Suốt quãng đời 93 năm, bà Mười Xùm – bà nội tôi – đã sống, chiến đấu từ thời Pháp đến Mỹ cho đến khi đất nước hòa bình thống nhất.
Làng Phương Cựu (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) nhỏ xíu, nơi quanh năm nắng cháy, gió táp vào mặt. Người dân có việc đi ra khỏi làng phải băng qua đoạn đường hứng gió mạnh, có khi bị hất cả người và xe xuống ruộng muối. Xưa, con gái làng khác ít ai dám về làm dâu xứ này, vì hiếm nước ngọt, muốn có nước uống phải sang làng khác gánh về, nước sinh hoạt thì nhiễm mặn.
Vậy mà suốt quãng đời 93 năm, bà Mười Xùm – bà nội tôi – đã sống, chiến đấu từ thời Pháp đến Mỹ cho đến khi đất nước hòa bình thống nhất trên mảnh đất này.
Tác giả và bà nội – bà Phạm Thị Xùm – vợ liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng |
Bà nội tôi là con gái út trong một gia đình cách mạng từ thời chống Pháp. Bà cố mất sớm, mấy anh em bà nội sống nương tựa vào nhau. Ông cố tôi tham gia cách mạng, làm trưởng thôn Phương Cựu thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1947, ông và người ông họ của tôi bị giặc chặt đầu ngay tại chợ làng.
Năm 17 tuổi, bà tôi cùng chị gái đi bộ hơn chục cây số, gánh gạo xuống biển Mỹ Tân bán và mua cá gánh về bán ở chợ quê. Bà tham gia dân công tải lương thực vào chiến khu 19 khi mới ngoài 20 tuổi. Bà gặp và yêu một chiến sĩ người Bình Định đang hoạt động tại đây. Cả hai cùng hẹn ngày đất nước bình yên sẽ làm đám cưới.
Sau Hiệp định Genève, tạm đình chiến. Người chiến sĩ ấy được Đảng giao nhiệm vụ ở lại địa phương của bà để thực hiện hiệp định. Như lời hẹn ước, ông và bà đã làm một lễ cưới đơn sơ trước sự chứng kiến của họ hàng.
Những tưởng đất nước từ đây hòa bình, nhưng hóa ra đất nước bị chia cắt làm 2 miền. Mỹ muốn dùng miền Nam làm căn cứ quân sự ở Đông Dương nên bắt hết những người từng tham chiến chống Pháp. Ông nội tôi cũng không tránh khỏi bị bắt.
Bị giam vài năm, ông tôi trở về. Cô con gái đầu lòng kháu khỉnh, xinh xắn ra đời. Nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm buộc ông phải ly khai khỏi Đảng, ông không chịu, chúng lại bắt giam. Bà tôi vốn đã quen với cảnh chồng bị giặc bắt rồi thả, thả rồi bắt. Bà một mình nuôi con khi ông thoát ly tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1964, bà bàng hoàng hay tin ông hy sinh trên đường đi công tác. Ông chưa kịp thấy mặt cậu con trai mà bà vừa mới hạ sinh.
Nỗi đau chồng mất chưa nguôi, bà là “vợ cộng sản” nên lại bị giặc bắt, tra tấn. Bà ngất đi, chúng tạt nước cho tỉnh rồi lại đánh. Bên ngoài, 2 con nhỏ của bà bơ vơ, nheo nhóc. Sau nhiều lần bắt thả – thả bắt mà chưa moi được thông tin gì từ bà, chúng vẫn âm thầm theo dõi, khiến đường mưu sinh của bà luôn vất vả, khó khăn hơn trong việc nuôi con. Sau này hòa bình, bà lại tiếp tục buôn gánh bán bưng, dựng vợ gả chồng cho các con.
Bà nội tôi ăn chay, đi chùa. Có bận bà đau ốm, sợ bà ăn chay không đủ dưỡng chất, con cái không cho bà ăn chay nữa, nhưng bà không đồng ý.
Bà tôi dạy con cháu sống thiện lương, giản dị, không vì tiền mà làm điều sai trái. Những năm cuối đời, bà sống với cô Hai tôi.
Xung quanh là con cháu, họ hàng thân thuộc trên mảnh đất quê hương – nơi mà đi đâu bà cũng thấy bóng dáng người cha già bị giặc bêu đầu trong thời chiến chống Pháp, thấy nụ cười đầy yêu thương hẹn ngày về của người chồng đã hy sinh.
Tuổi cao, sức yếu, bà tôi ra đi thanh thản, nhẹ nhàng vào chiều mùng Ba tết Quý Mão. Từ tờ mờ sáng, trong cái lạnh trái mùa khắc nghiệt, con cháu, họ hàng, bà con trong làng vẫn có mặt đông đủ theo chân đoàn xe tang đưa tiễn bà tôi về nơi yên nghỉ.
Đoàn xe đưa bà qua chợ, qua đền liệt sĩ, qua trường học, qua ruộng muối đầu làng để bà được nhìn lại khung cảnh quê hương lần cuối…
Phan Thanh Hiền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ba-noi-nguoi-hung-cua-toi-a1485481.html” name=””]