( Yeni ) – Trẻ mầm non Hà Nội được quay lại trường học là điều đáng mừng cho cả gia đình, nhà trường và trẻ. Tuy nhiên, trẻ mới đi học trở lại rất dễ gặp phải những căn bệnh này.
Bệnh về da
Ở trẻ mầm non, hệ miễn dịch và sức đề kháng chưa được hoàn thiện. Ở độ tuổi này, bệnh truyền nhiễm thường dễ “nhắm” đến.
Khi trẻ đi học, các bé ăn ngủ cùng nhau, chơi cùng nhau với đồ vật để chung hoặc côn trùng cắn – nên các bệnh ngoài da là bệnh trẻ mầm non thường xuyên mắc và dễ lây lan nhất.
Dị ứng ở trẻ
Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi nhạy cảm, dễ bị kích ứng do các tác nhân từ môi trường. Chẳng hạn như không gian sống ẩm thấp, nhiều bụi khói, lông thú vật, thức ăn hải sản, thức ăn nấu không chín kỹ,…
Trẻ bị dị ứng có các dấu hiệu như nổi mẩn ngứa, đỏ trên da thành từng dải, mảng như mề đay. Có trẻ bị ho, lên cơn hen suyễn, nôn trớ, đau bụng, đi ngoài lỏng.
Nếu nặng có thể sốt, sưng một số nơi trên cơ thể, đặc biệt là mặt. Cha mẹ cần theo dõi và hiểu rõ sức khỏe của con để có biện pháp thích hợp, đưa con đến cơ sở y tế khi cần thiết.
Sốt virus
Có một số loại virus như enterovirus, sởi, viêm não Nhật Bản, thủy đậu,… thường tấn công gây bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ. Nhóm đối tượng này có miễn dịch non yếu, cơ thể chưa hoàn thiện, chưa có khả năng kháng bệnh.
Khi bị sốt virus, trẻ có thể sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn. Khi sốt trẻ thường mệt mỏi, mắt lờ đờ, ít đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường và dễ xuất hiện các cơn co giật nguy hiểm.
Trẻ bị sốt virus cần được cách ly với môi trường ngoài, tránh lây lan. Nếu trẻ sốt cao và không đáp ứng thuốc hạ sốt thì cần đưa trẻ tới sở y tế gần nhất.
Viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi
Mầm bệnh virus biến đổi phát triển nhất vào thời điểm giao mùa. Do vậy, trẻ dễ bị virus gây viêm hô hấp trên, viêm phế quản xâm nhập qua lây nhiễm từ việc tiếp xúc dùng chung đồ chơi, đồ dùng, mặt phẳng không được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là ở trường mẫu giáo.
Trẻ bị viêm phế quản thường có biểu hiện như sốt vừa hoặc cao, bỏ ăn, ho có đờm, chảy nước mũi trong, khó thở, đau thắt ngực xương ức.
Hội chứng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi
Suy dinh dưỡng khiến trẻ trở nên lười ăn, ăn ít, tăng cân chậm hoặc thậm chí sụt cân, có nguy cơ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp.
Các biểu hiện lâm sàng gồm có da xanh xao, cơ mềm nhão, nhìn thiếu dưỡng khí, tính khí dễ buồn bực, hay quấy khóc, ít tham gia chơi với bạn cùng lứa, tập trung kém, không linh hoạt.
Một số trẻ có biểu hiện chậm phát triển về mặt vận động như chậm biết ngồi, chậm bò, chậm biết đi,… Cha mẹ cần lưu ý biểu đồ tăng trưởng để sớm phát hiện tình trạng này.
Những biện pháp phòng ngừa
Để trẻ khỏe mạnh đến trường, cha mẹ nên giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch bằng cách:
– Cho trẻ bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như thịt cá, các loại thịt đỏ, sữa chua, trái cây, rau củ, ngũ cốc.
– Cho trẻ ngủ đủ và ngon giấc.
– Hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh cá nhân, chăm sóc răng miệng, mũi họng.
– Cho trẻ tăng cường hoạt động thể chất.
– Bổ sung vitamin A định kỳ 2 lần/năm để phòng ngừa thiếu vitamin A.
– Tiêm chủng đầy đủ.
[yeni-source src=”https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/5-can-benh-thuong-gap-khi-tre-di-hoc-mam-non-tro-lai-me-luu-tam-de-con-luon-khoe-manh.html” alt_src=”” name=”Khoevadep”]