Chưa giao sổ hồng cho cư dân nhưng chủ đầu tư đã thu 5% giá trị còn lại của hợp. Người dân cần làm gì khi tình trạng này ngay càng phổ biến?
Vừa qua, hàng trăm cư dân mua nhà tại dự án The Pegasuite của Công ty CP đầu tư Phương Việt và dự án Thanglong Home của Công ty CP Hưng Phú Invest bức xúc vì chủ đầu tư thu 5% giá trị còn lại khi chưa trao sổ hồng cho cư dân, thậm chí chủ đầu tư còn ngang nhiên tính lãi phạt chậm nộp đối với cư dân, dù việc này có dấu hiệu vi phạm Luật kinh doanh bất động sản 2014.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Khoản 1, Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014: “Trường hợp bên mua, thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng; giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp sổ hồng cho bên mua, bên thuê mua”.
Nhiều chủ đầu tư dự án ép khách hàng đóng 5% giá trị còn lại của hợp đồng khi chưa trao sổ hồng khiến các cư dân bức xúc |
Như vậy, rõ ràng chủ đầu tư chỉ được phép thu 5% giá trị căn hộ còn lại khi trao sổ hồng cho cư dân. Việc chủ đầu tư “ép” cư dân đóng số tiền này khi chưa thực hiện cấp số, thậm chí đang thực hiện cấp sổ là trái quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
“Cho dù hợp đồng mua bán có quy định cho phép chủ đầu tư được thu số tiền này trước khi bàn giao sổ hồng cho cư dân thì cũng không có hiệu lực thi hành. Vì giao dịch mua bán bất động sản phải thực hiện theo luật kinh doanh bất động sản, quy định trong hợp đồng giao dịch không thể đứng trên pháp luật kinh doanh bất động sản” – luật sư Cường khẳng định.
Có quan điểm cho rằng, chủ đầu tư muốn thu trước nhằm tránh việc chủ đầu tư làm sổ hồng xong mà cư dân không nhận. Theo luật sư Cường là không phù hợp vì lẽ rằng trong quan hệ này, khách hàng là bên yếu thế, và pháp luật quy định chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân (trừ trường hợp thỏa thuận cư dân tự đi làm) và pháp luật quy định như vậy là phù hợp nhằm bảo vệ bên yếu thế trong giao dịch.
Luật kinh doanh bất động sản 2014 có quy định, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư vẫn cố tình thu tiền cư dân |
Cũng theo luật sư Cường, trong quan hệ này, giấy chứng nhận là một loại giấy tờ có thể chiếm 50% giá trị căn hộ cho nên trường hợp khách hàng không muốn nhận giấy chứng nhận chỉ là cá biệt và dù sao đi nữa chủ đầu tư đang nắm “đằng chuôi” nên không thể lý luận theo cách này để bằng mọi cách thu 5% còn lại của khách hàng được. “Do đó trong trường hợp chủ đầu tư ép cư dân đóng tiền, phạt lãi chậm thanh toán là vi phạm pháp luật, cư dân có thể khiếu nại đến cơ quan quản lý về xây dựng, kinh doanh bất động sản tại địa phương (ủy ban quận/huyện; Sở xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường…) vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư vẫn tiếp tục ép cư dân đóng tiền, cư dân có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án” – Luật sư Cường chia sẻ.
Ngoài ra, theo Khoản 4 Điều 13 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, công trình xây dựng cho người mua hoặc kể từ ngày hết hạn thuê mua thì chủ đầu tư phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho bên mua, bên thuê mua, trừ trường hợp bên mua, bên thuê mua có văn bản đề nghị tự làm thủ tục cấp sổ hồng. Nên nếu chủ đầu tư cố tình làm khó không làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân đúng thời hạn, cư dân có tể khiếu kiện đến cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp xử lý nghiêm chủ đầu tư.
Bích Trần
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nguoi-dan-can-lam-gi-khi-bi-chu-dau-tu-ep-dong-tien-khi-chua-trao-so-hong-a1430019.html” name=””]