Không nơi nào bảo chứng cho hạnh phúc gia đình hơn là căn bếp. Nhìn căn bếp ấm, ta biết đời sống vợ chồng, con cái dưới mái nhà ấy đang vui vẻ, bình yên.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
1. Từ rất lâu, hình ảnh người phụ nữ luôn gắn liền với gian bếp. Bếp có ấm thì nhà mới yên. Hoài Thu – bạn tôi, sinh ra và lớn lên ở một làng quê miền Trung. Sau này lập nghiệp, lấy chồng và sinh sống ở TP Thủ Đức, TPHCM. Mấy năm đầu hôn nhân, đời sống thị thành tất bật nhưng Thu vẫn chịu thương chịu khó giữ được cho gia đình những bữa cơm ngon.
Tuy nhiên, gần đây, khi các con dần lớn, công việc của chồng trở nên bấp bênh thì gian bếp nhà Thu cũng bắt đầu nguội lạnh. Cuối tuần, cô không còn mặn mà sáng tạo những công thức bánh trái; đầu tuần, giữa tuần cô cũng thường xuyên lỡ nhịp những bữa cơm, canh.
Để có đủ tiền cho con ăn học và trả phí thuê nhà, ngoài giờ làm chính ở công ty, Thu còn tăng ca, hôm thì mang theo việc về nhà.
Buổi trưa, các con Thu ở lại trường; buổi tối, mấy mẹ con bạn sẽ ăn qua quýt bánh trái hay món gì đó mua sẵn từ hàng quán rồi lên đường cho kịp các lớp học thêm. Còn chồng Thu, theo như cô nói thì “bữa đực bữa cái”, nhậu nhẹt, đi sớm về hôm.
“Đôi khi mình rất nhớ bầu không khí gia đình vào thời điểm mình mới kết hôn hoặc lúc mới cấn bầu đứa con đầu cũng rất vui. Dù gia đình ít người, hầu như bữa ăn nào cũng luôn vui vẻ, hòa hợp. Vợ chồng vừa ăn cơm vừa nói chuyện này chuyện kia sôi nổi, thỉnh thoảng mình lại đổi món để chồng thêm hào hứng, ngon cơm”. Chia sẻ với tôi vậy nhưng khi quay về thực tại, Thu vẫn tặc lưỡi cho qua. Thu bảo rằng, điều gì đang tồn tại nghĩa là điều đó hợp lý. Khi nào chồng cô tìm được công việc mới giúp gia đình ổn định, xông xênh về kinh tế thì khi đó, Thu sẽ thay đổi, trở lại làm một người vợ đảm như trước.
2. Nấu ăn là việc làm tưởng nhỏ nhưng để duy trì được những căn bếp ấm thường xuyên từ ngày này qua tháng khác lại là một hành trình cần nhiều nhẫn nại và cả yêu thương từ 2 phía.
Một người vợ không thể nấu mãi cho chồng những bữa ăn ngon khi anh ấy vô tâm, hời hợt. Cô ấy sẽ ngừng cho đi khi trong lòng liên tiếp thất vọng, ê chề. Người vợ ấy không thể bỏ công sức, thời gian để nấu, hầm, nêm nếm thật công phu, chu đáo một món ăn khi trong lòng đang chán nản, buồn lo. Cô ấy cũng không thể tất bật tìm tòi thay đổi thực đơn từ món này sang món kia cho chồng khi anh ấy cứ hứa hẹn nhưng rồi tối đến lại không về nhà.
Những người phụ nữ chỉ có thể trở thành những đầu bếp giỏi khi người thân bên cạnh là những người ấm áp, biết hỗ trợ, sẻ chia.
3. Đàn ông xây nhà, đàn bà giữ lửa. “Xây nhà” và “giữ lửa”, không việc nào mang ý nghĩa vượt trội hơn việc nào. Trái lại, gia đình chỉ êm ấm khi mỗi người tối thiểu phải hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm đã được phân công.
Những người chồng tốt là những người biết bôn ba, sắp đặt, không ngại khó ngại khổ để kiếm tiền, làm chỗ nương náu tin cậy cho vợ con. Những người vợ giỏi là những người biết dịu dàng, nhẫn nại để duy trì, giữ lửa nấu những bữa cơm ngon. Khi mối quan hệ 2 chiều ấy được gìn giữ bằng tình yêu thương và trách nhiệm thì cái nôi gia đình mới đủ bền chặt để nuôi lớn những đứa con.
Hôm qua, Hoài Thu gọi cho tôi, thông báo chồng của bạn đã tìm được công việc mới, mức lương khởi điểm rất cao. Bạn cũng chia sẻ thêm về kế hoạch sang quý sau sẽ phấn đấu xây nhà mới. Bạn khoe sôi nổi về kiến trúc căn bếp, nơi bạn có thể yên tâm trở lại làm người giữ lửa, sẵn sàng nấu nướng, khơi gợi không gian ấm cúng cho gia đình.
Bếp ấm, nhà yên. Mà nhà yên thì bếp sẽ luôn ấm. Tôi mừng cho gia đình
Hoài Thu.
Minh Thi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/bep-am-nha-yen-a1514817.html” name=””]