Ba đã trực tiếp dạy tôi cách làm nước mắm và gián tiếp dạy tôi cách sống ở đời. Bất kỳ thành công nào cũng phải trải qua giông bão.
Gia đình tôi có truyền thống ra khơi. Từ đời ông nội đã bám biển kiếm sống. Mỗi ngày, ba đều bền bỉ lướt trên bao con sóng dữ để đem về cho chúng tôi những khoảng lặng bình yên. Rất nhiều kỷ niệm hồn nhiên tôi đã gửi lại nơi bãi ghềnh cửa vịnh của làng chài Phù Cát (Bình Định).
Vì đặc thù miền biển nên nhà tôi quanh năm đều tanh nồng vị cá. Những loại cá to ba đem về, mẹ sẽ mang ra chợ bán. Những loại cá nhỏ hơn, ba nấu ngót, chan với bún hoặc ăn kèm bánh tráng mỏng. Riêng cá cơm, đợt vào mùa, ba sẽ ướp theo tỉ lệ 4 cá – 1 muối, ủ trong khạp tầm 6 tháng, làm nước mắm.
Khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học năm 2018, có 6 ngày nghỉ trước khi nhận bằng, tôi quyết định về quê ít hôm để hít hà mùi biển.
Tuổi thơ của tôi là đợi ba với những chuyến ghe vô đầy cá |
Ba vẫn mặc trên người cái áo thun sẫm màu cùng chiếc quần đùi đã chớm lằn những vệt muối khô cằn. Ngoắt tay vẫy tôi tới gần, ba chỉ vào thùng cá đã ướp đủ lâu, cười khà khà, bảo tôi cùng ông đi lược nước mắm.
Mở nắp khạp được bịt kín bằng nhiều lớp ni lông, một mùi nồng mằn mặn bốc lên khi cá cơm đã thủy phân gần hết. Chất nước đùng đục tiết ra từ cá, lẫn một ít xác và xương chưa rục hết, tạo thành những lớp váng lợn cợn đong đầy vị đạm tự nhiên.
Bưng khạp cá đặt ra ngoài hiên, ba nói tôi vào nhà lấy thêm 2 cái thau lớn và cái vợt rây ô nhỏ cùng tấm vải bố dài, sạch sẽ. Gồng 2 bắp tay mạnh khỏe, ba bưng khạp lên đổ vào cái thau thứ nhất, qua rây mịn được tôi hứng sẵn phía dưới. Từng dòng chảy màu xám đục rỉ rả nhỏ xuống, bỏ lại xác cá lổm ngổm bên trên.
Nhẹ nhàng đặt khạp xuống khi đã cạn đáy, ba kêu tôi đổ phần xác hứng được vào tấm vải bố. Dùng 2 bàn tay rắn rỏi dần sạm đen sau bao ngày chài lưới, ba vặn chéo tấm vải thật mạnh rồi cố vắt chút nước còn sót lại trong bã cá cho đến khi ráo.
Đổ cặn trong tấm vải đi, tôi trải ra trên miệng cái thau thứ hai. Bưng thau thứ nhất với số nước mắm vừa lọc được, ba đổ dần qua thau trống còn lại. Sau đó, ba cùng tôi mỗi người nắm một đầu tấm vải, xoắn chặt rồi lại ép cho nước cá ra hết. Nước mắm dần trong hơn. Ba múc ra một ít để làm nước mắm đục (một dạng khá giống mắm nêm), phần còn lại, chúng tôi tiếp tục lược từ thau thứ hai về thau thứ nhất.
Cứ làm như thế tầm 20 lần, đến khi tay tôi dần mỏi nhừ không chịu nổi, thứ nước trong veo, vàng ươm dần long lanh dưới ánh nhìn vui mừng của 2 ba con. Tôi hỏi nhỏ ba: “Vầy được chưa ba?”. Ba lắc đầu, cười khẽ: “Chưa đâu con, còn phải đem phơi nắng”.
Thì ra, nước mắm sau khi lược trong cần phải đem đi phơi nắng tầm 1 tuần để có thể giữ được lâu và tạo mùi thơm dễ chịu. Chấm một miếng rau sống vào chén nước mắm ớt tỏi, một chuỗi kỷ niệm quen thuộc tràn trề trong khuôn miệng, truyền từ vị giác lên não, thành thước phim quay chậm từ hình ảnh những con cá cơm tự tay ba đánh lưới, tới bộ dáng lom khom tỉ mẩn ướp từng lớp cá cùng muối của ba, kinh qua quãng thời gian chờ đợi nửa năm đằng đẵng với bao sự đổi thay biến hóa, cuối cùng là khung cảnh 2 ba con hì hục lược nước mắm dưới cái nắng hè chói chang.
Ba đã trực tiếp dạy tôi cách làm nước mắm và gián tiếp dạy tôi cách sống ở đời. Bất kỳ thành công nào cũng phải trải qua giông bão. Chỉ khi chịu được cái mùi tanh của cá thì mới xứng đáng nếm được vị mặn thanh của nước mắm đậm đà. Những gì tinh túy, đều phải trải qua gạn đục khơi trong, cũng như con người phải không ngừng trau dồi, thay đổi để đứng vững vàng trước sóng gió cuộc đời.
Ủ mắm cùng ba đã trở thành một hồi ức đẹp. Không biết tự bao giờ, mùi nước mắm cá cơm đã trở thành hương vị quen thuộc, làm tôi đau đáu nhớ mãi về vùng biển quê nhà cùng kỷ niệm với ba.
Thanh Trúc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ba-day-toi-lam-mam-lam-nguoi-a1516072.html” name=””]