Con trai chị thản nhiên giải thích: “Con người ta chỉ sống có một lần…”. Chính những câu nói kiểu này khiến có lúc chồng chị nổi giận hất bay mâm cơm xuống đất.
Tuổi 30, con trai chị vẫn ăn cơm mẹ nấu mà chẳng đóng góp được đồng nào. Chị cằn nhằn quá thì con hỏi: “Bây giờ mẹ muốn con làm gì?”, cứ như không phải nó muốn cho cuộc đời nó mà là bị mẹ ép uổng. Chị nuốt cục nghẹn ngang cổ, tự nhủ đây là đứa con mình sinh ra, mình mà không cố gắng thì còn ai có thể…
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Hội bà tám ì xèo chị khó tính không phải lối. Thời buổi này, kết hôn với mẹ đơn thân là chuyện bình thường mà. Nếu có nói gì thì chỉ nên dành lời khen cho Quyên – mẹ đơn thân suốt 10 năm, một mình nuôi dạy con lớn khôn học hành chăm chỉ, giỏi giang, ngoan hiền, lễ phép… Cũng trong 10 năm đó, cô nỗ lực làm việc kiếm tiền trả góp mua 1 căn hộ chung cư.
Điều đáng nói nhất là ở độ tuổi gái một con trông mòn con mắt mà vài kẻ xấu tính cũng chỉ làu bàu rằng đồ đàn bà bị chồng bỏ mà bày đặt làm cao, cô kiêu hãnh bước qua mọi ong bướm vo ve chứ không để nỗi buồn kéo mình xuống hố thẳm của bồ bịch yêu đương nhăng nhít cho vui. Một phụ nữ như vậy là con dâu của mình thì cũng xứng đáng, sao lại phải thở dài?
Chị chẳng biết nói gì. Từ trước tới nay, chị là thành viên rôm rả của hội bà tám. Tuy nhiên, chị chỉ kể về chồng và con gái là chính. Chuyện về đứa con trai thì chị hay lảng đi nên chẳng ai hay biết, có khi còn khen. Phải chăng đàn ông chỉ cần không thuốc lá, rượu bia là đã đáng khen?
Thời còn đi học, con trai ham chơi, ì ạch lắm mới lấy được tấm bằng phổ thông, chị an ủi mình bằng cách đổ thừa cho… tuổi dậy thì. Vậy nhưng đến lúc cần chọn nghề nghiệp cho tương lai, con trai chị vẫn cứ… dậy thì. Học điện tử được 2 tháng, con chị bỏ ngang với lý lẽ “nghề sửa chữa điện thoại hợp thời hơn”. Tập tành vặn ốc vít tháo lắp linh kiện bo mạch này kia được mấy tuần, con trai chị tuyên bố mua bán điện thoại mau có tiền hơn cặm cụi sửa chữa.
Chị không đồng ý nhưng bà nội cưng cháu nên cho mượn cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng. Sau 3 năm hùn hạp với bạn bè làm ăn, tiệm mua bán điện thoại lẫn tình bạn của con chị đều tiêu tan. Bà nội thừa nhận tại mình cưng chiều cháu, nhưng chị làm sao mà yên với anh chị em bên chồng nếu cuốn sổ tiết kiệm không được hoàn trả.
Con trai tỏ thái độ ân hận bằng cách đi làm huấn luyện viên thể dục thể thao và nói công việc này không đòi hỏi vốn liếng tiền bạc nên không làm phiền đến gia đình, còn tốt cho sức khỏe; mà điều gì tốt cho sức khỏe cũng giúp cho tinh thần mạnh mẽ, minh mẫn; nghe rất hay ho. Hàng xóm đưa con cháu ra nhà văn hóa học hè tấm tắc khen con trai chị đa năng, việc gì cũng làm được. Đứa đi học bơi lội gặp thầy là con trai của chị mà đứa đi học bóng bàn cũng gặp thầy là con trai của chị…
Người ta tham gia câu lạc bộ nào đó là dùng thời gian rảnh rỗi sau công việc chính để thư giãn lành mạnh, còn con trai chị lông bông toàn thời gian từ nhóm này qua nhóm kia, còn theo người ta qua Ấn Độ với tuyên bố sẽ là một huấn luyện viên yoga, để rồi khi trở về cười xòa như vừa tham gia một chuyến du lịch thú vị.
Cứ vậy, thấy người khác làm gì, con trai chị cũng muốn làm theo. Cái gì con chị cũng biết mà chẳng có cái nào tới nơi tới chốn.
Chị cố nhẹ nhàng khuyên con: “Không chuyên môn, không bằng cấp gì thì đi học lái xe về chạy taxi cũng là một cách kiếm sống không đến nỗi cực nhọc”. Con trai gật đầu theo cái cách cho chị hiểu là con chỉ vì mẹ thôi, con làm vậy chỉ vì muốn mẹ vui lòng.
Mua cái xe hơi gần nửa tỉ đồng, chị nhấn mạnh đây là mua trả góp, mẹ giúp con mấy tháng đầu chưa quen khách, sau đó con phải lo trả nợ. Nhưng, việc kiếm sống là điều cần cố gắng và cần thích nghi mà con trai chị chỉ coi đó như cuộc chơi. Khách quen gọi đưa đón trùng giờ chơi cầu lông, con trai chị thản nhiên nhường cuốc xe đó cho tài xế khác, giải thích: “Con người ta chỉ sống có một lần…”. Chính những câu nói kiểu này khiến có lúc chồng chị nổi giận hất bay mâm cơm xuống đất.
Bởi từng kỳ vọng quá lớn vào đứa con trai, thái độ của nó khiến anh nổi khùng. Mà giận dữ cũng chẳng thay đổi được gì. Con trai chị chẳng những không tự ái như lẽ ra phải vậy mà còn nhìn cha bằng ánh mắt độ lượng, như rộng lòng tha thứ cho người lớn tuổi vì khoảng cách thế hệ.
Một ngày, chị thấy con trai mình xuất hiện trên game show Chuyện gia đình. Người dẫn hỏi: “Bạn nghĩ gì khi đến với chương trình này?”, câu trả lời khiến chị lùng bùng cả hai tai: “Tôi muốn những đứa con như tôi may mắn được có cha mẹ yêu thương đủ đầy nhưng đừng vì vậy mà để mình bị lệ thuộc và đánh mất chính mình. Hãy sống cuộc đời của mình”.
Trong khi chị phải cắm đầu làm thêm ngoài giờ để có tiền trả góp cho cái xe thì con trai chị lại bình thản nói lên quan niệm sống của nó một cách vô tư.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
***
“Người như Quyên làm sao có thể yêu một kẻ như vậy?” – chị tự hỏi. Vì những lời có cánh trên ti vi hay sao? Người như Quyên đâu dễ tin.
“Sao mà con với Quyên quen nhau?” – chị hỏi. Con trai chị cười tự hào: “Quyên tuyển tài xế đưa đón thằng nhóc đi học, tuyển gắt gao lắm đó”.
À, thì ra con chị là người Quyên tin cậy giao phó đứa con yêu quý của mình. Có lẽ bắt đầu từ việc thằng nhóc quý mến chú tài xế… Mà phụ nữ đã một lần gãy đổ thì luôn vì con, trước hết là vì con. Người ngoài nhìn vào dễ thấy con trai chị khá lý tưởng: không rượu chè và yêu thể thao… xứng đáng là hình mẫu cho thằng nhóc.
Chị hỏi: “Cưới vợ rồi con tính sao?”. Là chị muốn hỏi dự định làm ăn. Chị đợi nghe con trai nói rằng con ân hận vì bấy lâu nay vô tâm nên bây giờ chẳng có gì trong tay, rồi con sẽ nhờ mẹ giúp chút vốn để góp với Quyên, bắt đầu chương mới của cuộc đời một cách có trách nhiệm. Vậy mà con trai chị chỉ nhún vai, nói: “Quyên không làm dâu đâu, con sẽ về ở bên đó”.
Chị vô cùng thất vọng trước câu trả lời hời hợt. Làm chồng làm cha hoàn toàn khác với làm tài xế đưa đón một thằng nhóc đi học, vậy mà con chị chỉ xách cái thân tới ở nhà người ta là xong sao? Đàn ông là trụ cột gia đình mà không cảm thấy ngượng ngùng vì mình chẳng có gì à? Hay đắc ý vì mọi thứ đã có sẵn và mình là người may mắn không phải làm gì mà được hưởng?
Chị lẩn quẩn trong những suy nghĩ. Càng biết về Quyên, chị càng thêm ái ngại. Cảm giác ngày càng rõ trong chị là thế nào Quyên cũng nhận ra rằng một lần nữa cô lầm lẫn tai hại.
Chị giằng co giữa việc có nên nói cho Quyên biết con trai mình là một kẻ vô lo, vô tích sự, vô trách nhiệm. Nếu biết rồi mà Quyên vẫn chấp nhận thì đó là chuyện khác. Nhưng, nói vậy nghĩa là chị chờ đợi con trai đưa về một cô gái cũng giống như nó, nồi nào úp vung nấy?
Hay là cứ mừng vui, hy vọng tình yêu kỳ diệu có thể cảm hóa…
Mong manh làm sao!
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
***
Sau tiệc cưới, hội bà tám cười ha ha ha nói chị diễn giỏi ghê. Mấy bữa trước chị còn phân vân mà khi đóng vai mẹ chồng bên cạnh cô dâu chú rể đi tới từng bàn chúc rượu, nhìn mẹ chồng dịu dàng sửa lại cái lúp cài tóc cô dâu bị lệch, ai cũng cảm động.
Chị nghe, giấu tiếng thở dài sau nụ cười. Lẽ ra chú rể là người chỉnh lại cái lúp. Khi đó, chị đã nói nhỏ vô tai con trai và hình dung thợ chụp hình sẽ chộp được giây phút chú rể ân cần chăm sóc cô dâu trước bàn dân thiên hạ. Ai dè con trai gạt đi: “Mẹ kỹ tính quá chứ con thấy có sao đâu”.
Chị cầu mong đúng là chỉ vì chị kỹ tính, chị hay cả nghĩ mà thôi…
Nguyên Hương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-phai-la-ca-nghi-a1478046.html” name=””]