Sau này tôi mới biết lúc đó ba mang cảm giác có lỗi, tự ti, giận chính mình khi phát hiện ra tay ngày càng run, mắt ngày càng mờ và đầu óc không còn nhanh nhẹn như trước nữa.
Apple lại ra điện thoại mới. Như mọi lần, tôi gom góp tiền tiết kiệm để kịp lên đời “dế” yêu. Cái điện thoại đang xài vẫn còn tốt, tôi quyết định đem tặng ba tôi, để ba xóa mù công nghệ cho bằng bạn bằng bè, vừa có điều kiện xem phim, nghe nhạc cho đỡ buồn.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Sau một buổi hướng dẫn, giảng giải các tính năng điện thoại cho ba, tôi yên tâm giao máy rồi vào phòng riêng, đóng cửa làm việc.
Chưa đầy 15 phút sau, có tiếng gõ cửa, là ba tôi. Ông ngại ngùng hỏi lại tính năng nhắn tin. Tôi hướng dẫn lại lần nữa, cẩn thận lấy giấy bút ghi lại rồi giao tờ giấy cho ba. Ba nắm chặt tờ giấy rồi trở ra ngoài.
30 phút trôi qua, lại có tiếng gõ cửa dè dặt. Lại là ba với chiếc điện thoại trên tay. Lần này, trông ông thật khổ sở. Có ai đó đang gọi đến và ông không tìm thấy nút bấm để nghe. Tôi cầm lấy điện thoại, lướt nhẹ trên bàn phím ảo, hơi lớn giọng: “Đây nè ba, lúc nãy con chỉ ba mấy lần rồi mà ba hông nhớ hả?”.
Ba bối rối nhận lại điện thoại và lập cập nghe máy. Lúc này, tôi mới thoáng hối hận vì mình đã gắt gỏng, biết đâu người bạn của ba đã nghe thấy những lời không hay của mình. Nhưng bảng báo cáo sếp đang hối gấp nên tôi không có thời gian để băn khoăn lâu mà nhanh chóng vùi đầu vào máy tính.
Ngày hôm ấy trôi qua lặng lẽ. Trong bữa ăn, hình như ba ít nói hơn. Tôi cũng không để ý lắm, ăn vội chén cơm rồi tiếp tục làm việc của mình. Sáng thức dậy, tôi bỗng thấy mình có tin nhắn – là tin nhắn của ba: “Xin lỗi con, dạo này ba hay quên quá, nhiều khi nghe đó rồi quên liền. Mà cái điện thoại con cho nó hiện đại quá, ba xài không quen”.
Tin nhắn có mấy câu như vậy nhưng những ký tự bị gõ sai khá nhiều, chứng tỏ ba tôi đã phải đánh vật rất lâu mới soạn được cái tin và gửi đi thành công.
Những ngày tiếp đó, không thấy ba hỏi gì thêm về chiếc điện thoại. Tôi để ý thấy ba thường ngồi rất lâu, mày mò, vật vã với nó. Không phải ba giận hay tự ái, mà ông sợ làm phiền con mình. Sau này, khi mọi chuyện đã qua, cha con có dịp mở lòng cùng nhau tôi mới biết lúc đó ba mang cảm giác có lỗi, tự ti, giận chính mình khi phát hiện ra tay ngày càng run, mắt ngày càng mờ và đầu óc không còn nhanh nhẹn như trước nữa.
Tôi chợt nhớ lại ngày còn nhỏ, trong mắt tôi, ba luôn là số 1, là “Mr biết tuốt”. Mẹ tôi ít học, lại hiền lành, ít giao tiếp bên ngoài nên mọi việc dạy con học, dạy con cách ứng xử, cách sống luôn là việc của ba. Quyển sách đầu tiên tôi đọc, chiếc máy tính Casio để làm toán và sau này là chiếc máy vi tính để tôi đi học đại học cũng là do ba tự gom góp tiền, nhờ bạn bè, người quen trên thành phố mua giùm.
Vậy mà, khi tôi càng lớn, học hành thành tài, lại nỡ lòng nào, dù chỉ trong những phút vô tình, lại tỏ thái độ coi thường ba.
Lòng tràn ngập hối hận, tôi chỉ muốn nói với ba ngàn lần câu xin lỗi.
Minh Hải
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ba-toi-va-chiec-dien-thoai-thong-minh-a1531935.html” name=””]