Tôi rất thích cảm giác chạy ù vào bếp khi bên ngoài trời bỗng nổi mưa to. Lúc đó, tóc tai áo quần vì có phần dính nước nên tôi sẽ rũ rũ nhẹ khiến những giọt nước bắn lên, bà tôi lại có dịp càm ràm.
Những tháng cuối năm, đôi khi tôi sẽ không phân biệt được buổi chiều, buổi sáng. Bởi vì chỉ cần hé mắt nhìn qua phên cửa sẽ thấy không gian bên ngoài quánh đặc một sắc xám. Những đám mây lúc nào cũng nặng trịch như luôn sẵn bên trong mình những khối nước khổng lồ, gió không đến kịp, mây sẽ rách toạc, ào xuống những cơn mưa.
Vào mùa này, cha tôi hay đặt thêm những tấm thép dày dặn nhất vào dưới mái hiên, nơi lâu lâu nước sẽ dội xuống một đợt ầm ào.
Ảnh mang tính minh họa |
Chừng nào trời bên ngoài càng ẩm lạnh, sấm chớp, mưa dai dẳng không dứt thì bên trong căn bếp của bà lại càng ấm cúng. Những gộc củi liên tục nhảy múa tí tách, mùi khói và thức ăn, cơm nóng quện vào tiếng người cười nói tạo nên không khí gia đình đầm ấm hơn bất kỳ khoảnh khắc, thời điểm nào trong đời.
Những ngày mưa gió, chỉ cần nhìn vào rổ củ đậu (củ sắn) mà bà vừa đào tôi cũng đã hình dung được khu vườn lướt thướt đến cỡ nào. Những ngày này, mỗi lần bước ra vườn hẳn bà sẽ luôn thập thò, rón rén. Bà chẳng biết đặt chân vào đâu để tránh dẫm lên đám lá cây. Chúng đã ngã rạp xuống hết tạo nên một tấm thảm xanh ướt sũng, gồ ghề.
Những bụi sả không vươn ngọn lên trời nữa mà xòa xuống, lòe xòe như chổi quét đất. Đám cải cúc, su hào, rau khoai, ngò gai cũng bắt đầu vàng lá. Trên dãy giàn ba tôi dựng sát bờ ao, đám mồng tơi, khoai tía, củ đậu, sắn dây cũng buông nhánh lõng thõng. Nếu không thu hoạch kịp, một số loại có củ sẽ không trụ nổi qua một vài đợt mưa nữa. Chúng sẽ thối củ, thối rễ, sau đó giàn cây sẽ xơ xác, úa vàng.
Sau một mùa hè khô khát, những hôm đầu sau khi bà mang mớ củ đậu bết đất vào nhà, chị em tôi sẽ không cần đợi xào nấu, đem cạo vỏ, rửa sạch rồi nhai sống ngay tại chỗ. Củ đậu giòn tan, tứa ra thứ nước ngọt và mát lịm tựa như khi ăn táo, ăn lê. Thế mà chỉ mấy hôm sau, không dưng cũng loại củ ấy nhưng lại dấy lên thứ mùi nồng nồng như ai ủ thêm vào men rượu. Có lẽ không phải do đậu đổi vị mà do cảm giác của những chiếc lưỡi đã thừa thãi, chán chê.
Để chống ế, bữa cơm mùa mưa bà thường làm duy nhất một món đó là củ đậu xào. Nhà khó nên chẳng có thịt thà gì, bà rưới lên chiếc chảo sứt quai một ít mỡ, đập giập nén hành, cho vào phi cho thơm rồi đổ củ đậu vào. Những thớ củ được chẻ theo hình sợi, thuôn dài, lúc đầu còn đuồn đuỗn, trượt lui trượt tới nhồm nhoàm trên đầu đũa nhưng chỉ vài phút sau đã trở nên mềm mại, đổi sang màu trắng ngà.
Mặc dù đã ngán từ lâu, nhưng khi ngồi tròn quanh bếp lửa, được bà đặt lên chén cơm nóng vài gắp đậu xào, mấy chị em tôi vẫn thi nhau ăn lấy ăn để.
Những thanh đậu lúc này vừa ngọt vừa béo vì thấm mỡ nên rất bắt miệng. Đứa nào đứa nấy ních căng bụng ba, bốn chén mới đã nư.
Bếp của bà mùa mưa không chỉ có món ăn nóng, thơm ngon mà còn ấm rực, xôn xao những câu chuyện.
Bà ngồi đó, khăn vấn kín đầu, ánh sáng lập lòe của lửa khiến những nếp đồi mồi trên khuôn mặt nhảy múa lúc đậm lúc nhạt. Nếu ai hỏi tôi sẽ nhớ gì về bà nhất, thì đó chính là mùi hương. Thứ mùi của người già mà ai đủ yêu thương sẽ thấy vô cùng thân thuộc. Mùi trầu, mùi quần áo, và mùi dầu gió mà những ngày mưa bà xức nhiều hệt như ướp tẩm cả nửa chai dầu.
Những câu chuyện của bà kể không mấy hấp dẫn, mạch lạc đối với tụi trẻ con. Bà cứ kể đâu đâu về những người họ hàng thời cụ kị mà chúng tôi chưa từng biết. Thế nhưng thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn được dịp dỏng tai, dựng hết tóc gáy vì bà chuyển chủ đề. Bà bảo người ta hay gọi con dốc dẫn ra cánh đồng lớn của làng là dốc Ba Mụ, vì hồi xưa, có ba chị em gái nhà nọ khi đi qua đây đã bị sập hầm, người này cố cứu người kia nhưng cuối cùng đều không qua khỏi. Sau này, những đứa trẻ hư trong làng nếu chạy xe qua đoạn dốc này mà vẫn hoang đàng, ngỗ ngược thì thể nào cũng gặp xui. Kiểu như ngã trầy mặt, hoặc xe xịt lốp…
Ảnh mang tính minh họa |
Trong lý của bà, không chỉ những đình, chùa, miếu mão hay những công trình có bàn tay can thiệp của con người mới được đặt tên mà mỗi cái cây, bến sông, gò đất của làng đều có sự tích, câu chuyện riêng của nó.
Tôi hỏi:
– Cây sung đầu làng chắc cũng nhiều điển tích lắm bà nhỉ. Cháu thấy mùa mưa, hễ nước to là dân làng sẽ chạy ra đó cùng nhau chỉ trỏ. Ai chưa ra kịp liền liến thoắng hỏi han: “Nước lên ngang mô rồi? Cây sung răng rồi răng rồi, có bị gãy ngọn, bật gốc gì không?”.
– Mọi người trong làng luôn tin ở cây sung ấy có vị thần nước đang ngụ cư để coi sóc, bảo vệ dân làng. Nếu nước lên cao quá chạng ba của cây thì mọi người cần tém đặt, sắp xếp lại nhà cửa, của nả quý giá phải cất hết lên cao.
Bà bảo thêm, sống ở đời, mỗi ngôi làng, mỗi con người đều cần một chỉ dấu cho mình. Phải có vạch ngăn nào đó để cảnh báo những giới hạn và hậu quả nếu mình lơ là, cố tình trái ý, vượt qua.
Những ngày bà kể chuyện dài, những đứa nhỏ sẽ gật gù, lim dim vì hơi lửa phả lên cộng thêm giọng bà đều đều gây buồn ngủ. Thế nhưng những đứa lớn như tôi thì nhận ra trong từng câu chuyện, bà luôn cố lồng vào bài học gì đó để dạy dỗ cháu con. Tôi xích chiếc đòn gỗ lại gần bà, tựa đầu vào một bên hông rồi ngửi thêm mùi dầu thơm đang phả lên thật ấm…
Bây giờ, mưa tháng Mười vẫn rơi, tôi vẫn giữ thói quen chạy thật nhanh vào nhà rồi hất hất mái tóc để rũ đi những giọt mưa còn đọng. Tôi biết, nhà mình bây giờ cũng có một gian bếp ấm, thế nhưng chúng tôi không còn những quây quần của ngày xưa…
Diệu Thông
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/bep-ba-ngay-mua-a1475917.html” name=””]