( Yeni ) – Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi là do phụ huynh cho bé ăn dặm không đúng cách.
Cho trẻ ăn dặm quá sớm
Người lớn hay nghĩ rằng, con sớm được bổ sung tinh bột sẽ mau lớn, tăng cân. Vì vậy, có những bé mới 3-4 tháng tuổi, gia đình đã rục rịch chuẩn bị cho con ăn dặm.
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc ép con ăn dặm quá sớm sẽ có nhiều hậu quả khôn lường. Bé dễ bị nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, chậm tăng cân,… Bé dễ dàng bị đau dạ dày và nhiều bệnh khác nữa.
Tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo rằng, từ 6 tháng trở đi mới cho con ăn dặm. Bé sẽ ăn dần dần từ loãng đến đặc. Con có thể chỉ cần ăn 1 bữa/ngày. Từ tháng thứ 12 trở đi cho bé ăn dặm một ngày 3 cữ. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ dưới 1 tuổi để trẻ phát triển tốt và toàn diện. Vì thế đừng vội cai sữa và ép con ăn dặm quá sớm nhé.
Ép con ăn quá nhiều
Ở mỗi tháng tuổi nhu cầu ăn của con khác nhau nên phụ huynh nên cung cấp cho bé lượng thức ăn vừa phải. Đừng bắt trẻ ăn nhiều quá, hoặc quá nhiều bữa trong ngày. Con sẽ sợ và dễ bị chán ăn, biếng ăn.
Chị em đừng để trẻ quá đói nhưng cũng không để con quá nó. Như thế bé mới có hứng thú cho bữa ăn tiếp theo.
Cho trẻ ăn nước hầm xương sai cách
Ngày xưa khi nấu cháo hoặc bột cho bé, các mẹ Việt thường quan niệm rằng phải ninh xương lọc lấy nước để chế biến. Như vậy món ăn dặm của con sẽ ngon hơn, bổ dưỡng hơn.
Suy nghĩ nước xương chứa nhiều canxi, vitamin A và chất béo giúp trẻ sáng mắt, cao hơn và tăng cân tốt… đã ăn sâu vào tư tưởng của rất nhiều thế hệ. Tuy nhiên gần đây, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, cho trẻ ăn nước hầm xương mỗi ngày dễ dẫn đến còi xương và suy dinh dưỡng.
Trên thực tế, nước xương tạo cảm giác ngon miệng nhưng “nghèo” canxi hơn cả thịt. Chưa kể, trẻ muốn hấp thụ được canxi thì tỷ lệ canxi và phospho phải cân đối. Nhưng trong nước xương, lượng phospho rất thấp.
Chất béo trong tủy tiết ra đều là chất béo không tốt gây no, khó tiêu, ức chế hấp thụ các chất dinh dưỡng khác.
Nếm gia vị
Sai lầm lớn nhất các mẹ hay mắc phải là bỏ gia vị vào đồ ăn của con. Tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng, trẻ 1 tuổi mới cần ăn thức ăn có gia vị. Bởi nếu ăn mặn quá sớm sẽ gây rối loạn vị giác, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chứng chán ăn và biếng ăn ở trẻ.
Không những vậy, việc ăn quá nhiều muối có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, hại thận…
Nấu 1 lần ăn cả ngày
Vì việc nấu cháo cho con mất khá nhiều thời gian nên các mẹ thường chọn cách nấu 1 lần và cho con ăn cả ngày.
Tuy nhiên đây cũng là sai lầm khi cho trẻ ăn dặm. Bởi ở nhiệt độ thường, cháo chỉ để trong vòng 2 tiếng đồng hồ là bắt đầu có biểu hiện ôi thiu. Nếu bảo quản lạnh thì dưỡng chất cũng mất đi đáng kể. Do đó chị em nên nấu đến đâu cho trẻ ăn đến đó, không nên nấu quá nhiều.
Cho trẻ ăn thô muộn
Các mẹ thường sợ con mình khó nuốt, bị hóc, trớ… nên thường nghiền kỹ thức ăn. Có bé đến 2 tuổi vẫn còn ăn bột, hoặc cháo xay mịn. Điều này khiến cho trẻ lười nhai sau này. Bé không nhai khi ăn cơm sẽ khiến cho dịch vị dạ dày tiết ra ít hơn. Trẻ sẽ không có cảm giác ngon miệng khi ăn. Dần dần bé sẽ trở nên biếng ăn, hay ngậm cơm…
Việc lọc quá kĩ cũng dẫn đến thức ăn mất 1 số vi chất tốt cho trẻ.
Bữa ăn kéo dài
Hành trình ăn dặm đòi hỏi tâm lý bé phải thoải mái và vui vẻ. Nếu bắt con ăn nhiều, cố ép bé ăn hết sẽ chỉ làm cho bé sợ ăn, dẫn đến biếng ăn tâm lý về sau sẽ rất khó trị.
Cho bé ăn kéo dài một đến hai tiếng vừa làm vữa chén bột (hoặc cháo) gây khó ăn, vừa dẫn đến thời gian ăn bữa sau quá gần khiến bé chưa cảm thấy đói. Mỗi bữa tốt nhất chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút. Mẹ không ngừng sáng tạo để giúp mỗi bữa ăn của trẻ là sự trải nghiệm và khám phá thú vị.
Cho trẻ ăn ít rau
Rau củ cho bé ăn nhiều khi cũng chưa được lựa chọn một cách hợp lý. Trẻ phải được ăn phong phú các loại rau khác nhau thì mẹ lại hay chọn những loại quen thuộc như củ cải, cà rốt, su hào…Theo như các chuyên gia dinh dưỡng thì những loại rau tốt nhất cho trẻ em là loại rau có lá màu xanh sẫm và củ màu vàng.
Ăn ít chất béo
Không cho hoặc cho bé ăn rất ít chất béo từ dầu mỡ dẫn đến thiếu năng lượng. Bé bị thiếu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K, chưa kể, các bé dưới ba tuổi do có tốc độ phát triển não rất nhanh nên rất cần cung cấp đủ 40-50% năng lượng từ chất béo.
Vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi
Kiên nhẫn tập cho con ăn dặm là điều rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến thói quen ăn uống sau này của trẻ. Nếu không kiên trì tập, mẹ chỉ cho bé ăn cháo xay nhuyễn hoặc những món ăn quen thuộc, lâu dần bé sẽ bị thiếu chất, chán ăn, kén ăn, không biết nhai, không cảm nhận được mùi vị thức ăn và suy dinh dưỡng
Ngoài ra, nhiều mẹ muốn cho con ăn nhanh nên vừa cho ăn vừa xem điện thoại, tivi, điều này sẽ khiến trẻ mất cảm giác ăn ngon và không tốt cho tiêu hóa.
[yeni-source src=”https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/10-sai-lam-khi-cho-tre-an-dam-khien-con-coi-coc-suy-dinh-duong-dieu-cuoi-cung-nhieu-me-mac-phai-nhat.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/10-sai-lam-khi-cho-tre-an-dam-khien-con-coi-coc-suy-dinh-duong-dieu-cuoi-cung-nhieu-me-mac-phai-nhat-d323920.html” name=”Sài Gòn Thể Thao”]