Việc cha mẹ nặng gánh khi con học cấp III là một thực tế, nhưng chúng tôi thấy không tốn kém bằng khi con ở cấp I, cấp II
Ngoài tiền học chính khóa, học thêm, khi có con học cấp III cha mẹ còn tốn thêm tiền sinh nhật, quà tặng và cả “tình phí” của con (ảnh minh họa, nguồn: Freepik.com) |
Đọc loạt bài Nuôi con cấp tiểu học tốn bao nhiêu một tháng?; Con học mẫu giáo, cha mẹ tốn nhiều tiền không?; Tính toán chi phí nuôi con học cấp II: Phụ huynh cần chú ý gì? của Báo Phụ Nữ, tôi rất thích những thông tin thực tế này. Tôi xin chia sẻ thêm câu chuyện chi phí nuôi con học cấp III của mình và bạn bè.
Nhiều người cho rằng, con càng lớn tiền học càng tốn. Trên thực tế có những gia đình cho biết, khi con học cấp III, cha mẹ ít tốn kém hơn các cấp học dưới.
Chị Ngọc Yến, người có con vừa tốt nghiệp trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TPHCM) chia sẻ: “Con trai tôi sức học bình thường. 2 năm lớp 10 và 11 con không học thêm. Cháu chỉ học tiếng Anh với người nước ngoài 1 buổi (2 giờ) 200.000 đồng. Đến đầu năm lớp 12, cháu mới luyện thi 2 trong 3 môn của khối A01: Toán – Lý – Anh, mỗi môn 1,2 triệu đồng/tháng. Còn tiền đóng hàng tháng ở trường chưa tới 2 triệu đồng. Tổng chi phí học của con cả năm lớp 12 khoảng 6 triệu đồng/tháng”.
Không đầu tư nhiều tiền cho việc học, nhưng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi của con chị Yến đạt 27 điểm, đậu Đại học Bách khoa TPHCM. Mức chi phí không cao này theo chị Yến là nhờ con có ý thức tự học, học online, đọc sách giáo khoa nhiều, làm bài tập nhiều nên nắm bài chắc.
Vợ chồng tôi có 3 con, con gái đầu đang học lớp 12, bé giữa học lớp 10 và cậu út đang học lớp 5. Có 3 con đều trong độ tuổi đi học nên gia đình tôi rất hiểu những khó khăn và thuận lợi của việc nuôi con ăn học thời nay.
Trước tiên, tôi xin khẳng định: học cấp III không tốn quá nhiều tiền như mọi người đồn thổi. Xác định mục tiêu và cân đối với ngân quỹ gia đình là một trong những cách để tôi tiết kiệm chi phí học của các con. Tôi không quan trọng điểm số và trường chuyên lớp chọn. Từ nhỏ, tôi đã cho 2 con lớn học chung trường và định hướng thi chuyển cấp cũng cùng trường.
Mục đích là để con gái nhỏ có thể kế thừa đồng phục, kinh nghiệm học tập của chị gái. Những năm cấp II, sức học của các con tôi chỉ ở mức khá vì ham chơi, chưa tự học. Nhưng khi vào cấp III, các con có ý thức hơn trong học tập, chọn nghề và thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ hơn, nên đã biết tự lập trong việc học. Con đọc nhiều sách, tìm bài giảng trên mạng, học hỏi từ thầy cô, bạn bè… nên kết quả học tiến bộ mà không phải đi học thêm.
Em gái thấy chị học giỏi cũng noi theo, bài nào không hiểu thì có chị gái chỉ dạy nên việc học của con khá nhẹ nhàng. Ngân quỹ dành cho con đi học của tôi không nhiều. Mỗi bé chỉ khoảng 3,5 triệu đồng – kể cả tiền học phí (120.000 đồng/tháng), tiền bán trú, phí phục vụ, tiền máy lạnh, học tiếng Anh với người bản ngữ, tiền tiêu vặt…
Với chị Diệu – con học lớp 11 tại một trường công ở quận 1, TPHCM thì chi phí cho việc học, tiêu vặt của con cũng không quá 6 triệu đồng/tháng. Con chị Diệu học thêm 2 môn Toán – Hóa, mỗi môn 700.000 đồng/tháng, cộng thêm tiền học phí, ăn bán trú thêm gần 3 triệu đồng, tiền tiêu vặt 300.000 đồng/tuần. Tuy nhiên, với những trường hợp luyện thi với chuyên gia, thầy giỏi để vào các trường đại học tốp đầu như ĐH Y Dược TPHCM, hoặc luyện ngoại ngữ chuẩn bị đi du học thì tốn rất nhiều tiền.
Chị Trang – bạn tôi – muốn con vào Đại học Y dược TPHCM nên từ năm lớp 10 con chị đã “luyện thi không thấy mặt trời” – như chị Trang mô tả, với những thầy chuyên “luyện gà” vào ngành y. Lớp 12, con chị học mỗi 1 tiết luyện thi với thầy (45 phút) mất 700.000 đồng. Mỗi ngày tiền luyện thi gần 3 triệu đồng. Kết quả, con trai Trang đã đậu vào trường công ngành y trong niềm vui của gia đình.
Thật ra, mức chi tiêu nuôi 1 đứa con, hay chi phí học tập ở cấp học nào cũng tùy vào trường công – tư, tùy vào việc đầu tư học thêm nhiều hay không. Nếu tài chính không cho phép, cha mẹ hoàn toàn có thể điều chỉnh, cân đối. Việc tiêu tốn một khoản lớn và nặng gánh khi con học cấp III là một thực tế ở nhiều gia đình. Bởi ngoài các khoản thiết yếu như học phí, sách vở, học thêm, các em còn có nhu cầu xe cộ, điện thoại, máy tính…; cùng với đó là những khoản chi tiêu cho các hoạt động ngoại khóa, sinh nhật, quà tặng, và thậm chí cả “tình phí”…
Thanh Hà (quận Gò Vấp, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/can-bao-nhieu-tien-de-nuoi-mot-hoc-sinh-cap-iii-a1531758.html” name=””]