Mẹ luôn vui, luôn nhìn đời thật rộng nên thời gian đã không chạm được vào.
Trước đây khi cuộc sống chưa bận rộn vì chuyện cơm nước, chợ búa, con nhỏ, tôi thường có thói quen chia sẻ vu vơ chuyện thường ngày lên Facebook. Đọc một cuốn sách hay, tôi ghi lại nội dung chính, đi một con đường lạ, tôi truyền cảm nhận hệt như bước qua chốn thiên đường…
Những ghi chép tưởng chừng vu vơ ấy lại giúp tôi lưu giữ được nhiều nội dung, cảm xúc thú vị. Mấy hôm nay, tôi vào trang cá nhân của mình, sử dụng ứng dụng tìm kiếm rồi gõ từ khóa cần tìm kiếm, kết quả trả về vô số những điều hay ho mà tôi từng viết.
Với từ “mẹ”, tôi hào hứng lắm, tôi tin mình đã kể rất nhiều về mẹ mình. Ấy vậy mà, kết quả trả về toàn những mẫu thoại, những câu chuyện giữa hai đứa nhỏ và người làm mẹ là tôi. Tôi chưa từng kể điều gì về mẹ tôi.
Mẹ và bà nội tác giả ngày mùa |
Mẹ tôi làm nông, má rám nắng, chân nhuộm phèn. Mẹ siêng năng, xốc vác và nói nhiều. Những ngày còn ở quê, đã không ít lần tôi nghe những người trong làng đến kì kèo thuê mẹ đi làm công. Họ bảo, sự có mặt của mẹ trên đồng ruộng như làn gió mát lành giúp ráo giọt mồ hôi.
Mẹ “tài chuyện” lắm! Làng trên xóm dưới, nhà ai sắp bán đất, đổi xe, ông bà nào bệnh trở nặng, đôi trẻ nào từ miền Nam mới trở về mẹ đều biết. Nhiều người trêu mẹ là cái đài truyền thanh của xã, ai cần dò hỏi gì chỉ cần tìm mẹ, sẽ có lời giải đáp ngay.
Người trẻ dễ gì đồng thuận với người già. Chính cái tính “háo chuyện” của mẹ khiến chị em tôi nhiều lần “nổi sốt”, không đứa nào thích sự ồn ào của mẹ. Dù chúng tôi biết cách kể chuyện của mẹ không hề thêm thắt, soi mói, sân si.
Cách đây vài năm, nhớ có lần ba mệt, mẹ đưa ba đi truyền nước ở bệnh viện huyện. Vì bận việc gấp nên tôi chưa kịp hỏi cụ thể phòng ba nằm ở đâu, tan làm, tôi hớt hải chạy ngay đến. Vừa gửi xe, vào đến hành lang, đã nghe tiếng cười nói rổn rảng như phiên chợ ở dãy phòng phía sau, tôi biết ngay nơi này có mẹ nên tìm đến luôn.
Mẹ là thế, luôn vui vẻ, sôi nổi và lạc quan. Tính mẹ quảng giao và tấm lòng rộng mở. Mẹ siêng nói, mẹ có khiếu hài, ở đâu có mẹ ở đó có những trận cười.
Vậy mà có những ngày dài, gia đình rơi vào im lặng… Đợt đó, mẹ bị lừa. Một người cháu họ vì vướng vào tệ nạn, đã tìm cách lợi dụng lòng tốt của mẹ để mượn sổ đứng tên vay 50 triệu đồng từ ngân hàng rồi bỏ trốn.
Những ngày cán bộ ngân hàng về tận nhà tìm hiểu, xác minh, bắt gia đình phải trả nợ, tính nói nhiều của mẹ biến đâu mất. Mẹ biết, lỗi lớn ở phần mình. Vì bản thân mẹ quá vô tư, đặt tình thương không đúng chỗ nên khiến cả nhà phải phiền lụy, lao đao. Ba lúc đó cũng không nói gì, im lặng chờ mẹ bình tâm.
Một năm sau, ngày trả xong số tiền cả gốc lẫn lãi, mẹ mới nói với mấy chị em: “Mẹ đã học được một bài học với giá 50 triệu đồng. Nếu nói rẻ thì không rẻ, nhưng đắt thì cũng không quá đắt. Xã hội bây giờ lừa lọc nhau quá nhiều, nhiều người mất mấy trăm triệu, vài tỷ, họ vẫn sống, vẫn cười. Thôi, mọi chuyện xí xóa, cho qua hết. Ai lừa lọc, gian dối thì chính họ cũng ăn không ngon ngủ không yên. Từ nay về sau các con nhớ chuyện của mẹ để đừng bị ai lừa là tốt rồi”.
Theo thời gian, tôi theo chồng vào phố, mẹ ở quê. Qua chiếc điện thoại đường dài, tôi quay ra thầm biết ơn vì tính hay nói nhiều của mẹ. Tôi có thể cùng mẹ tâm sự, kể lể đủ thứ chuyện. Chuyện vui buồn công việc, ấm ức chồng con, chuyện vu vơ những ngày khó ở.
Mẹ chẳng trách con rể, cũng chẳng bảo tôi phải làm vợ năng nổ hay thật dịu dàng. Mẹ cứ khơi khơi kể chuyện làng chuyện xóm, chuyện ba mẹ ngày xưa…
Khá nhiều lần tôi gọi, mẹ bảo: “Mẹ đang đi chơi, chơi dưới xóm, vui lắm”. Tôi biết chỗ mẹ chơi ở đâu, xa hay gần, gồm những ai. Đó là những bà thím không mê điện thoại hiếm hoi còn sót lại trên đời. Cứ tầm 8 giờ tối sau khi cơm nước, tắm rửa, nghe dự báo thời tiết xong là mọi người nhóm họp đầy đủ ở ngôi nhà trung tâm. Chuyện đâu ra mà các thím kể lắm, vừa kể vừa cười rần rần. Đêm nào buồn miệng lại rang lạc, nấu khoai, làm bánh lọc ăn chơi…
Một ngày bận rộn của mẹ và những người phụ nữ ở làng luôn trôi qua thật sảng khoái, nhẹ nhàng.
Cách đây mấy hôm, trong dịp nghỉ hè tôi cho hai con về thăm quê ngoại. Trong lúc lục giở cuốn album gia đình ra xem, bé lớn Chim Sâu, bảy tuổi, xem mấy tấm ảnh rồi thỏ thẻ so sánh: “Mẹ ơi, sao mẹ bây giờ nhìn khác lúc chụp hình cưới với ba vậy. Lúc đó tóc mẹ dài, mắt mẹ nhìn thật đẹp”.
“Ừ, thì tại Chim Sâu với Bắp nhiều lúc chưa ngoan, mẹ nói miết vẫn nghịch nên mẹ buồn, mẹ già và xấu đi đấy”, tôi đùa.
“Vậy thì mẹ và các cậu dì là những đứa con ngoan rồi. Vì con thấy bà ngoại bây giờ chẳng khác mấy ngày xưa. Bà vẫn trẻ”, con nói.
Nghe lời con, cả tôi và mẹ đều chột dạ, cùng xem lại chiếc hình đen trắng mẹ chụp cách đây mấy mươi năm. Quả thật, cảm nhận của trẻ con vậy mà tinh tường. Mẹ tôi, ngoài làn da có bị thời gian làm cho rám nắng, thì nét cười trong đôi mắt vẫn hồn nhiên, vô tư như thời trẻ. Mẹ luôn vui, luôn nhìn đời thật rộng nên thời gian đã không chạm được vào. Tôi thầm mong mẹ luôn vui.
Minh Thi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-toi-nu-cuoi-luon-tre-a1470223.html” name=””]