Bà vừa về tới cổng, 2 đứa cháu nội đã chạy ra đón, miệng reo hò: “Lão Phật gia về rồi! Bà nội về rồi!”.
Bà cười la: “Đã bảo đừng gọi bà là lão Phật gia, phải tội chết!”. Bọn trẻ cười hi hí, vừa đeo theo bà vừa hỏi: “Sao bà ở nhà cô Út lâu thế? Bọn con phải rửa bát 12 ngày rồi. Bà ơi, cuối tuần này hết hạn nộp tiền học thêm rồi, mà mẹ con vẫn chưa cho…”.
“Ừ, ừ! Rồi bà sẽ liệu! Bố mẹ mày nhiều việc quá, chẳng còn sức đâu chú ý đến việc học của con”, bà nói.
Con gái và cháu ngoại “bày vẽ” tổ chức sinh nhật cho bà Bình |
Bà Nguyễn Thị Bình (xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) gần 70 tuổi mà tóc chưa bạc sợi nào, bà còn mạnh khỏe, còn làm đủ thứ việc ngoài đồng bãi tới trong nhà. Lũ cháu nội, ngoại lít nhít 7 đứa, đều gọi bà là “lão Phật gia”. Tụi nhóc xem phim, thấy người ta hay gọi mấy bà già hiền hậu, thương con cháu là lão Phật gia, nên bắt chước.
“Lão Phật gia” Bình có 3 người con, 1 trai 2 gái. Thời trẻ, vợ chồng bà lăn lưng trên mấy mẫu đất nuôi con ăn học thành người. Giờ các con ra riêng rồi, tưởng được an nhàn ông bà chăm nhau, ai ngờ con cháu giành nhau nuôi bà. Nói là “nuôi” cho có tiếng, chứ thực ra bà đến nhà đứa nào, đứa nấy mừng như có… ô sin trong nhà.
Bà thường ngồi dạy cháu nội tập viết. Rồi bà lo cơm nước 3 bữa ăn, tắm rửa, giặt giũ cho các cháu vì bố mẹ chúng đi làm xí nghiệp từ sáng tới tối mới về.
Đêm, 2 đứa cũng đòi ngủ với bà, chẳng đòi bố mẹ. Đi họp phụ huynh, các khoản đóng góp cho nhà trường, lũ trẻ đều réo bà nội. Cô con gái út của bà làm việc cho một công ty chè, mãi trong rừng núi Thanh Sơn, thi thoảng triệu bà ngoại sang phụ chăm cháu, lại thấy cảnh mấy bà cháu ngồi tập hát, nghe bà ngoại đọc truyện…
Nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan, du lịch, lại là bà ngoại lo ba lô quần áo rồi dẫn cháu đi, về. Nhiều lúc bà ngoại phải dứt cháu ngoại ra mà về, vì “bà về xem ông ăn uống, thuốc men thế nào”. Về nhà rồi, con gái còn điện thoại theo hỏi cách nấu cháo dinh dưỡng cho con.
1-2 năm, bà đi một chuyến vào Đắk Lắk thăm con gái lớn. Có năm ở lại vài tháng nuôi con gái sinh. 2 đứa cháu ngoại, được bà chăm sóc nuôi dưỡng từ nhỏ tới lớn, dính bà đến nỗi mỗi lần bà về Bắc là khóc la không chịu. Ở Tây Nguyên tuy xa nhà, bà lo cho ông chồng già, nhưng có vẻ như bà hợp với công việc nhà con gái hơn. Vợ chồng con gái có cửa hàng bán đồ gia dụng, thêm nghề may và lắp đặt rèm màn.
Còn khỏe và nhanh nhẹn, bà ngoại giúp con cháu nhiều việc, kể cả việc phụ lắp khung rèm, xếp hàng lên xe đi giao cho khách. Việc ăn sáng rồi đưa cháu đi học, cũng là của bà, lúc rảnh rỗi, bà cháu hí húi ngồi tập vẽ, tô màu tranh. Ngày nghỉ, 2 cháu ngoại rất thích được ngoại đưa đi chơi, đi tắm suối nước nóng.
Sinh nhật bà ngoại tháng trước, 2 cháu bí mật đập heo đất, góp tiền mua bánh sinh nhật tặng bà. “Lão Phật gia” xúc động đỏ hoe mắt. Bà nói: “Bày vẽ tốn tiền. Gần 70 năm nay bà có tổ chức sinh nhật bao giờ đâu!”.
Bà Bình và các cháu ngoại đi chơi |
Bà tiết kiệm chi tiêu, chẳng mua sắm, ăn uống gì bao giờ. Tiền con gái cho, hay bán được con gà, ổ trứng, bà gom cất đi. Thi thoảng, con dâu chưa kịp lĩnh lương, đột xuất cần tiền gas, tiền điện, tiền gạo mắm đã có “lão Phật gia” tiếp ứng. Lũ cháu thiếu tiền ăn sáng, xin bà. Tiền học thêm, tiền đóng góp cho lớp, cũng xin bà.
Bà trở thành chỗ dựa vững chắc cho các cháu, trong khi bố mẹ chúng chưa kịp lo tới. 2 tháng trước, bà bị ốm, 3 người con ai cũng muốn rước mẹ về chăm sóc. Cuối cùng cô con gái lớn “giành” được quyền đưa mẹ vào Tây Nguyên dưỡng bệnh. Thời tiết, khí hậu ôn hòa và tình cảm của con cháu giúp bà nhanh chóng hồi phục.
Mới khỏe lại, bà đã nằng nặc đòi về quê. Bà lo cháu nội ở nhà, bố mẹ chúng đi làm cả ngày, không ai nấu cơm cho ăn.
Phương Quý
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/buon-sao-duoc-voi-dam-chau-lit-nhit-a1481427.html” name=””]