Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi và phốt pho từ ruột, đảm bảo cho quá trình trao đổi chất, giúp trẻ tránh còi xương. Vì vậy, bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh là điều cần thiết.
Nhu cầu vitamin D của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
– Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ 1 phần cần 400 UI vitamin D/ ngày.
– Trẻ đã cai sữa, có thể uống được 1l sữa công thức hoặc sữa bò 1 ngày thì bổ sung thêm 400 IU vitamin D/ ngày.
Cần phải bổ sung đủ nhu cầu vitamin D mỗi ngày cho bé (Ảnh minh họa)
Bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh bằng cách nào?
Theo thống kê, 80% vitamin D được tổng hợp dưới da nhờ tác dụng của tia UVB có trong ánh nắng mặt trời.
20% vitamin D còn lại trẻ hấp thụ được từ sữa mẹ và thực phẩm hàng ngày.
Vì vậy, tắm nắng cho trẻ sơ sinh bổ sung vitamin D là cách tối ưu nhất, bên cạnh đó, dinh dưỡng cũng cần thiết để bổ sung đủ lượng vitamin D cho trẻ.
Tắm nắng là phương pháp bổ sung vitamin D lý tưởng nhất cho trẻ (Ảnh minh họa)
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh đến mấy tháng tuổi?
Trẻ sơ sinh ngay từ khi sinh ra đã cần lượng vitamin D để tổng hợp canxi và phốt pho phát triển thể chất. Trẻ bắt đầu tắm nắng sau 1 – 2 tuần đầu mới sinh cho đến khi trưởng thành vì nhu cầu vitamin D là cần thiết cho cả người lớn và trẻ em.
Thời gian tắm nắng cho trẻ sơ sinh
Tắm nắng hay phơi nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách sẽ giúp trẻ hấp thụ được lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể, phòng tránh được các bệnh về xương, còi xương, kém phát triển chiều cao, vàng da…Thời gian tắm nắng cho trẻ sơ sinh lý tưởng nhất là vào buổi sáng.
1. Tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào buổi sáng
– Thời gian tắm nắng cho trẻ sơ sinh:
Buổi sáng từ 6h – 9h sáng là thời điểm tắm nắng tốt nhất cho bé, giúp hấp thụ vitamin D tốt nhất. Đây là khoảng thời gian nắng nhẹ, tia cực tím thấp, dịu nhẹ cho da bé. Không khí buổi sáng trong lành không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
– Tắm trong bao lâu:
Bé lần đầu tắm nắng chỉ tắm 10 phút. Sau đó tăng dần thời gian tắm nắng lên. Tối đa từ 20 – 30 phút mỗi buổi sáng.
Lưu ý:
– Mùa đông: Nắng yếu, trời nhiều mây lại rất lạnh, nên chờ cho mặt trời lên, thời tiết ấm mới cho bé tắm. Có thể cho bé tắm nắng ở khoảng 10 – 11h.
– Mùa hè: Nên cho bé tắm nắng từ 6 – 7h sáng vì mùa hè nắng sớm, rất gắt, tia cực tím rất mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến làn da của bé.
– Mùa thu: Tắm nắng cho bé từ 8 – 9h sáng, thời tiết lúc này vừa phải, không lạnh cũng không nóng.
Buổi sáng là thời gian lý tưởng nhất để tắm nắng cho bé (Ảnh minh họa)
2. Tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào buổi chiều
– Thời gian tắm:
Khoảng sau 16h chiều mẹ có thể cho bé tắm nắng, chỉ tắm trong khoảng 20 – 30 phút.
Lưu ý:
– Mùa đông: Có thể tắm sớm hơn khoảng 15h30 – 16h vì thời tiết càng về chiều sẽ càng lạnh và mặt trời lặn sớm.
– Mùa hè: Tắm muộn hơn so với mùa đông, có thể bắt đầu từ 16h – 16h30, nếu thời tiết vẫn nắng rất gắt thì tắm vào khoảng 17h.
– Mùa thu: Tắm cho bé vào khoảng 16h là thời gian lý tưởng nhất, bé không bị nóng, không bị lạnh.
3. Tắm nắng cho trẻ sơ sinh bị vàng da
Ánh nắng mặt trời bổ sung vitamin D giúp cải thiện tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh. Mẹ có thể tắm nắng cho bé bị vàng da vào buổi sáng trước 9h và sau 16h buổi chiều. Nên tắm 30 phút/ ngày và tắm hàng ngày.
Hướng dẫn cách tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách
– Ngày thứ 1: Mẹ mặc quần áo để lộ 1 phần da chân, tay của bé, bế bé trong bóng râm 10 phút.
– Ngày thứ 2: Mẹ vẫn mặc quần áo hở phần chân, tay và bế bé trong bóng râm 15 phút.
– Ngày thứ 3: Mẹ bế bé trong bóng râm 20 phút (nếu bé bị vàng da thì cho bé tắm trong 30 phút).
– Ngày thứ 4: Mẹ mặc quần áo hở từ bàn chân, che mặt và mắt cho bé. Tắm cho bé 5 phút ở mặt thân trước và 5 phút ở mặt thân sau.
– Ngày thứ 5 trở đi: Cho bé mặc áo hở từ đầu gối kéo dần phần che lên đùi, bụng, ngực và tắm 10 phút ở mặt thân trước, 10 phút ở mặt thân sau.
Lưu ý: Tổng thời gian tắm không quá 30 phút/ ngày. Thời gian lý tưởng nhất để tắm nắng cho bé là buổi sáng.
Cần che chắn cẩn thận cho bé khi tắm nắng (Ảnh minh họa)
Một số lưu ý cần biết khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh
– Tắm nắng cho trẻ sơ sinh qua cửa kính? Qua 1 lớp kính chắn khiến bé không hấp thụ được tia UVB trong ánh nắng, không nhận được vitamin D. Vì vậy, mẹ không nên tắm nắng cho bé qua cửa kính.
– Các bé bị mắc các bệnh ngoài da như viêm da, Eczema,… không nên tắm nắng. Hay tham khảo ý kiến của bác sĩ trong việc bổ sung vitamin D cho trẻ.
– Nơi tắm nắng cho bé cần thoáng mát, không khí trong lành, tránh gió bụi và tiếng ồn.
– Hạn chế ánh nắng chiếu thẳng vào mặt, mắt hoặc đầu của bé vì có nguy cơ ảnh hưởng đến não.
– Khi bé ốm hoặc khi trời quá lạnh thì không nên cho bé ra ngoài trời tắm nắng.
– Lau khô mồ hôi cho bé và có thể cho bé bú mẹ ngay sau khi tắm (hoặc bổ sung thêm nước).
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách giúp bé hấp thụ được vitamin D cần thiết tốt cho quá trình tổng hợp canxi, phốt pho, phòng tránh còi xương, thiếu canxi…
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tam-nang-cho-tre-so-sinh-dung-cach-d299530.html” alt_src=”” name=””]