( Yeni ) – Sử dụng điều hòa vào ban đêm giúp mang lại cảm giác dễ chịu, để mọi người ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, khá nhiều người quan tâm tới việc làm thế nào để tiết kiệm điện khi bật điều hòa cả đêm.
Vào những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hòa tăng lên. Việc này cũng kéo theo tình trạng hóa đơn điện tăng vọt so với những thời điểm trời mát mẻ.
Vấn đề lớn nhất khi sử dụng điều hòa mà mọi người quan tâm chính là làm thế nào để tiết kiệm điện.
Không ít người cho rằng nhiệt độ càng cao thì càng tiết kiệm điện. Do đó, họ thường chọn để điều hòa ở mức nhiệt 29-30 độ C, nhất là vào ban đêm.
Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn đúng.
Mức nhiệt 29-30 độ C đúng là sẽ tiết kiệm điện hơn rất nhiều so với các mức nhiệt độ thấp hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần tính đến sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà cũng như hiệu quả làm mát.
Các chuyên gia cho rằng điều hòa làm mát hiệu quả nhất khi nhiệt độ dàn nóng ở mức dưới 48 độ C và nhiệt độ trong phòng trên 19 độ C. Chênh lệch nhiệt độ ở trong phòng và môi trường bên ngoài nằm trong khoảng 6-10 độ C là mức giúp điều hòa hoạt động tốt nhất, hiệu quả nhất.
Tùy theo mức nhiệt độ cài đặt mà lượng điện tiêu thụ của điều hòa có thể khác nhau.
Ví dụ, khi nhiệt độ bên ngoài ở ngưỡng 40 độ C, bạn có thể bật điều hòa 30 độ, vừa đủ mát vừa tiết kiệm điện. Nếu đặt điều hòa ở mức nhiệt độ 25 độ C trong trường hợp này, thiết bị sẽ phải hoạt động hết công suất để hạ nhiệt độ phòng và chắc chắn quá trình này sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Khi nhiệt độ ngoài trời ở trong mức 30-35 độ C thì nhiệt độ trong phòng có thể năm ở khoảng 26-28 độ C. Đây là mức chênh lệch giúp tiết kiệm điện cho điều hòa. Nếu để nhiệt độ điều hòa là 30 độ, cục nóng sẽ ngắt nghỉ liên tục. Như vậy, mỗi lần khởi động lại, cục nóng sẽ tiêu tốn lượng điện năng nhiều hơn, gây ra tiếng ồn lớn.
Ngoài ra, mức 29-30 độ C có thể là mát với người này nhưng lại nóng với người khác. Việc điều chỉnh nhiệt độ điều hòa cũng phụ thuộc vào cảm nhận về nhiệt của mỗi cá nhân. Không nên cứng nhắc giữ một mức nhiệt độ cố định.
Khi sử dụng điều hòa vào ban đêm, bạn nên chọn chế độ Sleep (chế độ ngủ) để tối ưu hóa hoạt động của điều hòa, giúp tiết kiệm điện cũng như bảo vệ sức khỏe của người sử dụng. Khi chọn tính năng này, cứ sau 30 phút đến 1 tiếng (tùy loại điều hòa), nhiệt độ sẽ được tự động tăng lên 1 độ C, sau đó tiếp tục tăng thêm 2 độ và duy trì ở mức nhiệt độ đó cho đến khi người dùng tắt điều hòa.
Ví dụ, khi đi ngủ, bạn để điều hòa ở mức 26 độ C thì sau khoảng 30-60 phút, điều hòa sẽ tự động tăng thêm 1 độ (lên mức 27 độ C). Khoảng 2 tiếng tiếp theo, điều hòa tăng tiếp 2 độ (lên mức 29 độ C). Điều này phù hợp với sự biến đổi nhiệt độ của môi trường vì càng về đêm, nhiệt độ bên ngoài sẽ càng giảm, tăng nhiệt độ của điều hòa vừa giúp tiết kiệm điện vừa tránh được sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ bên trong và bên ngoài phòng, giữ cho người dùng không bị lạnh, bảo vệ sức khỏe.
Bạn cũng có thể sử dụng tính năng hẹn giờ tắt/bật để điều hòa hoạt động đến một khung giờ nhất định thì sẽ tự tắt, không làm người dùng bị quá lạnh trong lúc ngủ.
[yeni-source src=”https://www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn/ban-dem-bat-dieu-hoa-bao-nhieu-do-de-tiet-kiem-dien-807523.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/ban-dem-bat-dieu-hoa-bao-nhieu-do-de-tiet-kiem-dien-d408841.html” name=”giaitri.thoibaovhnt.vn”]