Nhiều cha mẹ ở nhà đó, con cái xung quanh đó, nhưng không giao tiếp, cũng chẳng biết gì về nhau. Tới lúc ra đường, họ lại than con cái sao mà khó hiểu, khó dạy.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) gần đây ghi nhận tình trạng nhiều trẻ đột ngột bị giật mắt, miệng, lắc cổ, gật đầu vô thức. Các bé được chẩn đoán mắc hội chứng Tic do xem ti vi, điện thoại quá nhiều.
Hội chứng Tic là các cử động hoặc phát âm xuất hiện bất thường, lặp đi lặp lại mất kiểm soát. Tần suất, cường độ và thời gian giật các cơ ở từng trẻ khác nhau, thường xảy ra ở trẻ dưới 18 tuổi, trầm trọng ở tuổi 11-12. Đáng chú ý là rất nhiều bậc phụ huynh nói họ bất lực vì không có thời gian cho con, đành “khoán” con cho các thiết bị công nghệ.
Tác giả Phoenix Ho về giáo dục, tư vấn và phát triển nghề nghiệp, tác giả cuốn sách Mẹ dắt con đi, theo kinh nghiệm riêng cho rằng cô luôn cố gắng mỗi ngày dành ít nhất 30 phút thời gian chất lượng cho con. Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng chỉ cần dành cho con 30 phút mỗi ngày, con bạn sẽ phát triển tốt hơn.
Vậy dành thời gian cho con có khó không? Khó đấy! Bởi đó là lúc bạn phải tắt ti vi, máy tính, điện thoại di động… để toàn tâm, toàn ý bên con. Đó là lúc bạn nhìn vào mắt con, mặt đối mặt, lắng nghe con, trả lời mọi câu hỏi của con. Bạn làm được không?
Ảnh mang tính minh họa – Pch.vector |
1. Từ người đi làm suốt các ngày cuối tuần, tôi chuyển sang làm tự do. Tôi nói với bạn bè rằng mình quyết định như thế để “ở nhà với con” và quả thực tôi có khá nhiều thời gian ở nhà. Thế nhưng ở nhà không có nghĩa là bạn làm được nhiều việc nhà hay chơi với con, thậm chí bạn còn rối nùi vì không tập trung như tới văn phòng. Thời gian bị chia vụn, việc nhà, việc cá nhân và công việc chồng chéo nhau…
Một hôm, con gái tôi hát một bài hát yêu đương rên rỉ của người lớn. Tôi kinh hãi hỏi con học từ ai. Con nói đây là bài đang nổi trên TikTok, con học từ bạn trong lớp.
– Bạn con làm gì mà được xem kênh YouTube của người lớn? Phụ huynh lớp con thống nhất chỉ cài YouTube Kid mà!
– Do các bạn cuối tuần được xem máy tính, điện thoại chung với mẹ. Đâu có ai như con, cứ tới gần máy tính của mẹ là bị xua đuổi.
– Ơ, đúng là mẹ hay đuổi con ra khỏi phòng thật. Mà may, nhờ vậy mà con không nhiễm mấy thứ của người lớn.
– Nhiễm thứ người lớn đâu có sao. Bị mẹ xua đuổi mới sao! Con có phải ruồi muỗi đâu mà mẹ cứ thấy con là xua tay – con tôi giận dỗi.
Ảnh mang tính minh họa – Wiroj Sidhisoradej |
Tôi chợt nhớ lại, có vài lần giữa chúng tôi xảy ra chuyện. Lớn nhất là chuyện con mang 2 triệu đồng đi bỏ heo đất ở lớp. Cô giáo thấy số tiền nhiều quá nên nghi hoặc, chỉ nhét vào heo một nửa. Số còn lại, cô nhắn hỏi tôi, sau đó hẹn tôi tới trường, đưa trả tận tay.
Tôi bực lắm, về nhà la con rất nặng, quy kết con tội ăn trộm tiền. Vậy nhưng sau cơn giận dữ, tôi giật mình khi nghe con trình bày: Nhiều lần con xin tôi cho con tiền bỏ heo, tôi đã hứa sẽ cho mà không thực hiện. Tới hạn cuối, con hỏi vài lần, tôi vẫn cứ ừ hử, không ngẩng lên khỏi màn hình máy tính, con sốt ruột đưa giải pháp: “Con tự lấy trong bóp của mẹ nha”, tôi gật đầu trong vô thức. Con nghĩ tôi đồng ý nên theo đó thực hiện. Do chưa biết giá trị tờ tiền, con chọn lấy 4 tờ mới nhất. Bạn từng gật đầu trong vô thức như tôi chưa?
Sẽ thật dễ với ai biết thu xếp ổn thỏa để giờ làm việc không dính vào giờ chơi với con, lúc con bên cạnh thì con là trung tâm chú ý. Tuy vậy, đâu phải người mẹ nào cũng hoàn hảo. Trẻ không phải là búp bê nên không thể ngồi im.
Trẻ càng không phải cái đài có nút tắt/mở nên cũng không thể “im miệng ngay” như hiệu lệnh của bạn. Mọi đứa trẻ luôn có mối bận tâm riêng. Thậm chí, nếu quá cô đơn khi mẹ ngay cạnh bên, trẻ sẽ nghĩ ra chiêu trò gây chú ý, thu hút mẹ. Đây là bản năng của bọn trẻ, nhất là khi trẻ còn nhỏ, đang độ tuổi cần chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Tới khi lớn, trẻ sẽ giảm dần “độ quấy nhiễu”. Vào tuổi dậy thì, bạn năn nỉ trẻ làm phiền mình, chúng cũng làm lơ. Lúc ấy là tới lượt bạn khóc than, xin xỏ.
Quay trở lại những tiếng ừ hử vô thức của tôi. Chúng thật chẳng khác nào sự xua đuổi. Tôi “ừ” để con đi khỏi cho nhanh, không làm phiền mình. Có thể bé biết mẹ gật đầu miễn cưỡng, nhưng mẹ chính là nhu cầu bức thiết của bé, bé không bỏ cuộc. Tùy lứa tuổi và tùy tính cách mà trẻ sẽ bám riết, quậy phá hay lâu lâu mới mon men lại gần bạn khẩn khoản điều gì đó. Có trẻ sau nhiều lần thất bại, bị mẹ la mắng vì cứ tới gần làm phiền, sẽ rút lui vào xó xỉnh nào đó, biết thân biết phận, tự chơi.
Có lần, đứa con mũm mĩm của tôi lấy nước ngọt ra uống, tôi la con không xin phép thì con nói đã xin rồi và mẹ đã “ừ”. Lần khác, con út của tôi chạy sang hàng xóm chơi khi đã 10 giờ đêm. Tôi la, bé nói đã xin phép rồi và tôi đã ừ tới mấy lần.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Vậy đó! Tôi đã ở nhà nhưng không phải ở nhà với con. Tôi rất thích cụm “thời gian chất lượng cho con” của “giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành. Bạn có thể không ở bên con nhiều, nhưng khi ở bên con thì đó phải là thời gian chất lượng nhất; giải quyết được những vấn đề cần nhất trong mối quan hệ cha con, mẹ con.
Thời gian chất lượng bên con là gì? Tôi gặp ở nhà hàng, quán cà phê vô số cảnh mẹ và con mỗi người 1 thiết bị, lướt ngón tay nhoay nhoáy trên màn hình, cười vui hay nhăn nhó với các nội dung khác nhau. Vậy là đi chơi với nhau nhưng thực sự lại chẳng “chơi” gì.
Tôi gặp nhiều bà mẹ chở con đi học buổi sáng hay đón con về buổi chiều mà miệng liên tục rầy la, quát mắng. Đứa con phía sau, hoặc xị mặt đau khổ, hoặc ngân ngấn nước mắt, hoặc lơ đễnh không nạp tiếng nào vào đầu. Tuy đi với nhau mà chỉ gây cho nhau căng thẳng, khổ sở.
Tôi cũng biết trong phòng khách gia đình, có những người cha tối tối nằm dài xem ti vi hoặc khờ đi sau chầu nhậu. Ở bên nhau đó, con cái xung quanh đó, nhưng không giao tiếp, cũng chẳng biết gì về nhau. Tới lúc ra đường, họ lại than con cái sao mà khó hiểu, khó dạy.
2. Từ “sự cố trộm tiền” và “sự cố nhạc tình” của con, tôi đã phải cố gắng để thay đổi. Ví dụ, khi tôi bận làm việc ở nhà, tôi sẽ giao việc cho con để con cũng bận rộn. Con đã có thể đọc truyện, nghe nhạc, chơi đồ chơi… Thỉnh thoảng khi con đến bên, tôi sẽ ngẩng lên hướng dẫn con tìm 1 hoạt động khác.
Tôi cố không rầy la con lúc chở con trên đường. Thay vào đó, suốt đoạn đường từ nhà tới trường, tôi hỏi con nghĩ gì, có vui không, trông đợi gì ở buổi học hôm nay, bạn A ngồi cạnh con dạo này học hành thế nào, bạn B sao mà xinh xắn và nói năng dễ thương thế… Nếu con lơ đễnh, tôi lập tức nhắc ôm mẹ để mẹ được nhận sự êm ái ngọt ngào.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Tôi hay hỏi con cả chục lần trên quãng đường ấy rằng “con yêu mẹ không?” và con tôi sẽ lẹ làng “yêu mẹ!” một cách thích thú rồi ôm mẹ thật chặt.
Con đầu của tôi đã lớn nên tôi hiểu cảnh của mọi cha mẹ có con tuổi teen. Rất khó để lại gần hay bắt chuyện với chúng. Rất khó để xin con “làm phiền” cha mẹ. Tôi cũng hiểu rõ rằng những ngọt ngào bên con, vòng tay mềm mại, ấm áp và những thắc mắc, đòi hỏi của trẻ rồi sẽ qua nhanh; những tiếng khúc khích, câu chuyện thú vị trên đường chở con đi học chẳng thể kéo dài mãi.
Thời gian chất lượng tưởng là cho con nhưng chính là cho mẹ. Tất nhiên, công cuộc đổi thay để “làm mẹ chất lượng” của tôi cũng không thể một sớm một chiều nhưng có điều chắc chắn, khi con lớn lên và “làm lơ” mẹ, tôi không hối tiếc vì mình đã cố gắng hết sức.
Châu Giang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/30-phut-chat-luong-cho-con-cho-con-la-cho-me-a1480351.html” name=””]