Tôi có thể bất chợt đang buồn thì vui, đang nổi điên thì chuyển qua ngọt ngào, đang tình cảm sướt mướt lại có thể gào thét chửi rủa chồng.
Tối hôm qua, trước lúc đi ngủ, cô con gái 8 tuổi bảo với tôi: “Con thấy mẹ giống như bị đa nhân cách vậy”.
Tôi giật mình ngỡ ngàng, không ngờ con cũng cảm nhận được như vậy. Chắc con đã đọc đâu đó trên mạng về căn bệnh này và thấy tôi có những triệu chứng như thế. Bởi tôi có thể bất chợt đang buồn thì vui, đang nổi điên thì chuyển qua ngọt ngào, đang tình cảm sướt mướt lại có thể quay ngoắt sang gào thét chửi rủa…
Không phải đến khi con gái nói tôi mới như vậy. Mà đã 5 năm rồi, tôi muốn bình ổn tâm lý nhưng không thể. Chuyện này bắt đầu từ ngày chồng tôi say nắng một cô đồng nghiệp. Tôi không biết rõ họ đã làm gì với nhau, đã đi quá giới hạn hay chưa bởi mọi thứ quá mập mờ. Có thể nói, tôi chỉ phát hiện ra chuyện này qua giác quan thứ 6 của người đàn bà, còn chồng tôi, anh ấy chưa một lần trực diện thú nhận.
Sau chuyện xảy ra, cô gái ấy đã đi du học ở nước ngoài. Chuyện vợ chồng tôi cũng êm đẹp thêm được một thời gian, nhưng rồi đâu lại vào đấy khi tôi biết được là sang năm cô ấy sẽ về nước. Cô ấy sẽ tiếp tục làm việc cùng phòng với chồng tôi.
Tôi không thể kiểm soát cảm xúc của mình (Ảnh minh họa) |
Chừng ấy năm, tôi giống như ở trong một cơn bão, hoàn toàn mất phương hướng. Có khi, tôi muốn tha thứ cho chồng, nhẹ nhàng vun vén tổ ấm. Tôi muốn các con lớn lên trong một bầu không khí vui vẻ. Và bản thân tôi cũng cần được tha thứ, xứng đáng có một cuộc sống bình yên.
Nhưng có những khi tôi lại không thể làm như thế, tôi thấy chồng không xứng đáng có một người vợ “biết điều”. Những lúc ấy, tôi thường nổi điên lên, chì chiết, chửi rủa, đay nghiến. Tôi đe dọa rằng nếu anh còn tái phạm lần nữa, tôi sẽ giết anh (dù biết mình chỉ độc miệng thế thôi chứ nào dám). Cũng có lúc tôi muốn tự tử, chấm dứt những nỗi đau. Nhiều lần, tôi nói anh phải trả giá, tôi phải tìm lên cơ quan anh làm lớn chuyện…
Điều kỳ lạ nhất là dù cho tôi có điên rồ đến cỡ nào đi nữa, thì sau khi tất cả cảm xúc được đẩy lên cao trào, tôi lại mệt rũ trong yên lặng, thấy… hết chuyện để nói. Có những buổi sáng tôi muốn tung hê hết tất cả, nhưng đến tối khi chồng về, tôi lại thấy không còn điều gì quan trọng ngoài gia đình nữa. Đó là khi tôi lại có thể chấp nhận cái ôm của anh, vợ chồng có thể ngọt ngào với nhau như chưa có chuyện gì. Ranh giới giữa tha thứ và thù hận trong tôi cứ chập chờn như vậy.
Những ngày đầu khi xảy ra chuyện, chồng tôi nhẫn nại chấp nhận sự bất thường ở vợ. Nhưng vài năm gần đây, anh dường như cũng hết sức. Anh để mặc tôi tự “làm việc” với cảm xúc của mình. Còn tôi cũng ngày càng kiệt sức hơn. Vừa thấy như chồng bỏ rơi mình, muốn mặc kệ chồng, nhưng cũng có những lúc thèm khát được yêu thương cồn cào.
Thương nhất là những đứa con của tôi. Nhiều phen đang yên đang lành, chỉ một lỗi nhỏ của chúng cũng có thể châm lửa cơn khủng hoảng trong tôi. Hoặc nếu tôi đang lao vào trận chiến với chồng, những đứa con có thể bị lôi ra để trút cơn giận… Để rồi sau đó, tôi lại hối hận, lại cố gắng bù đắp cho các con, nhưng chẳng được bao lâu.
Rất nhiều khi tôi bị ám ảnh, nằm mơ thấy chuyện chồng mình trai trên gái dưới với cô gái ấy, sợ hãi việc sang năm cô gái ấy về lại cơ quan thì chồng tôi sẽ tiếp tục say nắng, phát triển tình cảm.
Tôi đã nói chuyện với chồng, nhưng mãi không tìm được giải pháp. Chồng tôi hỏi, anh ấy phải làm thế nào để tình cảnh này chấm dứt, tôi cũng không biết. Tôi muốn anh nghỉ việc, chuyển chỗ làm, nhưng nếu thế thì kinh tế gia đình tôi càng bất ổn. Trong nhà, thu nhập của anh là nguồn sống chính.
Tôi ý thức được tất cả những hành động sai của mình, thèm khát một trạng thái tâm lý ổn định hơn. Nhưng tôi không biết phải làm thế nào cả. Tôi tìm đến các liệu pháp về chữa lành, tôi tập thiền… nhưng cũng không đủ kiên trì hoặc sớm từ bỏ vì không thấy nhiều hiệu quả.
Tôi tự hỏi vì sao lỗi lầm là của anh, là do anh để tình cảm của mình “đi hoang” mà cuối cùng người phải chịu đau khổ lại là tôi và các con? Nhớ đến cảnh con bé là tôi năm xưa mới học cấp II đã suốt ngày phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, đánh đập nhau, tôi không muốn các con tôi lại cô đơn, tổn thương như thế.
Liệu có ai trong cuộc nói cho tôi biết, nỗi đau bị phản bội có mất đi được hay không? Và rốt cuộc thì tôi cần phải làm những gì để thoát ra khỏi tình trạng “đa nhân cách” này?
T. Liễu (Hà Nội)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/noi-dau-bi-phan-boi-co-tieu-tan-duoc-khong-a1470331.html” name=””]