Không chỉ gây hại cho làn da mà những loại mỹ phẩm giả, kém chất lượng còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể thấy thị trường mỹ phẩm, đặc biệt là son môi hiện nay có rất nhiều thương hiệu lớn bị làm giả. Các loại son được đeo mác cực tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường. Son giả với bao bì gần như giống hệt son thật, sử dụng hình ảnh son chính hãng để quảng bá, thậm chí còn nhái cả mã vạch cùng những lời mời gọi cực hấp dẫn nhằm đánh lừa khách hàng.
Không những vậy, son kém chất lượng còn được bán một cách công khai trên mạng xã hội, vậy nên người tiêu dùng khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm, mức độ nguy hiểm của nó. Mặt khác, một vài shop mỹ phẩm gắn mác “chính hãng” nhưng trà trộn giữa hàng thật và giả vào bán khiến không ít khách hàng mất lòng tin.
Tác hại của son giả không chỉ là chất son khô, bết dính, lên môi không mịn mượt mà còn kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sức khỏe. Biểu hiện ban đầu là bị ngứa, sưng môi, viêm da về lâu dài các hàm lượng chất độc sẽ ngấm dần vào cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mỹ phẩm giả được làm tinh vi, rất khó để người tiêu dùng phát hiện ra
Son giả, nhái thường chứa hàm lượng chì cao và các thành phần có hại như mineral oil (liquid paraffin, white oil, liquid petroleum) hay thủy ngân, khiến môi bạn bị thâm, nhanh lão hóa, thậm chí là gây ung thư. Nếu sử dụng son có hàm lượng chì vượt quá mức quy định trong thời gian dài có thể mắc các bệnh về răng miệng. Chì khi tích tụ trong cơ thể dễ dẫn đến nhiễm độc cấp tính có thể gây nôn, tiêu chảy, gây hại cho hệ thần kinh, kích ứng, lão hóa sớm,…
Bên cạnh son môi, các sản phẩm mỹ phẩm, đặc biệt là các loại kem bôi mặt cũng bị làm giả khá nhiều. Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, bình quân mỗi tháng BV tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi, mỹ phẩm bán trên mạng… dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Theo TS Lê Hữu Doanh (Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương), về mặt khoa học, kem tự chế theo bất cứ công thức nào đó là hoàn toàn sai lầm để bôi lên da. Để làm ra một công thức kem bôi da hoặc gel dưỡng da, các nhà khoa học phải tiến hành một quá trình nghiên cứu lâu dài về thành phần, sự kết hợp, tương tác của các thành phần với nhau.
“Khi tạo ra một sản phẩm cũng cần thử nghiệm trên động vật trước, sau đó mới thử nghiệm lâm sàng trên người, khi có kết quả tốt thì sản phẩm mới được công nhận và bán trên thị trường”. Do đó, công thức kem tự chế hay bất cứ loại kem không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đều vô cùng nguy hiểm. Vì mục đích kinh doanh, đôi khi những thành phần trong những công thức chữa mụn, công thức làm trắng mịn… này không chỉ là kem mà còn có chứa những thành phần thuốc nguy hiểm mà bất cứ ai cũng không thể lường trước.
Theo ThS.BS da liễu Vũ Thị Thơm (Giảng viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) cho biết: “Mỹ phẩm chính hãng, uy tín nói chung muốn ra thị trường đều được kiểm soát theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu nghiên cứu công thức, lựa chọn nguyên liệu, sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, bảo quản và vận chuyển. Như vậy mới đảm bảo chất lượng và đem lại hiệu quả cao một cách rất an toàn”.
Vậy nên, dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm đồ trang điểm hay chăm sóc da lên cao, các chị em nên lựa chọn những địa chỉ mua hàng chính hãng, có đầy đủ các giấy tờ, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Nguồn: Tổng hợp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/chuyen-gia-chi-ra-nhung-hau-qua-nghiem-trong-khi-dung-my-pham-kem-chat-luong-20221229124232889.chn” name=””]