Khi “thao túng tâm lý” trở thành cụm từ được quan tâm hàng đầu, nhiều người bỗng nhận ra ngay chính trong ngôi nhà, trong cuộc hôn nhân của mình, họ đang bị thao túng. Vậy nhưng họ có tự coi mình là nạn nhân cần được giải cứu như nhiều người nghĩ?
Người ta chỉ dùng từ “thao túng” trong những mối quan hệ có mục đích xấu (Ảnh mang tính minh họa – Freepik) |
Từ những định kiến chưa hề cũ
Chuyện này không hiếm. Lần đầu ra mắt, nhiều cô gái được gia đình chồng tương lai đề nghị nấu một món ăn. Với các cô 8X lóng ngóng có khi luộc trứng còn cháy, nấu cơm thành cháo, ngày đầu làm bài kiểm tra kiểu này luôn là ác mộng.
Thời 4.0, nếu bị bất ngờ và gặp món lạ, cô gái thuộc nhóm 1 – chủ động, bình tĩnh – có thể tìm trên YouTube, làm theo. Chỉ cần có bếp, có sẵn nguyên liệu thì họ mạnh dạn, sử dụng cả quyền trợ giúp, gọi video thẳng cho các chị, các mẹ, các chuyên gia ở xa hàng ngàn cây số. Cứ có mạng chạy ngon lành thì ngại gì, không thành công thì cũng có trải nghiệm, thêm cái clip TikTok làm kỷ niệm.
Các cô thuộc nhóm này có quan điểm thường trực: không nấu được thì đặt mua, làm gì phải lo! Không biết làm thì trước tiên là khỏi phải làm, càng nhàn.
Đời có tỷ kỹ năng cần ngang ngửa chuyện biết nấu ăn, vén khéo trong bếp; đó không phải chuyện sống chết duy nhất mang lại hạnh phúc mà bác mang ra thử con. Nếu bác không duyệt, con và con trai bác chưa biết ai buồn hơn.
Cụm chữ “thao túng tâm lý” được dùng phổ biến có xu hướng kịch tính hóa những mối quan hệ phụ thuộc (Ảnh mang tính minh họa) |
Với các cô gái thụ động thuộc nhóm 2 – mất bình tĩnh, luống cuống – cái bếp có thể tanh bành sau khi cô bước vào và chẳng có món gì được hoàn tất. Cô sẽ để lại ấn tượng đầu tiên: “Vụng về quá!”.
Nếu đời cô gắn bó với căn bếp đó thì hôm ấy sẽ là ngày mở đầu cho những tháng năm buồn nhiều hơn vui. Định kiến “phụ nữ khéo là phải giỏi nấu ăn” khiến nhiều phụ nữ bị ám ảnh, mặc cảm rằng mình vụng về bếp núc nghĩa là mình rất dở.
Sau vào bếp sẽ đến việc nuôi dạy con, chăm sóc gia đình. Một người vợ thiếu tự tin trong gian bếp và ngôi nhà, nghĩa là cô đã tự nguyện trở thành một nạn nhân bị thao túng tâm lý bởi các định kiến và những người xung quanh.
Ở phía đối diện, phái mạnh cũng có thể rơi vào mặc cảm bắt đầu từ những định kiến về giới không kém tiêu cực rằng “đàn ông phải là trụ cột kiếm tiền trong nhà”, “đàn ông mà làm việc nhà rất hèn”, “ở rể là chó chui gầm chạn”…
Các bà vợ nhẫn tâm cũng có thể gián tiếp hoặc trực tiếp đóng thêm những nhát đinh vào đầu chồng: nếu kiếm tiền ít hơn vợ (hoặc ông hàng xóm), không lo được cho vợ con một cuộc sống đầy đủ, sung túc… là anh chưa hoàn thành trách nhiệm, chưa là đàn ông đúng nghĩa.
Nếu liệt kê, sẽ có vô số định kiến gây tranh cãi nhưng luôn tồn tại, khiến cuộc sống của nhiều gia đình nặng nề; đẩy nhiều cuộc hôn nhân vào bế tắc, căng thẳng.
Những người yếu đuối, dễ sống phụ thuộc, lúc đầu có thể chỉ nghi ngờ khả năng của bản thân, hoang mang không phân biệt được mình có thực sự kém cỏi nhưng càng ngày họ càng bị lún sâu trong lớp vỏ tự ti, trầm cảm. Cho đến khi chính bản thân họ không còn nhận ra điều đó và chấp nhận mình thực sự vô dụng như vợ, chồng, người xung quanh nhận định, quá trình bị thao túng đã hoàn tất.
Tránh sang một bên… cho lành!
“Vâng, tôi nhận, nhưng khi nào con trai tôi về sẽ xem rồi quyết định chứ nhà toàn bà già, trẻ con, mẹ nó đàn bà thì biết gì mà tham gia họp hành ý kiến này nọ” – bà cụ mặc bộ lụa sang trọng nói với bác tổ trưởng đưa thư mời tham gia họp tổ dân phố.
Tưởng con dâu cụ (một trong vô số những phụ nữ bị dán nhãn “đàn bà thì biết gì”) sẽ bất bình khi bị mẹ chồng gạt phắt quyền công dân ở khu phố nhưng chị chỉ cười vui vẻ: “Đúng đấy ạ, bác chờ nhà em về nhé!”.
– Ô hay, chỉ là đi họp thôi mà cô!
– Không ạ, họp bàn chuyện đóng góp nâng đường, làm camera… đang còn tranh luận không biết bổ đầu người hay tính theo diện tích nhà, ra đó biểu quyết này nọ em biết đường nào mà lần, mà quyết sai lại ầm ĩ nhà cửa. Thôi, cứ để nhà em về bác ạ!
– Họp cả khu phố, sao chờ được mình ông ấy nhà cô?
– Bác làm cái nhóm trên Zalo cho nhanh ạ. Có số điện thoại cả, giờ này ở đâu cũng tham gia được mà bác. Để nhà em vào online với các bác chứ thật tình là việc này em không dám quyết đâu ạ.
Nghe qua, thấy anh chồng đầy gia trưởng, chị vợ có vẻ nể chồng, phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định của chồng, có vẻ bị thao túng. Nhưng nghe kỹ, sự tránh né trách nhiệm khôn ngoan của chị chắc do rút kinh nghiệm sau nhiều lần “ầm ĩ nhà cửa” và được nghe câu “Cô biết gì mà ý kiến ý cò. Tránh sang một bên!” bởi không phải chỉ ở những làng quê phong kiến xa xôi mới bị đè nén bởi định kiến “đàn bà thì biết gì” mà ngay tại những thành phố lớn – nơi được coi là văn minh – thì trong nhiều gia đình, phụ nữ vẫn nghe câu này đến thành quen.
Thuận vợ thuận chồng là trường hợp lý tưởng thứ nhất, không bàn đến. Những trường hợp trụ cột kinh tế, người kiếm ra nhiều tiền hơn, rất có thể là người bận rộn, không nhiều thông tin nên giao hoàn toàn việc chọn cho người còn lại, đây là trường hợp lý tưởng thứ hai, cũng không bàn đến luôn. Trường hợp thứ ba, khá phổ biến, bất đồng hằng ngày, như cơm bữa.
Từ việc lớn như chọn mua nhà, chọn kênh đầu tư đến việc vừa vừa như mua xe, mua bảo hiểm; từ việc quan trọng như chọn trường cho con đến việc ít quan trọng hơn nhưng thường xuyên như đi du lịch, mua đồ dùng… khi bất đồng, quyền quyết định sẽ thuộc về ai?
Thường thì, nó được nhường cho một người, để yên nhà yên cửa, lại tránh luôn cả trách nhiệm sau này. Vì thậm chí, dù kết thúc tranh luận, đạt được đồng thuận nhưng khi gặp rủi ro, việc tranh cãi, đổ lỗi sẽ lại tiếp tục như vòng quay của chiếc nón kỳ diệu.
Chị tổ viên tổ dân phố chủ động thừa nhận “em nào biết gì, cứ để chồng em về rồi quyết” ở trên có tự coi như mình là nạn nhân bị thao túng cần được giải thoát, cần được bênh vực không? Chắc đến 99% là không.
Để ngồi được ở vị trí có thể thao túng người khác hẳn cũng rất nhiều áp lực và người bị thao túng chắc gì chỉ toàn mất mát thiệt thòi (Ảnh minh họa – Freepik) |
Khi khái niệm “thao túng tâm lý” ăn theo sự kiện đang thu hút cộng đồng mạng mà trở nên phổ biến, nó có xu hướng kịch tính hóa những mối quan hệ phụ thuộc, không lành mạnh mà bỏ qua sự thật là cả hai bên có thể ngầm thỏa thuận mà chỉ họ biết rõ quyền lợi được đánh đổi có hợp lý không.
Tức là cái giá được trả có hớ không thì chỉ người trong cuộc biết. Nói không quá, nếu bạn không thấy bí bách khi phải sống lệ thuộc, không cần lo lắng tính toán hay đưa ra quyết định gì cho cuộc đời mình thì bạn đang thấy mình được thao túng chứ không phải bị.
Sự chủ động của người bị phụ thuộc
Thu T. – một phụ nữ vừa định cư nước ngoài diện kết hôn – cho biết cô không mang mặc cảm “ăn theo” mà tìm mọi cách hòa nhập vào cuộc sống mới, chủ động học ngôn ngữ mới, chủ động tìm công việc từ mức lương rất thấp, có lúc chỉ 8 USD/giờ.
“Chồng tôi không đề nghị vợ đi làm vì thu nhập của anh đủ cho cả gia đình sống ổn nhưng tôi nghĩ đó là cách mình có thể chủ động chia sẻ.
Mục tiêu của tôi là sau hai năm trở thành dân bản địa chính hiệu, tôi sẽ góp được 25% ngân sách gia đình hằng tháng – một tỷ lệ đủ để chồng vẫn thấy trách nhiệm và vợ tự tin mình không là gánh nặng hoàn toàn. Tôi quan niệm đi làm cho chính mình thêm kỹ năng chứ không phải để tránh bị thao túng như mọi người cảnh báo. Người ta chỉ dùng từ “thao túng” trong những mối quan hệ có mục đích xấu, vụ lợi chứ trong gia đình, nếu coi các thành viên đều là ruột thịt thì người này có lấn lướt người kia chút đỉnh, người kia có nhường nhịn người này chút chút… thì thao túng chỉ là nói cho vui, theo trào lưu.
Để ngồi được ở vị trí có thể thao túng người khác hẳn cũng rất nhiều áp lực và người bị thao túng chắc gì chỉ toàn mất mát thiệt thòi”.
Bạn có đồng ý với cô ấy?
Lê Lan Anh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/bi-hay-duoc-thao-tung-trong-hon-nhan-a1475853.html” name=””]