Bác sĩ da liễu 15 năm trong nghề mới đây đã chia sẻ những điều chị em phải lưu ý khi muốn peel da tại nhà an toàn và hiệu quả.
Suốt tuần qua, mạng xã hội được phen phát hoảng trước gương mặt bong tróc từng mảng da lớn của Trang Nemo. Từng lớp da nhăn nheo 2 bên má bong cả mảng lớn, khiến người nhìn cách một màn hình cũng cảm thấy phần nào sởn gai ốc vì sợ hãi. Nguyên nhân đứng sau sự việc này chẳng phải yếu tố nào to tát hay xa lạ, tất cả là do Trang Nemo tự mình thực hiện peel da tại nhà mà ra.
Trang Nemo cho biết, bản thân sử dụng sản phẩm peel da cho chính shop mình kinh doanh, kết hợp peel da với tái sinh đa tầng nhằm đẩy nhanh quá trình bong da – hay còn gọi là peel da vi tảo retinol. Peel da nhưng da bong quá nhanh và bong thành từng mảng lớn gây tổn thương nghiêm trọng – thực trạng này không chỉ bắt gặp ở Trang Nemo mà đã có rất nhiều chị em rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Không dừng lại ở bong tróc, peel da tại nhà thiếu an toàn còn khiến da nổi mụn nước, bỏng, sưng nề…
Da bị kích ứng, sưng đỏ sau khi peel da hóa học
Thực tế, peel da đúng là đem lại rất hiệu quả (tẩy tế bào chết, chống lão hóa, trị mụn, giảm thâm…) nhưng peel da tại nhà song song với đó vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến da tổn thương nặng nề. Người ta nói về peel da rất nhiều, và cũng có rất nhiều người tự tay peel da, nhưng làm sao để peel da an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất thì không phải ai cũng biết.
Liên hệ với Tiến sĩ – bác sĩ chuyên khoa da liễu Lã Hà, người có 15 năm kinh nghiệm trong nghề, chủ phòng khám Lã Hà Clinic – Top 5 cơ sở da liễu có tiếng tại Hà Nội, chúng tôi đã có nhiều thông tin bổ ích về vấn đề peel da.
Bác sĩ Lã Hà nhiều lần xuất hiện tên truyền hình chia sẻ về da liêu
Theo bác sĩ, peel da lần đầu cần lưu ý những điều gì? Và các sản phẩm peel da cần đảm bảo tiêu chí an toàn như nào?
Peel da đòi hỏi người thực hiện cần quan tâm rất nhiều đến các yếu tố trong suốt quá trình trước, trong và sau khi peel da. Một lưu ý nằm lòng mà ai đang nhen nhóm ý định peel da cũng phải nhớ, chính là chọn nồng độ peel nhẹ để da làm quen trước, sau đó mới dần tăng nồng độ lên cao.
Trước khi peel da, bạn cần tránh các phương pháp điện phân trên da hay tẩy lông mặt một tuần trước khi peel da. Trong vòng 48 tiếng trước khi peel da, bạn phải tránh sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết mài mòn, các chất tẩy trắng hoặc các sản phẩm làm sáng da. Ngoài ra, trong vòng 4 tuần trước khi peel da, những người chuẩn bị peel da còn cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong trường hợp không bôi kem chống nắng – điều này giúp ngăn ngừa sắc tố bất thường ở vùng da cần peel.
Sau khi peel da, các bạn cần sử dụng nước sạch (nước uống được) để rửa mặt, không nên sử dụng sữa rửa mặt, tuyệt đối không sử dụng tretinoin, AHA, BHA, vitamin C, serum có độ pH thấp, retinoids hoặc bất cứ sản phẩm tẩy da chết hóa học trong vòng 24 giờ đầu sau peel da. Một lưu ý quan trọng khác, là đừng chạm tay vào da sau khi peel vì lúc này da đang rất yếu. Hãy để da bong ra một cách tự nhiên, tránh dùng tay cào xước hay lột các lớp mày trên da vì làm như vậy rất dễ để lại sẹo. Đương nhiên, các bạn cũng không nên tự ý nặn mụn vì điều này có thể gây tổn thương, viêm nhiễm da.
Về skincare, hãy tăng cường dưỡng ẩm cho da để làm dịu da, ngăn ngừa tình trạng da khô sần, căng rát, giúp da tái tạo và phục hồi nhanh hơn. Các bạn hãy nhớ rằng da cần phải được chống nắng tuyệt đối với các sản phẩm có chỉ số SPF trên 35 và PA +++ trở lên. Sau khoảng 2 – 3h thì thoa lại kem chống nắng một lần, kèm theo đó là da sau khi peel nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng từ 9h – 16h hằng ngày. Bạn nên tránh trang điểm trong thời gian sau khi peel để da được nghỉ ngơi, phục hồi tốt nhất, tránh bị kích ứng bởi sự tác động hóa chất và dầu có trong các loại kem trang điểm. Cuối cùng, da sau khi peel không nên sử dụng các sản phẩm tẩy trang trong thời gian này vì nó dễ làm da khô và bong tróc.
Các hoạt chất thường được sử dụng trong peel da bao gồm AHA – một nhóm các Axit gốc nước tự nhiên và được chiết xuất từ thực phẩm, có tác dụng tẩy tế bào chết, làm sáng da, điều trị mụn; BHA – một dạng acid có gốc dầu, giúp loại bỏ bã nhờn bị tắc nghẽn và kiểm soát lượng dầu thừa tiết ra; Tricloracetic (TCA) – một dạng acid hữu cơ mang công dụng có thể tái tạo cấu trúc da mới; Retinol – một dẫn xuất Vitamin A, có khả năng điều trị mụn, giảm tình trạng nhờn, giúp se khít lỗ chân lông; Jessner – sự kết hợp giữa Alpha, Beta Hydroxies và Resorcinol, đạt hiệu quả cao trong điều trị mụn.
Khi lựa chọn các sản phẩm peel da, các bạn nên đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất, những sản phẩm peel da thường có thành phần là những hoạt chất nói trên với nồng độ % phù hợp. Trong trường hợp peel da nông tại nhà thì nồng độ các sản phẩm sẽ nhẹ hơn mức độ peel trung hay peel sâu ở các cơ sở điều trị. Thứ hai, cần phải chọn các sản phẩm peel da chính hãng, đảm bảo chất lượng.
Peel da có nên tự thực hiện tại nhà hay không? Mức độ rủi ro của việc tự peel da đối với các tình trạng da khác nhau như thế nào?
Bác sĩ Lã Hà lưu ý rằng Peel da nồng độ cao không nên thực hiện tại nhà. Khác với tẩy da chết, peel da sử dụng các nhóm axit mạnh hơn để loại bỏ tế bào chết tầng sâu, gây tổn thương da nặng hơn nên cần được thực hiện ở các cơ sở y tế, thẩm mỹ uy tín, có bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định. Nếu thực hiện tại nhà, peel da nồng độ cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, như khiến da ửng đỏ, viêm hoặc bong vảy – điều này là do peel da tại nhà rất khó xác định và kiểm soát mức độ mạnh/ nhẹ của hoạt chất.
Peel da tiềm ẩn rủi ro nhiễm trùng vì khi thực hiện tại nhà chắc chắn không thể đảm bảo các tiêu chuẩn khử trùng khắt khe như tại các cơ sở uy tín, vì vậy, tỉ lệ rủi ro nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, virus… là rất cao. Peel da nồng độ cao tại nhà còn có thể khiến sắc tố da bị xấu đi hoặc các vấn đề về da vốn có trở nên nghiêm trọng hơn. Thực hiện peel da tại nhà mà không có sự hướng dẫn về chăm sóc và bảo vệ da đúng cách sẽ khiến da gặp tình trạng bỏng rát, sẹo, tăng sắc tố… Bởi vậy, các bạn chỉ nên thực hiện tại nhà khi chắc chắn chuyên môn, chắc chắn nồng độ và chắc chắn về độ an toàn của sản phẩm được sử dụng.
Bác sĩ Lã Hà cho biết peel da có mức độ rủi ro cao hơn với một số loại da. Khi được thực hiện đúng chuyên môn, peel da thường là một kỹ thuật khá an toàn, rủi ro để lại sẹo hoặc nhiễm trùng không cao. Tuy nhiên, với một số loại da nhất định, peel da có thể khiến da bị đổi màu tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Điển hình như với những đối tượng đang sử dụng thuốc có can thiệp hóc-môn hoặc có người nhà có tiền sử bị đổi màu da sau lành sẹo thì nguy cơ bị thay đổi sắc tố một cách bất thường là khá cao. Nếu bạn đã từng bị vết loét lạnh do virus Herpes trong quá khứ, nguy cơ tái phát sau peel da cũng rất lớn.Nếu đã từng bị sẹo lồi hoặc các loại sẹo bất thường khác trên vùng da định tiến hành peel, bạn cần thông báo với bác sĩ và hỏi ý kiến bác sĩ, xin chỉ định phù hợp.
Làm sao để nhận biết da đang bị tổn thương nặng sau khi peel?
Theo bác sĩ Lã Hà, da sau khi peel thường sẽ hơi rát, đỏ, nóng và châm chích. Sau 3 ngày, da bong tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của hoạt chất. Nếu có dấu hiệu đỏ và rát quá nhiều, mọc mụn viêm ồ ạt, sưng nề, chảy dịch thì rất có thể làn da đã bị tổn thương, phải đến gặp ngay bác sĩ.
Ảnh: Internet
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/bac-si-da-lieu-khuyen-cao-peel-da-tuong-don-gian-nhung-cho-nen-thuc-hien-tai-nha-khi-khong-nam-ki-nhung-luu-y-sau-20220613164026377.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]