện, mẹ gãy chân bó bột, khi bố huyết áp, lúc mẹ dạ dày… chỉ vợ chồng chú út đêm hôm. Chú có xe hơi mà còn ngại chạy sáu chục cây số về thăm cha mẹ.
Tiện đây tôi nói luôn, tôi không đồng ý chuyện cha mẹ cắt đất bán vườn chia cho đám con. Chú có biết hai em gái nói “phận gái lấy chồng nên cho sao nhận vậy”, chú út thì nói “tuỳ bố mẹ và các anh chị tính toán”. Sao các em mình học ít lại biết điều thế?
Còn chú khăng khăng muốn chia, thì phần của vợ chồng tôi, chúng tôi tặng cho chú út một nửa, nửa còn lại chia đều cho hai cô. Và từ nay tôi cũng không qua lại với chú thím nữa. Nhà bán là mất, chia chác là hết, chú chưa biết sẽ làm gì thì tiền núi cũng hết, chú suy nghĩ lại đi, vợ chồng tôi cũng đi làm công đấy, sao phải xấu hổ. Chú gửi hồ sơ cho tôi, mai tôi tìm nơi cho chú đi phỏng vấn. Dẹp mấy thứ sĩ diện hão đi, 40 xin việc mà xấu hổ gì, xấu hổ thì đừng ăn đừng tiêu nữa!”
Nghe vợ nói một tràng, tôi cũng xây xẩm mặt mũi. Thế mới biết thi thoảng tôi làm cháy nồi cá hay cắm cơm quên nhấn nút nấu, hai đứa con ngang bướng nghịch ngợm, vợ nói nặng lời mấy câu chưa là gì so với hôm nay.
Bên kia chú ba hình như không có cơ hội lên tiếng. Tôi quay sang giục đám con đi học và chuẩn bị quần áo sách vở cho ngày mai thì nghe vợ quay sang chốt hạ: “Anh chuẩn bị đi, sáng mai mọi người cùng về đấy!”
Bữa trưa đông đúc con cháu. Tôi nhìn chú út lăng xăng chạy tới bàn này thêm chén bát, đến bàn kia thêm nước cho đám trẻ mà mắt cay cay. Tôi vẫn biết chú út thiệt thòi nhưng chưa khi nào tôi nhìn em mình lâu thế.
Chúng tôi đi đông về tây, chú lủi thủi nơi quê nhà, chăm sóc nhà cửa, phụng dưỡng bố mẹ. Chú cười với vợ tôi: “Lâu lắm cả nhà mới đông đủ, không thiếu một ai thế này. Cha mẹ vui lắm!”
Cả nhà đông đủ, cha mẹ vui lắm (Ảnh minh hoạ) |
Vợ tôi cười: “Hao hết nửa đàn gà của vợ chồng chú mà chú vẫn thấy vui à?”
“Vui ạ, hay mai các anh chị ở lại, em thịt nốt rồi em nuôi đàn khác, nhanh lắm!”, chú út chân tình.
Vui nhất có lẽ là cha mẹ tôi. Tuổi già, hẳn ông bà trông mong nhất là con cái khỏe mạnh hiếu thảo, thương yêu nhau. Nay thấy các con đoàn kết trên bảo dưới nghe, trên kính dưới nhường, cha mẹ nào chẳng mãn nguyện.
Ngay từ khi về, tôi thấy chú ba đi dạo ngoài vườn với cha tôi, hẳn chú đổi ý không xin bán đất nữa. Lúc quay vào nhà, tôi thấy cha phấn khởi hẳn.
Trong khi đó “công thần” của cả nhà vẫn mải khen gà chú út nuôi thịt ngọt chân vàng. Hình như người nói chuyện sa sả trong điện thoại chiều qua là một người nào đó, không phải vợ tôi…
Trung Thành
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mot-vu-doi-chia-dat-that-bai-a1474911.html” name=””]