Hóa ra sửa đổi thói quen mua sắm của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng sau mỗi lần dọn đồ là một lần chị rút kinh nghiệm sâu sắc.
Ảnh minh họa |
Nghỉ phép, tranh thủ thanh lý và dọn dẹp tủ quần áo mà chị ngỡ ngàng. 2 bao tải quần áo chất chồng, trong khi có nhiều bộ còn mới nguyên, thậm chí chưa cắt mác.
Chị vẫn hay trách 2 đứa con gái đang tuổi lớn là đòi hỏi quá nhiều, yêu cầu chúng phải hạn chế thói quen mua sắm vung tay quá trán, nhưng chị lại mắc chính lỗi ấy. Nhiều dịp, chị tụ tập cà phê cùng nhóm bạn, điểm đến cuối cùng của cả nhóm vẫn là những trung tâm mua sắm. Chị nhớ lại, mỗi khi các cửa hàng treo biển giảm giá, chị cùng nhóm bạn lao vào, người nào cũng tay xách nách mang. Chị đã mua những chiếc đầm mà chưa biết sẽ mặc vào dịp gì hay kết hợp với giày, túi nào. Lý do duy nhất chỉ vì bộ cánh đó… giảm giá.
Ngày tháng trôi, 2 tủ quần áo của chị thêm chồng chất. Chồng chị vốn tâm lý mà cũng không nén nổi cảm giác ái ngại với thói quen mua sắm của vợ. Anh cười nói, phụ nữ là chúa phù phiếm. Đàn ông như tụi anh, bỏ ra 2 đồng nhưng sẽ sử dụng giá trị của món đồ tới mức tối đa. Còn em, bỏ ra 2 đồng mua đồ và dùng chúng cứ như 0 đồng.
Chị thấy anh nói có lý. Đồ giảm giá thực ra là cái bẫy cài vào phái đẹp. Nhưng nói đi vẫn phải nói lại. Nếu món đồ đó thực sự chị đang cần mà gặp đúng dịp giảm giá sâu thì coi như chị đã thắng lợi hoàn toàn. Nhưng thói quen mua những thứ gia đình đang cần đôi khi bị đánh đồng với việc bà nội trợ rút hầu bao chỉ vì món đó rẻ hơn những dịp khác. Sau khoảnh khắc hả hê, sung sướng vì săn được món đồ rẻ là cảnh đồ đạc chất đống trong nhà và không phát huy được mấy công năng của chúng.
Em gái chị cũng là chúa săn đồ giảm giá, nhưng không thiên về quần áo mà là đồ gia dụng. Chị vẫn thường trách em gái vì thói quen mua đồ cho bằng người ta, sau đó bỏ không. Cô em gái ấy, vì muốn tiết kiệm 2 ly sinh tố mua ngoài tiệm mà thức đêm canh để mua cho kỳ được chiếc máy ép chậm hàng hiệu trong đợt giảm giá sâu. Kết quả là cô ấy sử dụng được… 2 lần và chiếc máy ép chậm giờ nằm im lìm trong góc bếp.
Chị nghĩ tới lối sống tối giản của người Nhật. Họ mua những thứ họ cần chứ không phải những thứ họ muốn. Cuộc sống của họ vẫn trong mức được đáp ứng đầy đủ nhu cầu, hoàn toàn không bị đánh đồng với lối sống hà tiện. Mỗi lần chuyển nhà hay thanh lý đồ, họ vẫn thảnh thơi như trong một chuyến dạo chơi của cuộc đời.
Ngồi cộng nhẩm giá trị đống đồ mà trong lúc cao hứng mình đã mua rồi sau… để đó, chị bần thần. Hóa ra sửa đổi thói quen mua sắm của bản thân chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng sau mỗi lần dọn đồ như lần này là một lần chị rút kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân và chị tin, chị sẽ nghiêm túc với chính mình, để có được thói quen mua sắm phù hợp trong những lần tới.
Minh Thuật
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cai-mua-sam-a1521204.html” name=””]