Suốt 4 năm bán hàng ở hẻm nhỏ quận 8, anh Phương vẫn trung thành với giá “rẻ rề” từ ngày mở quán, với những lý do rất dễ thương.
Quán bánh canh núp hẻm giá “rẻ rề”
“Tỷ phú là gì? Tỷ phú là người rất giàu, rất là nhiều tiền. Tui cũng là tỷ phú nhưng tỷ phú không có tiền, chỉ là tỷ phú tình thương, tình người, lòng từ bi, nhân ái thôi. Giá cả thị trường lên dữ lắm, nhưng bánh canh mà mình cũng lên thì bà con sao dùng được”, anh Trần Thanh Phương, chủ tiệm bánh canh Mỹ Tho ở TP.HCM lý giải.
Quán của vợ chồng anh “núp” trong con hẻm nhỏ gần chợ Phạm Thế Hiển (Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh), bán một món ăn siêu bình dân là bánh canh bột gạo, với cái giá khó mà rẻ hơn: 10 ngàn/tô. Đây là giá anh giữ suốt 4 năm nay, từ khi quán chỉ có 2 – 3 bàn tới giờ 10 bàn, từ khi góc đường Phạm Thế Hiển rộng cỡ 1,5m, lầy lội nước thải đến giờ đã rộng gấp đôi.
Tiệm bánh canh 10 ngàn của anh Phương rất nổi tiếng trên MXH
Hồi đó, anh Phương từ Mỹ Tho lên TP.HCM lập nghiệp, cứ đi lòng vòng hoài để kiếm địa điểm mở quán. Anh chọn hẻm nhỏ rất đông người dân lao động ở quận 8 ngày làm chốn dừng chân, vì tin rằng sẽ dễ bán, dễ được chấp nhận, cứ giá rẻ, đồ ăn khá là sẽ sống được.
Và cũng bởi cái bánh canh bột gạo này dễ ăn, bất kỳ ai ăn cũng được, từ người lớn đến con nít. Anh nói, sao mà giàu nổi nếu chỉ bán giá 10 ngàn/tô, nhưng mỗi ngày bán được chừng 700 tô, vậy là cũng đủ sống.
Trước đây, vợ đi làm, một mình anh Phương xoay với hàng quán, 5 giờ sáng đi chợ chọn đồ, làm nước lèo, hầm thịt, cỡ 9 giờ thì thịt chín, sườn, giò 10 giờ chín, rồi dọn hàng ra bán. Quán đông khách, anh kiếm thêm người phụ, nhưng không kiếm được nhiều người cùng “tánh kỳ” như mình.
“Đó giờ muốn nghỉ mấy lần rồi đó, thiếu tiền nhà trọ nè, rồi nguyên liệu tăng giá, nguyên cái giò heo từ 50 ngàn mà sau tăng lên 150 ngàn luôn. Mà tui nghĩ, thôi giá cao thì ngắt ngắt chút, vun vén lại chứ mình lên giá thì cũng tội bà con.
Ở đây giá nào mình cũng bán, nhiều khi người ta nghèo quá, 2 ngàn 5 ngàn cũng bán. Bán hàng thì phải để ý khách chút, ví dụ mấy anh xây dựng, làm việc nặng ghé ăn, tui múc bánh nhiều lắm, còn mấy cô cậu văn phòng thì lấy vừa vừa thôi. Hay mấy cô bác già, thay vì 3 miếng thịt thì bỏ 5 miếng. Có mấy người vé số, ve chai nghèo quá, tui không tính tiền hoặc lấy 2 ngàn, 5 ngàn thôi.
Mà mấy người phụ bán, nhiều khi bực bội lắm. Dặn họ cho đúng cữ rồi, mà họ cứ bớt bớt, cự lại tui: Bán vậy sao có lời? Ủa lỗ đâu tui tự chịu, có bớt lương của họ đâu. Gặp mấy người vậy, tui cho nghỉ luôn”.
Riết rồi không kiếm được ai phụ, nhân lúc vợ mất việc sau đại dịch, anh dụ chị ở nhà cùng bán luôn. Vợ anh Phương có bệnh tuyến giáp, hồi mới cùng chồng quán xuyến tiệm bánh canh, bưng cái tô mà tay run rẩy chực đổ. Giờ uống thuốc một thời gian, lại vui với công việc, chị khá lên nhiều.
“Mình ăn sao thì nấu cho người ta vậy”
Cả ngày loay hoay với tiệm bánh canh, nhà anh Phương gần như không nấu cơm nhà, không mấy khi trữ gạo. Gia đình ăn bánh canh triền miên, mà anh nói giỡn là “bánh canh mãi đỉnh”.
Khó mà có thể nói bánh canh của anh Phương nấu ngon nhất TP.HCM. Thành phố ấy có hàng ngàn tiệm bánh canh, từ những tiệm lề đường, núp hẻm như tiệm của anh cho đến những nhà hàng sang trọng. Nhưng anh luôn tự tin rằng bánh canh tiệm mình nấu rất gần với hương vị gia đình, từng nguyên liệu được chăm chút.
Anh Phương chưa từng học qua trường lớp nấu ăn, chỉ nấu mộc mạc như mấy bà mấy mẹ ở quê nấu cho nhà ăn. Nước lẻo, anh nấu từ tôm khô, ruốc khô, mực khô hầm cùng “nhân sâm” (cách anh gọi đùa món củ cải muối), huyết vịt, thêm độ ngọt từ thịt nạc, giò, sườn cây hầm chung. Tất cả tạo ra sự hòa quyện và hương vị đặc trưng.
Ăn kèm bánh canh, anh Phương cũng rất chiều khách, bày biện nhiều món, có cả tôm và mực cho những khách thích đạm, mà giá cũng chỉ 30, 35 ngàn. Tô cơ bản (thịt nạc, da heo, huyết vịt, sườn cây) cũng chỉ 10, 15 ngàn, giá “không tưởng” trong thời vật giá leo thang.
(Ảnh: Tô Uyên)
Có lẽ vì thế mà nhiều người đã đến ăn và rất ấn tượng với tiệm bánh canh của anh Phương. Nhiều YouTuber, TikToker đã đến ăn thử, review và chia sẻ về tiệm trên nhiều nền tảng. Ngoài những khách đến thử vì tò mò, quán cũng có một đội ngũ khách quen “nhẵn mặt”, đa phần là dân lao động nghèo, công nhân, thợ xây, người bán vé số hay học sinh, sinh viên…
Cũng vì quá nổi, thi thoảng tiệm anh Phương cũng bị gièm pha, bị nói là phá giá thị trường, bị hoài nghi về chất lượng thực phẩm. Về phần mình, chủ quán chỉ cười xòa: “Tui bán rẻ, khách ủng hộ nhiều, quán tui được nổi tiếng. Giờ ai thấy vậy mà bắt chước cũng bán rẻ vậy thì tốt, rẻ qua rẻ lại bà con được nhờ thêm.
Tui coi cuộc đời như giỡn chơi vậy, thiệt, không có gì căng thẳng hết, thong dong trong niềm vui thôi. Tui đi thuê trọ, không có tiền trữ mà ngày nào cũng vui hết, vì cho được người khác, vì phục vụ được bà con. Cuộc đời này không đem theo được cái gì hết, chỉ có đem theo phúc báu mà thôi.”.
(Tham khảo: Út Phương Vlog, Tỷ phú giữa đời thường)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/tiem-banh-canh-10k-o-tphcm-chu-quan-suyt-pha-san-van-khong-tang-gia-vi-toi-la-ty-phu-20220608200514107.chn” name=””]