Đã có nhiều gia đình, anh em không còn hòa thuận sau khi ba mẹ chết đi, chỉ vì sự thiếu công bằng trong việc để lại tài sản.
Cậu em chia sẻ, ba mẹ vừa sang tên mấy miếng đất ông bà để dành bấy lâu, chia đều cho mấy anh em. Nghe ba mẹ gọi về để làm giấy tờ mà em xúc động, phần vì thương sự chu đáo, lo xa của ông bà, phần thấy buồn như sắp phải lìa xa ba mẹ vậy.
Chị hàng xóm cũ của tôi vẫn chưa hết giận ba mẹ, khi ông bà cho hẳn đứa con trai út căn nhà mặt tiền đường lớn với quan điểm “giàu út hưởng, nghèo út chịu”. Còn chị, cũng là con ruột nhưng chỉ được cho vỏn vẹn 300 triệu đồng với suy nghĩ “nữ nhi ngoại tộc”, khiến chị phải vất vả vay thêm ngân hàng để mua trả góp căn hộ chung cư bé tí.
Thế nhưng khi ông bà đau ốm phải nằm một chỗ, vẫn chỉ có mình chị tới lui thăm nom, tắm rửa, cơm nước, đưa ông bà đi bệnh viện vì vợ chồng cậu út chỉ tập trung lo sự nghiệp.
Lần ba mẹ chồng bán được miếng đất ở quê từ nhiều năm trước, bà gọi vợ chồng tôi về và nói chuyện riêng. Hóa ra bà trao cho chúng tôi phần tiền chia được nhiều nhất so với các anh chị em còn lại trong nhà. Khi chúng tôi phản đối và đề nghị ông bà ưu tiên chia phần nhiều hơn cho các anh chị em có cuộc sống khó khăn hơn, cách mẹ chồng giải thích đã làm tôi phát khóc.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Theo bà, dù vợ chồng tôi khá giả nhất trong mấy người con, nhưng khi ba mẹ hay anh em gặp khó khăn, chỉ có chúng tôi giúp đỡ hết lần này đến lần khác mà không mong đáp lại. Nếu không thể xem số tiền chia nhiều hơn này là phần ba mẹ chồng cảm ơn chúng tôi thì chúng tôi cứ tạm giữ đó để khi ông bà không còn nữa, anh em có ai gặp khó khăn thì chúng tôi lấy ra để giúp.
Nếu cậu em út của chồng không vì mê cá độ đến mức cầm cả giấy chủ quyền nhà hay ông anh cả không lăng nhăng mèo mỡ đến độ ly hôn đến 3 lần thì tôi đã không dám nhận sự ưu ái của ba mẹ chồng nhiều đến thế. Nghĩ mà thương ông bà không chỉ lo xa mà còn rất công bằng với con cái.
Lần đưa ba tôi đi khám bệnh trong một bệnh viện ở nước ngoài, cô y tá yêu cầu ba ký vào bản cam kết được hiểu như bản di chúc trước khi tham gia điều trị. Trò chuyện với những bệnh nhân cũng đang chờ khám quanh đó, tôi được biết đa số người Mỹ đều rất thoải mái trong việc ký vào tờ di chúc đó, trong khi những người gốc châu Á thường từ chối vì lý do riêng.
Phải công nhận rằng với những người lớn tuổi có tài sản thì sự rạch ròi, rõ ràng của ba mẹ trong việc phân chia tài sản trước khi họ qua đời luôn tránh được bất hòa giữa những đứa con, sau khi họ mất đi. Sự rạch ròi có thể thực hiện bằng di chúc hoặc có thể bằng miệng khi họ còn sống, nhưng cách gì cũng không nên tạo hố sâu khoảng cách giữa những đứa con.
Thực tế, có nhiều gia đình, anh em không còn hòa thuận sau khi ba mẹ chết đi, chỉ vì sự thiếu công bằng trong việc để lại tài sản.
Đôi khi, cảm giác thiệt thòi hay việc hơn kém nhau trong cách phân chia tài sản của ba mẹ không tệ bằng cảm giác không được chính ba mẹ ruột yêu thương, đối xử công bằng giữa những đứa con với nhau. Hơn ai hết, ba mẹ phải là người cầm cân nảy mực trong việc đối xử với con cái để giữ gìn hòa khí trong gia đình; xa hơn nữa chính là để làm gương cho các con, tránh lặp lại việc yêu thương không công bằng ở đời con, đời cháu.
Duy Khang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ban-di-chuc-yeu-thuong-a1514079.html” name=””]