“Anh ăn gì cũng được”, sau vài lần hỏi rồi nhận được câu trả lời quen thuộc, tôi ngừng hẳn việc thảo luận món ăn cùng chồng trước khi đi chợ.
Đàn ông thường đơn giản nên câu nói “ăn gì cũng được” của chồng tôi đúng theo nghĩa đen. Nó khác với câu “em mặc gì cũng được” nhưng mỗi lần đứng trước tủ đồ tôi đều thấy mình không có thứ gì để mặc.
Nếu tôi nấu món chồng thích thì anh sẽ ăn ba chén cơm, còn những khi nấu món nào không hợp khẩu vị thì anh ăn ít lại, chẳng bao giờ càm ràm.
Còn nhớ năm đầu về sống chung, hai vợ chồng tôi vẫn thường xuyên cự cãi, trong đó có những mâu thuẫn xuất phát từ chuyện ăn uống. Hễ thấy chồng lơi lơi, mới ăn lưng chén đã bỏ đũa là tôi lập tức hỏi han: “Anh ăn không ngon miệng à”, “Em đi nấu món khác đây”.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Dù chồng liên tục xua tay bảo không cần, nhưng tôi vẫn không tin, cuống cuồng lao vào bếp. Với tôi, bữa cơm không chỉ là thời điểm các thành viên có mặt, đó còn phải là nơi mọi người được ngon miệng với những món ăn nhà làm. Chồng tôi phải ngạc nhiên, trầm trồ khi các giác quan lần lượt được “va chạm”, đánh thức.
Thế rồi, trong những lần về thăm nhà, chứng kiến cảnh ăn uống đơn giản của ba mẹ, lúc chuyện trò, tôi lần nữa nghe câu nói “ba ăn gì cũng được”, tôi đã tự kiểm điểm lại sự cặn kẽ đầy nguyên tắc của mình. Thời gian qua, chồng không hề xét nét nhưng tôi đã tự tạo áp lực
cho mình.
Ba mẹ tôi năm nay hơn 70 tuổi, các con đứa lập gia đình, đứa thì làm ăn xa nên hai người khuya sớm tự chăm sóc nhau. Mấy thím tôi vẫn thường hay tị nạnh với mẹ, bởi so với những người phụ nữ ở làng thì mẹ rất thoải mái và chủ động. Mẹ thoải mái vì sức khỏe của ba còn tốt, phần nữa vì ba dễ tính, chẳng bao giờ bắt bẻ, yêu cầu mẹ phải làm cái nọ, nấu món kia.
Ở quê, mỗi tháng vài lần giỗ chạp, nếu mẹ đi, ba ở nhà sẽ làm gói mì, chần thêm quả trứng gà, cũng coi như xong bữa. Ba kể: “Mỗi bữa ăn của ba mẹ giờ chỉ thường có một món. Nếu trưa ăn canh, thì tối ăn món gì đậm đậm. Có tuổi rồi nên ăn uống đơn giản cho nhẹ bụng, giảm áp lực cho hệ tiêu hóa”.
Cái lý của ba tôi trùng khớp với một khóa học về dinh dưỡng mà tôi có dịp tham gia. Thật ra, mỗi ngày chúng ta đang nạp vào lượng thức ăn nhiều hơn mức cơ thể cần thiết. Trạng thái rỗng ruột rất có lợi cho sức khỏe và đầu óc của mỗi người. Khi rỗng ruột, trí não sẽ linh hoạt, sáng suốt hơn. Khoảng cách giữa các bữa ăn trong ngày cũng cần được kéo giãn ra để tránh tình trạng trì trệ do hệ tiêu hóa phải làm việc quá nhiều.
Tôi bắt đầu thay đổi. Tôi đón nhận câu nói “anh ăn gì cũng được” của chồng như nó vốn là. Khi nấu nướng đơn giản, tôi có thêm thời gian để chăm sóc mình, bản thân trở nên tự do, tràn đầy tươi mới. Tôi chợt nhận ra, chính nguồn năng lượng thư thái, vui vẻ này mới thật sự cần thiết cho một bữa ăn, một ngôi nhà hơn những mâm cao cỗ đầy, đầu tắt mặt tối. Trên chiếc bàn ăn, thay vì chỉ chăm chăm dò xét về thái độ, ánh mắt của mọi người dành cho những món ăn mình nấu, tôi mở lòng hỏi han, trò chuyện về công việc của chồng, chuyện học tập của con. Mâm cơm trở thành không gian sum họp của gia đình.
Tôi đem niềm vui này nhắn tin với em gái, ai ngờ nhận về một lô câu chuyện dông dài. Em bảo: “Em ước gì chồng mình được như anh, như ba. Anh Linh nhà em rất khó trong chuyện ăn uống. Bữa cơm nào cũng phải có đủ ba món canh, mặn và đồ xào. Anh lại không thích ăn cơm quán, nên dù em có con nhỏ tất bật, thì ít nhất mỗi ngày phải hai lần vào bếp. Có bữa trưa đó do bận quá nên em không nấu canh bảo anh ăn tạm hai món, ảnh cau có suốt buổi chiều”.
Ảnh mang tính minh họa – Tirachardz |
Nghe chuyện của em, tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện tôi đọc được gần đây: “Mẹ tôi luôn nấu đồ ăn ngon. Nhưng hôm nay mẹ đặt một cái bánh cháy trước mặt ba. Cháy đen như than đá. Chờ xem ba tôi sẽ nói gì. Nhưng ba tôi vừa ăn bánh và hỏi: “Ngày hôm nay của em thế nào”. Vậy là tôi nghe mẹ tôi xin lỗi ba vì chiếc bánh đó. Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời của ba rằng: “Không sao cả, anh thích bánh của em”. Sau đó tôi đã hỏi ba tôi có nói thật không?
Ba đặt tay lên vai tôi và nói: “Mẹ con hôm nay đã có một ngày khó khăn ở chỗ làm, bà ấy đã rất mệt mỏi. Chiếc bánh cháy không làm tổn thương ba được, nhưng một lời chê trách của ba có thể sẽ làm tổn thương mẹ con. Chúng ta không nên tập trung vào sai lầm, mà hãy nhẹ nhàng với những người chúng ta yêu thương”.
Câu chuyện về chiếc bánh cháy thật xúc động và ý nghĩa. Lần tới về quê, nếu có dịp tụ họp đông đủ, tôi nhất định sẽ kể câu chuyện này trong bữa ăn gia đình.
Hoặc để kịp thời hơn, tôi sẽ copy dán ngay lên nhóm chat của mấy anh chị em. Em rể và các em trai tôi cũng sẽ đọc được. Tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra, một người chồng có yêu vợ hay không đôi lúc không quan trọng bằng cách mà anh ta trao đi tình yêu ấy. Khi người chồng bảo “anh ăn gì cũng được” chính là lúc anh trao cho vợ mình sự tự do, bao dung đầy dịu dàng. Tự do và chia sẻ chính là bí quyết của những cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc.
Biết đâu đấy, khi người chồng càng dễ tính, người vợ lại càng sẵn sàng nấu nướng, sáng tạo nên những món ăn đặc sắc!
Diệu Thông
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/anh-an-gi-cung-duoc-a1474132.html” name=””]