Tôi nói với má, ở thành phố cái gì cũng có, chỉ thiếu mỗi hương quê. Má cười nhẹ hều. Thẳm sâu trong mắt má có bóng hình quê hương trong vắt…
Tôi nhớ hồi ở quê với nội, xóm tôi ở xa nằm khuất sau mấy vạt rừng tràm và mấy dòng kênh ngang dọc. Mỗi lần muốn mua thứ gì là chúng tôi phải đợi có chuyến ghe hàng về qua dừng lại ít hôm. Khi ấy, bà chủ ghe phát tín hiệu bằng loa hay đi thông báo từng nhà: ghe hàng về. Nội tranh thủ dẫn tôi ra mua chút đồ vặt, có tiền thì trả, không tiền thì mua chịu đợt sau ghe về thì trả cũng không làm nhọc lòng ai. Tôi thường đi theo nội để rinh lỉnh kỉnh mấy món hàng nội mua.
Nếu dư dả thì nội mua cho tôi đôi dép tổ ong, bộ đồ hay cái nón. Lần nào ghe về tôi cũng thấy lòng mình rộn ràng, không phải thừa cơ hội vòi nội mua thứ mình thích, mà vì chiếc ghe mang về cho xóm nhỏ giữa rừng tràm chút không khí tươi mới, nhộn nhịp. Sau này lớn lên, ra phố, tôi mới tự nhủ: ở thành phố đầy đủ và náo nhiệt quá thì làm sao biết được niềm vui bé nhỏ mộc mạc ấy.
Vì ở thành phố nên tôi phải ròng rã đi tìm để khỏa lấp những nhớ thương sau bao tháng năm xa cách. Đối với tôi, đã gọi là quê thì mọi thứ giản đơn và dân dã. Tôi tìm thấy hương quê trong những buổi sáng tranh thủ đi làm thật sớm, thong dong ngắm nhìn các chị, các cô, các bà chở nông sản từ ngoại ô ra phố ngồi xúm xít ở hai bên con đường nhỏ dẫn ra chợ. Những thứ như bông bí rợ, đọt bầu, rau mướp, rau muống, mấy loại dưa, cà, lọn hành, nhúm ớt… thoáng chốc đã hết sạch. Nhiều người phố vẫn chuộng rau củ quả bán được trồng từ đôi bàn tay chai sần, được chăm bón bằng tình yêu thương trên mảnh đất ruộng vườn.
Tôi thường tạt qua mua vội mớ rau củ quả lúc sáng sớm. Mỗi lần ghé lại, tôi kịp nghe vội câu chuyện vui buồn của những người bán hàng. Tôi thấy họ sao chân chất, giống người quê tôi quá! Rau họ bán không mắc, mấy chục ngàn đồng là có 1 lọn rau, 1 nhúm đậu đem về nấu món canh mát ngọt, luộc chấm nước mắm tỏi ớt hay xào chay.
Tôi thầm cảm ơn người bán rau ở khu chợ nhỏ đã mang tôi về với những ký ức xa xưa. Đâu đó là bóng hình của người già lom khom bóc từng lọn rau, trái cà, cho thêm dăm trái ớt không tính tiền… tôi thấy sao giống bà tôi quá.
Tôi nhớ bà trong những chiều còng lưng tưới cải, tưới cà. Tôi nhớ đôi mắt bà tôi ánh lên niềm hạnh phúc khi đám rau tươi tốt, không sâu bọ, không dập gãy sau trận mưa bão. Bà tôi thương đám rau sau nhà, cắt thì tiếc, để lại thì già.
Đám rau lần lượt được bà “tuyển chọn” vào những bữa cơm dân dã. Bà thương đám cải ngồng, quyết định chừa lại vài cây để đợi hoa. Giờ thì cải vẫn trổ hoa vàng ở quê đợi tôi về. Lần nào gọi điện về tôi đều hỏi thăm vườn rau. Má nói gọn: “Rau vẫn tốt, đợi bây về má cắt bớt, nấu canh”.
Đôi lần bước ra khỏi cổng cơ quan, mùi hương lạ thoảng ngang quyến rũ tôi để rồi tôi phải ngẩn ngơ, đắm say và xót xa kỳ lạ. Tôi nói với đồng nghiệp: “Anh có ngửi thấy mùi gì không?”. Đồng nghiệp tôi ngớ người, đáp gọn: “Mùi xăng xe, mùi khói, mùi thịt nướng ở quán cơm tấm bên kia đường”. Tôi lắc đầu: “Không, anh! Là mùi quê!”. Đồng nghiệp tôi ngạc nhiên và rồi cũng lặng người đi. Bạn cũng xa miền quê thân yêu đã lâu…
Hương quê ở chốn thị thành nhắc người phố đừng bao giờ quên hình bóng cố hương với những đôi mắt người thân mòn mỏi đợi chờ, những vòng tay sẵn sàn nâng niu ấp ôm khi người xa trở lại. Tôi tìm hương quê trong những gì bình dị nhất, để tôi vịn vào mỗi phút yếu lòng. Trong sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn khát khao được trở về với quê hương để tận hưởng cái hương quê thật sự chứ không phải là mùi hương thoảng qua thị thành đông đúc.
Hoàng Khánh Duy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cai-tro-hoa-vang-doi-toi-ve-a1480387.html” name=””]