Vượt qua những sự xa cách, cả nể thường gặp khi nói về quan hệ sui gia, bà Duyển chăm sóc mẹ ruột của con dâu như người ruột thịt.
Gần ba năm kể từ ngày làm thông gia, bà Nguyễn Thị Duyển (52 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) và bà Nguyễn Thị Kim Vân (51 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) dần trở nên thân thiết.
Bà Duyển đang cắt trái cây cho bà sui |
Bà Duyển gãy gánh hôn nhân, một mình nuôi con trai hơn mười năm nay. Bà Vân xuất thân từ gia đình nghèo khó, cam chịu người chồng vô tâm, lạnh nhạt. Xuất phát điểm từ hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc giống nhau, hai bà sui hiểu nhau thêm qua những câu chuyện các con kể lại.
Mỗi dịp 8/3, 20/10, khi nhận quà từ con dâu, câu cửa miệng mà bà Duyển hỏi sẽ luôn là: “Con có mua quà tặng bà ngoại (tức bà sui) chưa? Con xem ngoại thích gì, thì mua tặng ngoại nhé!’’. Biết sức khỏe bà thông gia không tốt, thỉnh thoảng bà Duyển lại nhắc con dâu mua sữa gửi về để mẹ ruột bồi bổ.
Biết bà Duyển thích ăn khế ngọt, mỗi bữa ăn không thể thiếu chén nước mắm dằm ớt hiểm, đợt nào gửi đồ ăn lên cho gia đình con gái, bà Vân cũng không quên gói ghém cẩn thận hai món yêu thích của bà sui.
Ngày con dâu sinh, dịch bệnh tại TPHCM diễn biến phức tạp, bà Vân ở xa không lên kịp, chỉ có bà Duyển và con trai thay nhau chăm sóc, lo toan. Từ cơm nước, giặt giũ đến chăm nom cháu, một tay bà Duyển đỡ đần. Bà Vân một thời trải qua cảnh mẹ chồng – nàng dâu, nên hay nơm nớp lo sợ con gái khổ giống mình. May thay, bà sui là người tốt bụng, thương con dâu hệt như con gái. Mỗi lần nói chuyện cùng con, bà Vân nhắc đi nhắc lại: “Con có phước mười đời mới được về làm dâu mẹ chồng con đó’’.
Qua lời kể của con dâu, bà Duyển càng thương sự tảo tần của bà thông gia. Bà dặn dò con trai: “Mẹ vợ con chịu khó và giỏi lắm mới một tay nuôi nấng vợ con nên người. Con ráng làm sau này có điều kiện rước mẹ lên đây chăm sóc,
nghe con!’’.
Cuối tháng 5/2022, bà Vân gặp một tai nạn nhỏ khiến giác mạc bị rách. Nghe tin, bà Duyển giục hai con rước mẹ lên TPHCM để khám. Vấn đề về mắt được giải quyết xong, bà Vân đột nhiên không thể đi đứng bình thường. Bác sĩ nghi ngờ thần kinh cột sống của bà bị chèn ép nặng, cần nhập viện để theo dõi và điều trị gấp, tránh biến chứng. “Chị về sắp xếp công việc rồi lên lại với em và tụi nhỏ để chữa bệnh chị nha’’, bà Duyển nói qua điện thoại với bà sui.
Bà Vân nhập viện, con gái hầu như túc trực chăm sóc mẹ cả ngày, mọi công việc gia đình, một tay bà Duyển gánh vác. Bà soạn thêm mền, gối, tranh thủ dậy sớm hơn phụ con dâu nấu cơm để mang vào viện cho kịp giờ. Quần áo bà sui được phơi chưa kịp thu vào. Bà Duyển lấy xuống, ủi, gấp cẩn thận.
Sợ mẹ ruột của con dâu lo lắng, cách ngày, bà Duyển lại gọi điện vào viện hỏi thăm, trấn an. Bà Vân xuất viện sau khi phẫu thuật cột sống hai tuần. Tuy nhiên, bà cần hạn chế đi lại và phải được theo dõi, thay băng mỗi ngày, phải ở lại thành phố ít nhất một tháng. Ngại làm phiền gia đình con rể quá lâu, bà Vân định bụng thuê phòng trọ nhỏ cho tiện.
Biết chuyện, bà Duyển không đồng tình. Sáng sớm, bà vội vào nhà kho lục tìm và mang chiếc giường đơn cũ ra lau chùi. Bà chọn kê gọn ghẽ ở tầng trệt vì biết bà sui hạn chế đi lại nhiều. Bà giặt bộ drap, mùng để phủ lên giường. Vừa làm, bà vừa nhỏ giọng trách: “Mẹ con còn con, còn cháu, còn cả sui gia, chứ đâu phải một thân một mình đâu mà phải thuê trọ. Về đây, nhà mình chăm sóc, đỡ đần nhau’’. Xong xuôi công việc, bà và con trai bắt con dâu phải rước mẹ ruột về để cả nhà chăm sóc.
Kể từ đó, chiếc giường đơn nhỏ ở tầng trệt mỗi tối lại rộn rã tiếng nói cười của hai bà và cháu gái. Buổi sáng đi chợ, bà Duyển mua cho “chị sui’’ vài lốc sữa để ở cạnh giường. Bà sui không tự gội đầu được. Bà Duyển kê dùm cái ghế, cái thau, nấu cho con dâu nồi nước để con gội đầu cho mẹ.
Bà nội luôn miệng nhắc bà ngoại ăn nhiều để mau hồi phục. Những tối con dâu có việc phải ra ngoài, chính tay bà nội mắc mùng giúp bà ngoại. Họ cùng nhau ăn cơm, cùng nhau trò chuyện. Ngoại trừ giờ ăn, ngủ, hầu như hai bà sui “tám chuyện xuyên thời gian”. Họ kể cho nhau nghe chuyện đời, thích thú cười vang khi cùng xem đoạn video trên Facebook.
Có cháu ngoại, có người tâm sự, được ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, bà Vân hồi phục sức khỏe một cách ngoạn mục. Bà Vân vẫn ở lại chơi cùng cháu, con, cũng như nghỉ dưỡng cho vết mổ phục hồi thật tốt rồi mới về quê trở lại.
Anh Nguyễn Tiến Châu (con trai bà Duyển) rất vui khi hai bà mẹ yêu thương và hợp tính nhau: “Dù lúc trước có thiện cảm về nhau, nhưng khi phải sống cùng, mẹ vợ tôi mới hiểu và an tâm về nhà chồng của con gái. Từ ngày mẹ vợ về đây nghỉ ngơi, gia đình càng ấm cúng và rộn tiếng cười”.
Trong những buổi nói chuyện, bà Vân ngập ngừng cảm ơn, bà Duyển vội lắc đầu: “Đừng nặng nhẹ hai chữ sui gia mà phải ơn nghĩa, tụi mình cứ xem nhau như người một nhà”. Nói đến đây, hai bà cười xòa. Đứa cháu hai tuổi không hiểu chuyện gì cũng bật cười theo. Niềm hạnh phúc lan tỏa khắp căn nhà nhỏ.
Tuệ Minh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ba-ngoai-benh-co-ba-sui-cham-soc-a1468631.html” name=””]