Chúng tôi đã đi hơn 200km từ TPHCM về xứ Châu Đốc (An Giang) chỉ để ăn cái lẩu mắm linh thơm lừng, đầy ú ụ “topping” cùng mẹt rau tập tàng khó cưỡng.
Lẩu mắm thì ở đâu cũng có, nhưng được thưởng thức một nồi lẩu ở chính thủ phủ mắm miền Tây – Châu Đốc (An Giang) chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị và dễ gây thương nhớ.
Đó cũng là một trong những lý do có những cuối tuần, không vì một dịp nào hết mà cứ thèm mắm, cảm thấy thiếu rau xanh là tôi lại “đánh xe” gần 5 giờ đồng hồ, vượt hơn 240km từ TPHCM về TP. Châu Đốc chỉ để ăn nồi lẩu mắm cá linh thơm lừng, mặn mòi.
Mẹt rau tập tàng hai người ăn không hết với hơn chục loại rau xanh, rau rừng nhúng lẩu mắm |
Còn nhớ lần đầu tiên tôi biết đến quán lẩu mắm “ruột” nằm gần chân núi Sam, TP. Châu Đốc, là vào một dịp tham quan rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), viếng chùa Bà Chúa xứ (Châu Đốc). Trước khi tôi đi, bạn bè dặn rất kỹ là “đến Châu Đốc phải ăn cho được cái lẩu mắm rồi hẵng về, mới trọn chuyến đi”.
Phần lẩu mắm hơn 450.000 đồng cho hai người ăn không hết, với đầy đồ ăn kèm như tôm, thịt, mực, cá… |
Vừa hỏi đường vừa hỏi người dân địa phương, tôi chọn một quán lẩu mắm trên đường Tân Lộ Kiều Lương, phường Vĩnh Tế, Châu Đốc để thưởng thức lẩu mắm. Tại đây, được sự hướng dẫn của nhân viên, tôi gọi nồi lẩu hai người ăn với giá hơn 450.000 đồng, với đầy ắp tôm, thịt ba rọi, bạch tuột/mực (tùy mùa) cá basa, cá hú… ăn kèm với bún, mì.
Điều đặc biệt khiến thực khách lần đầu đến ăn chính là mẹt rau tập tàng – cái tên đại diện cho nhiều loại rau xanh, rau mọc dại ở miền Tây như: rau nhút, kèo nèo, rau dừa nước, bông điên điển, bông súng, rau đắng, rau má… xanh mướt ăn kèm.
Rau nhút – loại rau đặc biệt chỉ mọc tươi tốt trên mặt nước dùng để ăn sống, chấm mắm hoặc nấu canh chua cá lóc, cá bông lau… ngon “hết nước chấm” |
Ăn tại đa số các quán lẩu mắm miền Tây, phần rau thêm bạn cứ kêu tùy thích, không giới hạn. Tất nhiên, việc lựa chọn con mắm rất quan trọng để có mồi nồi lẩu ngon. Thông thường các loại mắm dùng để chế biến lẩu mắm thường dùng mắm cá linh, cá lóc, cá chèn, cá sặc… tùy vào lựa chọn hương vị và các chế biến của từng quán.
Hơn hết là tùy vào công thức, cách chế biến của người dân, đa phần những người lớn lên bên gốc lúa, được nuôi dưỡng bằng phù sa của miền châu thổ, bên cạnh những nét ăn uống mang đậm bản sắc văn hóa phương Nam như miếng khô, con mắm… tạo nên những giá trị cốt lõi trong việc lưu giữ sự tinh tế của ẩm thực – điều khiến tôi phải đi – về gần 500km chỉ để ăn được một nồi lẩu mà cứ hể ăn rồi là lại thèm.
Quốc Thái
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nho-met-rau-tap-tang-cham-lau-mam-chau-doc-chieu-mua-a1464869.html” name=””]