Dường như chúng ta đang lọt vào “kỷ nguyên bóc phốt” với vô vàn chuyện ly kỳ mà “phốt” sau luôn đậm đà hơn “phốt” trước. Trong đó, các “phốt” ngoại tình lôi kéo lượng người hiếu kỳ đông hơn cả.
“Bóc phốt” trên mạng xã hội (MXH) có vẻ là cách nhanh nhất, dễ nhất để phanh phui một vụ ngoại tình và hạ uy tín cá nhân. Tuy nhiên, các vụ “phốt” thường cho thấy sự yếm thế đáng thương của người tung “phốt”. Nhiều người đã thiệt hại khó lường sau những phút hả hê.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Tai vạ từ cuộc tình cũ
Một ngày đẹp trời, chị A. đang ăn tối với chồng con thì từ điện thoại, tin nhắn liên tục kêu ting ting, bạn bè gọi tới tấp. Họ hốt hoảng báo cho chị biết, một nick clone (nick không rõ danh tính) tung hình ảnh kèm thông tin chị là “tiểu tam” trên trang tin địa phương.
Thôi xong, chị A. tái mặt. Chỉ 30 phút không lên mạng, chẳng những thành người tối cổ với thời sự mạng, chị còn là nhân vật “sáng nhất” đêm nay.
Chị A. vội thanh minh với chồng, chuyện bị “phốt” của chị là từ một mối quan hệ thời chị chưa lập gia đình. Người đàn ông đó nay đã lấy vợ, chị đã lấy chồng, đều đã có con, không hiểu từ đâu mà các tin nhắn và hình ảnh lại rò rỉ theo hướng chị phá hạnh phúc nhà người khác như vậy.
Nhưng chồng chị A. cũng như cư dân mạng của thị trấn nhỏ đang sôi sục. Anh hất đổ bàn ăn, bắt vợ quỳ xuống và la hét truy hỏi vợ trước mặt hai đứa con đang hoảng loạn. Anh còn nghiến răng nói: “Tìm ra thằng đó tôi sẽ giết nó”.
Cộng đồng mạng luôn cần chuyện giật gân để “nhậu”, chửi bới, cắn xé cho hả những ẩn ức. Có cung thì có cầu, từ đây, “thị trường bóc phốt” vô cùng sôi động. Và, đề tài gì dễ “câu view” nhất, nếu không phải chuyện ngoại tình, người thứ ba? |
Chuyện của chị A. có đáng sợ không? Rất đáng sợ, cho dù bạn thực sự có lỗi đúng như bài “bóc phốt” hay bạn bị oan. Những tin nhắn mùi mẫn, những đoạn chat có thể được cắt ghép, dựng chuyện, thậm chí cũng có thể “bóc phốt” do nhầm lẫn… Thế nhưng, chẳng cần biết thực hư, trên các diễn đàn triệu thành viên rầm rầm cuộc “phong sát” dìm chết nạn nhân. Khổ chủ không cách nào thanh minh, giải thích, càng không thể đấu khẩu với đám đông.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
“Phốt” nào cũng ly kỳ
Ngoại tình – người thứ ba – đánh ghen là đề tài muôn thuở, thời nào cũng có. Nhưng, thời của MXH, các chiêu thức gây chú ý liên tục được sáng tạo.
Bằng chứng ngoại tình vẫn thế thôi, thường là những hình chụp, tin nhắn mùi mẫn, đoạn chat nhạy cảm. Chưa rõ đúng sai nhưng trong các diễn đàn triệu thành viên, người ta đã rần rần cười cợt, nhiều “cao thủ” nhanh tay cắt hình, chế biến câu chữ cho hợp “thời sự mạng”, các trang tin lá cải cũng lập tức tạo từ khóa cho chuỗi bài viết “câu view”.
Nào là từ khóa “lòng xào dưa” ở Thái Bình với cuộc ngoại tình của anh lái xe có vợ và cô giáo mầm non có chồng. Nào là chuyện “ăn thơm giỏi chuyện ấy” của một cô ngoại tình…
Trong muôn vàn cách trả thù tình, phổ biến nhất là làm cho bẽ mặt, mất đường sống hoặc đơn giản là cho đã nư, hả giận. Với những lý do này, người ta không tìm tới cơ quan công an hay tòa án mà muốn tức thì dùng mạng xã hội vì không nơi nào giúp nhân vật “tỏa sáng” dễ hơn mạng xã hội . |
Để thỏa mãn cư dân mạng, “phốt” nào cũng nhấn vào chuyện tình dục. Nhẹ thì những dòng tin nhắn hẹn đi nhà nghỉ, chia sẻ cảm xúc yêu đương nồng cháy, “nặng” là vô số tin nhắn chat sex với đủ tình tiết, hình ảnh ân ái.
Gần nhất là “phốt” ngoại tình của một quân nhân về hưu với người phụ nữ đang có chồng với hơn 50 hình chụp tin nhắn sặc mùi giường chiếu. “Đọc tin nhắn của chú mà cháu tưởng đọc truyện 18+” – dòng bình luận kiểu này trở nên quen thuộc bởi người chủ mưu sẽ “bóc phốt” đến hết, không chừa lối về nào cho đối phương.
Sao không đưa chứng cứ lên tòa?
Đôi khi dưới các bài “bóc phốt”, có những câu hỏi lạc lõng như “Sao không gom chứng cứ này đưa lên tòa?”, “Đăng chồng/vợ lên mạng khác gì vạch áo cho người xem lưng?”.
Liền sau ý kiến đó, sẽ có “500 anh em” nhảy vào phân giải, rằng do pháp luật không nghiêm minh nên các lỗi ngoại tình rất khó “bắt”. Ví dụ, nếu ngoại tình mà chỉ hẹn hò đi khách sạn, nhà nghỉ chứ không sống chung hoặc cặp đôi thừa nhận quan hệ tình dục ngoài hôn nhân nhưng không “bắt tại trận” thì vẫn không thể chế tài. Các hình ảnh, clip, tin nhắn chỉ là bằng chứng ngoại tình trợ giúp trong phiên xử ly hôn nếu đương sự gửi hồ sơ ly hôn. Trường hợp người trong cuộc không khởi kiện ly hôn thì chúng hầu như không có giá trị về mặt pháp lý. Đó cũng là lý do cô diễn viên nọ công khai yêu người chưa ly hôn và khẳng định mình không vi phạm pháp luật, thậm chí còn thách ai tìm ra lỗi vi phạm của cô.
Trong nhiều bài viết phân tích tình và lý trên báo, các luật sư, luật gia cũng chỉ ra sự thiếu và yếu của các quy định pháp luật trong việc bảo vệ hôn nhân gia đình.
Thực tế cuộc sống quá sinh động, liên tục đổi thay, vô vàn công nghệ, thiết bị hỗ trợ cả cho việc ngoại tình lẫn việc bắt ghen. Vậy nhưng, khi tiếp nhận vụ việc tố cáo ngoại tình kèm chứng cứ, cán bộ chức năng thường lúng túng trong khâu xử lý, khiến người tố cáo chán nản, mất lòng tin. Đó là lý do người trong cuộc tìm đến một công cụ nhanh và hữu hiệu là MXH, dù cũng thấy… sai sai.
“Bóc phốt”… rồi sao nữa?
Sau khi các tình tiết trong câu chuyện “phốt” giảm nhiệt, người ta quay sang quan tâm “ai là kẻ tung thông tin?”. Có vụ, người tung thông tin là “đương kim chồng” hay “đương kim vợ”. Họ sử dụng trang cá nhân của mình như một công cụ đánh ghen, vạch tội.
Có vụ, người chủ mưu giấu mặt rất kỹ. Họ chỉ việc thuê các thành viên hội nhóm MXH là sẽ có kịch bản lớp lang cho việc lên hình ảnh, bài viết sao cho hiệu quả, đón trúng tâm lý cộng đồng, giúp vụ việc luôn thu hút dư luận.
Ngoại tình dễ bị lộ thông tin đến thế sao? Không hẳn. Cung nào thì cầu nấy, đó là quy luật của thị trường. Ngoài việc một cá nhân lục lọi thiết bị của vợ/chồng và tìm được chứng cứ, còn có vô số đường dây dịch vụ hỗ trợ việc bắt ghen: các dịch vụ hack nick chào mời dày đặc MXH, các nhóm thám tử tư…
Khi giận thì mất khôn, khi ghen thì thường tự đưa mình vào vị trí yếm thế, nhiều chị trong tâm lý tung hê đã tuyên bố “cứ cho chúng nó nhục nhã ê chề rồi tính sau”; nhiều anh nghĩ: “Phải cho đôi gian phu dâm phụ “tỏa sáng” trên mạng. Nhận đủ gạch đá và mất hết sự nghiệp, tiền bạc, chúng sẽ rời nhau thôi”.
Song, nếu đôi “gian phu dâm phụ” vẫn không rời nhau, tiền bạc, sự nghiệp của họ vẫn không suy chuyển hoặc cùng lắm là chỉ tốn phí thuê người gỡ bài thì sao?
Qua vài ba ngày, những vụ mới sẽ nổi lên, cộng đồng lại quay sang cắn xé con mồi mới. Vụ việc của bạn chìm xuống nhưng sự tổn thương và hệ lụy không êm như vậy. Con cái xấu hổ, cha mẹ mặc cảm, bạn bè hiếm người thông cảm. Ai cũng sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác. Đó là những thứ bạn nghĩ để “tính sau” nhưng còn đâu cơ hội mà tính!
Ngoại tình rõ ràng là việc sai trái nhưng việc “bóc phốt” ngoại tình cũng chẳng hay ho. Không chỉ tự cào bới nỗi đau, khi cộng đồng nhào vào “phụ cào bới”, tổn thương tất nhiên nhiều hơn, rã rời hơn.
Nếu mục đích của việc “bóc phốt” không thành, bạn còn có thể khổ sở tuyệt vọng, cùng quẫn hơn, có khi còn bị kiện ngược vì xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Hoàng Hương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/boc-phot-ngoai-tinh-vu-khi-cua-ke-yem-the-a1473440.html” name=””]