Đến khi ba mẹ không còn, sợi dây tình thân kết nối trở nên mong manh, nếu không biết cách giữ gìn, nó có thể đứt bất cứ lúc nào.
Vào một buổi sáng giữa tuần, chị Hai nhắn tin trên nhóm Zalo gia đình thông báo: “Trưa chủ nhật tuần này mời mọi người đến nhà chị ăn cơm nhé!”.
Trong khi tôi đang cố nhớ xem sắp có sự kiện gì mà chị Hai lại tổ chức ăn uống thì anh chị em liên tục nhắn tin trong nhóm thắc mắc: “Có việc gì ạ?”, “Sao lại mời cơm bất ngờ thế?”, “Chị lại ủ mưu vụ gì hả?”…
Đáp lại những câu hỏi, chị Hai trả lời nhẹ nhàng: “Hai muốn gặp mấy đứa không được à, sao phải đợi có dịp gì chứ!”.
Câu nói của chị Hai làm tôi suy nghĩ, đúng là chị em tôi rất ít gặp nhau dù ở cùng một thành phố. Tính ra mỗi năm, số lần anh chị em hội ngộ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bình thường chúng tôi chỉ đến nhà nhau vào dịp tết, thỉnh thoảng vào ngày lễ, gặp nhau lúc có việc như ngày giỗ cha mẹ, đầy tháng cháu hay thành viên nào đó tổ chức sinh nhật.
Khi còn ba mẹ, anh chị em tôi gặp nhau thường xuyên vào những bữa ăn cuối tuần (Ảnh minh họa) |
Hai năm vừa rồi do dịch bệnh, những lần gặp gỡ đông đủ gia đình càng ít hơn. Khác với những ngày còn ba mẹ, không hẹn nhưng cuối tuần nào chị em tôi cũng tề tựu đông đủ ở nhà cậu Út nấu nướng rồi cùng ăn cơm cho ông bà vui. Nhưng từ ngày ba mẹ rời đi, những lần tụ họp như thế không còn nữa, người nào cũng bận bịu với gia đình nhỏ của mình.
Những cuộc gọi, nhắn tin thưa thớt vì có việc gì mới hỏi thăm còn bình thường ai cũng bận rộn. Cách đây hai năm, từ chuyện chị Ba nhập viện mổ khối u nhưng một tháng sau mọi người mới biết, chị Hai đã lập nhóm Zalo gia đình có đủ các thành viên để cập nhật tin tức. Từ ngày có nhóm chat này, thông tin trao đổi thường xuyên hơn. Nhờ đó, dù ít gặp tôi vẫn biết nhà chị Hai mới nuôi thêm hai chú cún, cậu Út mới làm lại cổng nhà rồi chị Ba chuẩn bị đi du lịch.
Chị Hai luôn là người đăng thông báo nhà nào có người bị ốm hay có tin vui để mọi người biết để hỏi thăm hay chúc mừng. Nhưng tất cả những trao đổi đó chỉ diễn ra trên nhóm chat còn những cuộc gặp mặt thực sự vẫn rất hiếm hoi. Chính vì lý do “có việc gì” mới gặp nên chuyện chị Hai mời đến nhà ăn cơm tưởng như bình thường lại làm mọi người thắc mắc.
Bữa cơm ở nhà chị Hai nhắc chúng tôi nhớ lại ngày cuối tuần trước đây khi còn ba mẹ. Mọi người đều bất ngờ khi chị Hai bảo: “Lần gần nhất, nhà mình cùng ăn cơm đông đủ cách đây đã 3 năm rồi”. Hôm đó là ngày đầy tháng cháu nội của chị Hai mà giờ đứa bé đã đi học mẫu giáo, hát hò líu lo rồi.
Chị kể, sau trận ốm ba tháng trước, khi nằm trong phòng hồi sức tích cực do chuyển biến nặng, hình ảnh chị em tôi quây quần bên mâm cơm cùng ba mẹ cứ ám ảnh trong đầu chị. Chị sợ mình không còn cơ hội để cùng ăn cơm với những người thân yêu thêm một lần nữa. Có lẽ điều người ta nhớ nhất khi nằm giữa làn ranh sự sống và cái chết không liên quan đến tiền bạc, địa vị hay danh vọng mà là những khoảnh khắc bên gia đình và người thân.
Chị Hai đề xuất, bây giờ mỗi tháng hai lần, nhà mình sẽ cùng tụ họp luân phiên ở mỗi nhà để cùng ăn cơm, nếu có điều kiện, mỗi năm cần sắp xếp để cả nhà cũng đi du lịch một lần để con cháu có sự kết nối nhiều hơn.
Chị Hai muốn nối kết tình thân bằng bữa cơm thân mật và những chuyến đi du lịch cùng nhau của đại gia đình. Ảnh minh họa |
Những lời nói của chị Hai làm tôi nhận ra, cuộc sống bận rộn làm những điều bình thường trở nên xa xỉ. Ngày còn nhỏ, chị em sống cùng nhau một mái nhà vui vầy ấm áp, đến khi trưởng thành, mỗi người có một cuộc sống riêng nhưng vẫn có ba mẹ làm sợi dây kết nối. Đến khi ba mẹ không còn, sợi dây tình thân đó trở nên mong manh, nếu không biết cách giữ gìn, nó có thể đứt bất cứ lúc nào. Tôi nhớ ai đó đã từng nói: “Khi ba mẹ còn sống, anh em là một gia đình, khi mẹ qua đời, chúng ta chỉ là người thân”…
Trước đây, chính chị Hai đề ra ý tưởng, mỗi năm ít nhất mấy chị em cũng phải chụp một tấm hình chung vì hồi nhỏ ở quê, chúng tôi chẳng có tấm ảnh nào để kỷ niệm về tuổi thơ cả. Nhờ vậy, đến giờ, nhà nào cũng có vài tấm ảnh kỷ niệm cùng nhau mỗi lần gặp gỡ. Cảm ơn chị Hai lúc nào cũng là người giữ ấm ngọn lửa tình thân, giằng níu sợi dây ruột thịt bền chặt từ những điều rất nhỏ.
Nguyên An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khi-cha-me-khong-con-anh-em-gap-nhau-cung-kho-a1470897.html” name=””]