( Yeni ) – Chỉ vì ghen tị rồi tìm cách chơi xấu và hạ bệ đồng nghiệp, nhiều người đã tự tay phá hủy sự nghiệp của mình. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ điển hình.
Câu chuyện về cô gái bị đồng nghiệp chơi xấu
Một cô gái cho biết thực sự không rõ vì lí do gì mà công việc của mình dạo gần đây bắt đầu trở nên tồi tệ và ngay cả khách hàng cũng có thái độ khác. Sau đó, một đồng nghiệp hỏi cô đang gặp vấn đề gì và cho cô xem một đoạn email với nội dung xúc phạm một nhân viên khác được gửi dưới tên của cô.
Người phụ nữ khẳng định rằng mình không hề gửi email đó. Cô nghi ngờ người duy nhất có thể gửi email dưới tên mình là trợ lý cá nhân của cô.
Chủ tài khoản nói: “Tôi đã mất rất nhiều khách hàng và một số đồng nghiệp thậm chí còn tức giận với tôi. Sau đó, tôi chợt nhận ra, chỉ có trợ lý mới có quyền dùng tài khoản của tôi.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi mọi thứ bắt đầu có sự liên kết. Tôi được thăng chức còn cô ấy thì không và phải tiếp tục kế nhiệm vị trí cũ của tôi. Tôi kiểm tra tất cả thư từ trên máy tính cá nhân của cô ấy và thấy hàng tá thư điện tử được gửi với nội dung không lịch sự chút nào”.
Chủ bài viết đã thu thập bằng chứng và đến gặp quản lý để báo cáo. Kết quả, thủ phạm đã bị sa thải vào ngày hôm sau. Sau khi chia sẻ câu chuyện của cô trên Reddit, nhiều người dùng đã bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ cô.
Một người nói: “Cô ta đã cố gắng phá hủy sự nghiệp của bạn bằng những lời dối trá và lừa lọc nhưng rồi cuối cùng lại tự hủy chính mình.”
Một tài khoản khác ủng hộ cô: “Bạn không phải lí do khiến cô ta bị sa thải đâu, hậu quả là do cô ta tự chuốc lấy. Kể cả không phải bạn thì ai đó cũng sẽ phát hiện ra thôi. Cô ta chọn mạo hiểm công việc của mình và danh tiếng của công ty chỉ vì lòng đố kị. Có gan làm thì có gan chịu.”
“Nếu cô ta cần công việc đó thì nên làm cho tốt để được trọng dụng thay vì chơi xấu người khác như vậy. Đúng là gieo nhân nào gặt quả nấy”, một bình luận viết.
Xử lý thế nào khi bị đồng nghiệp chơi xấu
Đứng trên phương diện của họ
Đôi khi, bạn có thể hiểu người khác hơn nếu đặt mình vào vị trí của họ. Diane Domeyer, giám đốc điều hành của Menlo Park, thuộc The Creative Group nhận định: “Một số nhân viên, đặc biệt là những người hoạt động trong các lĩnh vực cạnh tranh cảm thấy không thể phát triển nếu làm cùng đồng nghiệp khác. Việc hạ thấp người khác xuống hay cướp công sức của đồng nghiệp có thể khiến họ cảm thấy mình được tỏa sáng”.
Cần nhìn vào động cơ của đồng nghiệp với sự đồng cảm. Hãy tự hỏi mình: “Bạn có phải là một người mới và trở thành mối đe dọa cho họ không? Gần đây, bạn có muốn phấn đấu để thăng chức không?”. Hãy suy nghĩ lý do đồng nghiệp coi bạn như kẻ thù.
Đừng trả đũa
Hành động ăn miếng trả miếng sẽ không có lợi cho bất kỳ ai. Domeyer nhắc nhở: “Tránh hành động nóng vội trong thời điểm này. Chờ cho đến khi bạn bình tĩnh để bắt đầu một cuộc nói chuyện lịch sự, thẳng thắn với đồng nghiệp, ngay cả khi tình hình không có tiến triển tốt”.
Nói chuyện thẳng thắn
Diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả bạn tìm hiểu thực tế và đánh giá khách quan. Nghiên cứu của TCG cho thấy 41% người được hỏi nghĩ rằng tốt nhất là tự hành động, trong khi 40% nghĩ rằng nên nhờ đến cấp trên.
Những việc bạn nên làm còn phụ thuộc vào người bạn đang đối phó là ai. Đó là người không thích bạn hay là người đang cố hại bạn và phá hoại công việc của bạn. Nếu đó chỉ là những người ghét bạn thì tốt nhất là nên tự giải quyết.
Còn nếu là những người muốn phá hoại bạn, hoặc bạn đã cố gắng giải quyết với họ nhưng không thành và khiến cho tình hình xấu đi thì bạn cần nhờ đến người quản lý. Tuy nhiên, nếu cho thấy rằng, bạn đang tự giải quyết mâu thuẫn, điều đó có thể khiến ông chủ đánh giá cao nỗ lực của bạn trong việc giải quyết vấn đề trước tiên.
Đối đầu theo cách văn minh
“Nếu bạn đang đối phó với kiểu người đố kỵ và nhỏ nhen, cách tốt nhất là nên nói chuyện một cách văn minh”, theo chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực Cornelia Gamlem, chủ tịch Tập đoàn GEMS, và là đồng tác giả của cuốn Cẩm nang khắc phục xung đột tại nơi làm việc.
“Khi chắc chắn mình đủ bình tĩnh để không làm sự việc thêm căng thẳng, hãy chọn thời điểm để nói chuyện riêng với người đang ghét bạn. Không sử dụng những ngôn ngữ thô tục, đe dọa và trình bày mối quan tâm của bạn về căng thẳng hoặc hành vi xấu mà người đó đã làm. Giữ sự tôn trọng trong khi trò chuyện và thảo luận về những gì bạn quan tâm”.
Nếu người đó nói: “Được rồi. Tôi hiểu điều bạn muốn nói. Nhưng hãy dành thời gian để nói về gốc rễ của vấn đề” thì đó là tín hiệu tốt. Đôi khi, người ta chỉ muốn được lắng nghe. Việc nói chuyện nghiêm túc như vậy có thể giúp cả hai bạn hiểu nhau hơn.
[yeni-source src=”http://www.khoevadep.com.vn/man-dap-tra-dinh-cao-cua-co-gai-khi-bi-dong-nghiep-choi-xau-khien-ai-nay-do-nguoi-search/?id=302098″ alt_src=”” name=”Khoevadep”]