Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (gần 15 triệu người). Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.
Sức khỏe tâm thần (SKTT) xuống cấp lấy đi nhiều điều hơn ta tưởng. Thế nhưng ở Việt Nam, SKTT chưa được quan tâm đúng mức. Trong gói khám sức khỏe tổng quát của công ty, cơ quan mua cho nhân viên, có khám rất nhiều chuyên khoa, cả khám mắt, răng hàm mặt… nhưng hiếm khi có khám SKTT.
Vợ đưa chồng khi khám SKTT, không khéo lại bị nghi mưu toan ly hôn, tranh chấp tài sản, con cái. Là nạn nhân của bạo lực gia đình về thể xác, tinh thần, tình dục, tài chính, nhiều người chỉ oán trách kẻ trấn áp mình chứ không lần đến cùng nguyên nhân của xung đột, mất hạnh phúc.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Có thể đặt câu hỏi: Người ấy liệu đang gặp khó khăn gì về tâm lý, SKTT không, tại sao phản ứng thái quá như vậy, tại sao cứ hứa sửa đổi mà cho cơ hội đến “lần thứ n” vẫn chưa sửa được? Và quan trọng là mình học cách yêu bản thân, thích ứng hoàn cảnh và xử lý như thế nào, xây dựng lối sống ra sao để giữ được sự thăng bằng, an lành, vui tươi dù cuộc sống luôn song hành với nghịch cảnh và những điều không như ý.
Cùng gặp tình huống chuyến bay bị hoãn, gương mặt bình thản, tươi tắn luôn thuộc về hành khách chuẩn bị sẵn tâm thế đối mặt với những khó khăn, bất ngờ, thậm chí rủi ro, trắc trở. Trong khi đó, các hành khách khác thì cau có, bực mình, tức giận và có nhiều lời nói, hành động thiếu kiểm soát.
Anh Hoàng Nguyên Linh (chủ nhà may ở Bình Dương) kết hôn mới bốn năm đã “oải chè đậu” với thói ghen của vợ.
Một buổi trưa, cô thợ may của nhà anh đói bụng lả người do chưa kịp ăn sáng và ráng may cho xong áo dài. Thấy vậy, anh vội chạy vào bếp bới chén cơm đưa cho cô thợ ăn chống đói. Thế là vợ anh xuất hiện và chửi tới tấp. Rằng trong hợp đồng thuê thợ đã ghi rõ nhà may không bao cơm, giờ sao anh lại cho cô thợ ăn; rằng vậy là trước giờ anh âm thầm tuồn tài sản cho “con quỷ cái này” mà miệng cứ đổ thừa nhà may thua lỗ.
Chuyện nọ chị xọ qua chuyện kia, không tìm được lối ra, cũng không cho ai cơ hội thanh minh.
Vợ anh ôm nỗi ám ảnh chồng cũ ngoại tình nên cứ hoang mang thái quá về lòng chung thủy. Nhiều khi ức chế, anh Linh cũng stress, gào lên, quăng ném đồ đạc trong nhà, bỏ đi vài ngày.
Cùng có vợ ghen nhưng không phải nhà nào cũng chén đĩa loạn xạ như nhà anh Linh. Họ kiên nhẫn lắng nghe nhau, khuyên nhủ, giải thích và nhờ bạn bè, gia đình hoặc nhà chuyên môn về tâm lý, bác sĩ tâm thần kinh hỗ trợ.
Ảnh mang tính minh họa – Rawpixel.com |
Trong lễ mít tinh hưởng ứng ngày SKTT thế giới chủ đề “Hãy để SKTT và hạnh phúc cho mọi người trở thành ưu tiên toàn cầu” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tổ chức ngày 10/10/2022, tại Hà Nội, giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn (Thứ trưởng Bộ Y tế) cho rằng, vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng.
Đa số người dân nghĩ rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt nhưng thực tế tỉ lệ này là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ đến 5-6% dân số, và còn có nhiều loại rối loạn tâm thần khác. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (gần 15 triệu người). Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II), stress là thuật ngữ được dùng trong vật lý học để chỉ một sức nén mà vật liệu phải chịu đựng. Đến thế kỷ XVII, thuật ngữ trên được chuyển sang cho cả người với ý nghĩa: một sức ép hay sự xâm phạm nào đó (tình huống stress) tác động vào con người, gây ra; một phản ứng căng thẳng (trạng thái phản ứng với stress).
Hằng ngày, hằng giờ, mỗi cá nhân trong xã hội phải chịu tác động của nhiều sức ép: điều kiện sống khó khăn, làm việc quá tải và căng thẳng, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, với hàng xóm, đồng nghiệp.
Chị Ngô Hồng Vân (công nhân ở TP Thủ Đức, TPHCM) phàn nàn mẹ chồng vào tuổi 65 bỗng đổi tính nết, hay xét nét, suy diễn, luôn nhìn sự việc theo hướng tiêu cực, lúc nào cũng lo sợ bị hãm hại và tìm cách chống trả.
“Tôi stress, mất ngủ kinh niên, đầu óc như muốn nổ tung. Tôi đã làm gì để mẹ chồng luôn nghĩ xấu tôi như vậy? Ai đã tọc mạch, tác động đến mẹ chồng tôi? Xưa kia, mẹ vốn yêu thương và xem tôi như con gái ruột. Dù còn tình cảm nhưng tôi đòi ly hôn để tự cứu mình” – chị Hồng Vân kể lại.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
May sao khi công ty chuyển trụ sở, chị chớp cơ hội dọn ra để… đi làm cho gần. Khoảng cách giúp chị bình tâm nhìn nhận lại, điều chỉnh bản thân, đọc sách báo từ đó biết nghĩ cho người khác hơn, biết thấu cảm với mẹ chồng ở tuổi xế chiều.
Chồng chị cũng đưa mẹ đi gặp các chuyên gia trị liệu tâm lý, tham gia học các lớp chữa lành, tư duy tích cực, du lịch, hoạt động xã hội để nghĩ thoáng, chọn góc nhìn nhẹ nhàng, cách đối xử thoải mái, bao dung hơn.
Qua chia sẻ của mẹ, chồng chị biết được bấy lâu giữa mẹ chồng nàng dâu có nhiều chuyện hiểu lầm, chuyện rất nhỏ nhưng cứ tích tụ, tạo bức tường ngăn cách.
Vợ chồng chị Hồng Vân bắt đầu lên kế hoạch thiết kế cuộc sống mới trong ngôi nhà cũ, có mẹ đang trông chờ “con gái” trở về.
Tô Diệu Hiền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ai-cung-co-the-roi-loan-tam-than-a1478304.html” name=””]