Hôn nhân của ba mẹ tôi không phải là một câu chuyện ngôn tình diễm lệ. Họ đã có hơn 40 năm “lên thác xuống ghềnh”.
Tình yêu sôi nổi của tuổi trẻ chưa thể đảm bảo cho một hôn nhân viên mãn. Để có được cái nắm tay bền chặt lúc tuổi già, vợ chồng cần nhiều lắm những chia sẻ ngọt bùi, lòng bao dung, sự thấu cảm, sự tĩnh tâm và cả những quyết đoán bản lĩnh trước những thử thách.
Ba tôi – ông Nguyễn Gia Chương, năm nay đã 70 tuổi và mẹ tôi – bà Lê Thị Mai bước vào tuổi 65. Nhìn nụ cười tươi tắn của ba mẹ trong tấm hình, tôi từng không dám mong chờ điều kỳ diệu này, bởi chính tôi đã chứng kiến những khó khăn nhọc nhằn của ba mẹ trong hành trình xây dựng mái ấm gia đình.
Ba mẹ tôi đã phải lòng nhau ở độ tuổi thanh xuân khi thường xuyên gặp gỡ trong các buổi sinh hoạt thôn xóm. Dù chưa chính thức hứa hẹn, nhưng mẹ vẫn xác định chờ đợi ba theo đuổi việc học tập tại Trường đại học Cơ điện Bắc Thái (tỉnh Thái Nguyên ngày nay).
Ba mẹ tôi (tác giả) trong chuyến đi du lịch Thái Nguyên |
Suốt 5 năm ba trọ học xa nhà, có dịp thuận lợi, mẹ đều cách rách đủ thứ quà quê, cố gắng kiếm được chỗ ngồi ghế cứng trên những chuyến tàu chợ từ Vinh ra Hà Nội, rồi đón xe lên miền trung du để thăm ba.
Rồi ba ngưng học, tình nguyện tham gia bảo vệ vùng Đông Bắc trong Chiến tranh biên giới 1979, mẹ dồn nặng lo âu. Cuối cùng, ba trở về bình an và tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư điện lực.
Năm 1981, họ kết hôn và sau đó hai chị em tôi lần lượt chào đời trong hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Thế nhưng, áp lực lo toan cơm áo quá lớn so với đồng lương viên chức, ba mẹ tôi bắt đầu cãi nhau. Sự mệt mỏi bùng nổ sau nhiều thất vọng kiếm tiền lo cho chúng tôi ăn học.
Mẹ tôi hết mực thương chồng con, nóng ruột mong con được bằng bạn bè, nên đôi lúc không khéo léo trong lời ăn tiếng nói. Ba kiên định với công tác đảng bộ và mẫu mực trong quản lý, không tư túi. Ba từ từ giải thích cho mẹ thấu hiểu về lẽ sống và tìm cách chuyển đổi công việc để kinh tế gia đình được ổn định hơn.
Khi chúng tôi vào tuổi mới lớn, có nhiều ký ức, tôi bắt đầu hiểu được nỗi khổ tâm của mẹ trước áp lực trĩu nặng về việc sinh con trai “nối dõi tông đường”. Ba là trưởng tộc của một dòng họ, họ hàng đều lời ra tiếng vào, hối thúc mẹ sinh thêm. Vốn không cổ hủ phân biệt đối xử con gái – con trai, ba chủ động bác bỏ mọi lời bàn bạc đậm tính chất gia trưởng này, giải vây cho mẹ để giữ gìn tổ ấm.
Thử thách tiếp tục bủa vây cuộc hôn nhân khi ba quyết định cầm cố ngôi nhà chung (công sức vợ chồng cùng chắt chiu) để giúp bác gái – chị của ba – trang trải nợ nần khi kinh doanh thất bại. Bản năng bảo bọc, lo toan vuông tròn của người phụ nữ chồng chất nỗi sợ hãi về gánh nặng nợ nần khiến mẹ nhiều lúc không giữ được bình tĩnh, bà buông lời trách cứ ba. Có lúc lời qua tiếng lại của ba mẹ bùng lên, chị em tôi òa khóc. Mẹ choàng tỉnh, cố gắng tĩnh tâm, không còn trách cứ, cố gắng vun vén nhiều hơn, làm việc cần mẫn hơn và cả chi tiêu thật… tiết kiệm.
Cho đến mãi về sau, khi đã vượt qua một chặng đường “bĩ cực”, ba thầm biết ơn mẹ về cách hành xử này.
Sau năm 2000, khi chúng tôi đã thực sự trưởng thành, tạm gác mối lo toan sự nghiệp của con cái, ba thường xuyên được cắt cử công tác xa nhà đảm nhiệm vai trò quản lý, tư vấn kỹ thuật. Khoảng cách địa lý dường như cũng tác động ít nhiều đến tình cảm vợ chồng, ít nhiều làm lỏng lẻo “rường cột” hôn nhân. Lời đồn thổi ác ý nhiều lúc đến tai mẹ. Mẹ đáp trả một cách hài hước: “Ai chăm ông ấy tốt hơn thì tôi chuyển nhượng”. Ba chứng minh với mẹ bằng hiệu quả công việc và sự nể trọng của đồng nghiệp xung quanh.
Cứ thế, năm tháng tuy mài mòn tuổi trẻ nhưng tiếp tục đan dệt và kết nối nhiều điểm móc mấu trong hành trình hôn nhân của họ.
Tháng 4/2021, mẹ vào TPHCM giúp tôi chăm nom các cháu. Đại dịch COVID-19 bùng lên một cách nhanh chóng, sự lây nhiễm tăng theo cấp số nhân khiến mọi người chìm vào nỗi lo âu, sợ hãi. Cả gia đình tôi cố gắng hết sức để tránh lây nhiễm căn bệnh khó lường này.
Sống một mình tại thành phố Vinh, ba liên tục gọi điện thoại bảo ban dặn dò mẹ và chúng tôi kỹ lưỡng: nào là mang khẩu trang, nào là tuân thủ giãn cách xã hội đúng quy định, nào là phải ăn uống khoa học và tập thể dục nâng cao sức đề kháng. Sự lo lắng căng thẳng khiến ba gầy đi. Thế nhưng, dù đã cố gắng phòng bị hết mức, căn bệnh vẫn ập đến và mẹ tôi là người có dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên.
Thời điểm ấy, chính quyền có chủ trương cho F0 tự điều trị tại nhà. Tôi trực tiếp chăm sóc mẹ và cách ly bà trên tầng áp mái. Ba gầy rộc khi trông thấy mẹ qua những cuộc gọi hình ảnh. Mẹ chống chọi với những cơn đau vì khó thở, ho như rút cả lồng ngực. Dù mất cả vị giác và rất khó khăn để nhai nuốt, thế nhưng cứ đúng cữ ăn của mẹ, ba tôi lại gọi điện thoại động viên mẹ nuốt từng thìa cháo, từng ngụm nước. Vì thế mẹ có thêm động lực chống chọi và chiến thắng bệnh tật.
Ngày đón mẹ trở về quê nhà, nhìn thấy mẹ gầy yếu, ba đã khóc, giọt nước mắt của “tuổi già hạt lệ như sương” như câu thơ của Nguyễn Khuyến, tôi cũng không kìm được niềm xúc động.
Ba mẹ tôi không còn nhiều thời gian bên nhau. Họ đã vượt qua nhiều ghềnh thác để cùng nắm bàn tay gầy của nhau, vẫn tiếp sức cho nhau để gìn giữ trọn vẹn hạnh phúc hôn nhân của mình.
Hôn nhân của ba mẹ tôi không phải là một câu chuyện ngôn tình diễm lệ. Hơn 40 năm “lên thác xuống ghềnh”, họ đã giữ được một mái ấm trọn vẹn, ăm ắp tiếng cười vui sum họp và con cháu quây quần.
Tôi mãi nhớ lời căn dặn của ba khi tôi lên xe hoa: “Hôn nhân không dựa mãi vào tình yêu tuổi trẻ. Vợ chồng cần giúp đỡ nhau, tôn trọng nhau, phối hợp ăn ý và bền chặt, có tiến có lùi, có được có mất. Phụ nữ không nhất thiết phải hy sinh tất cả hoặc cam chịu. Nhưng nhất định con phải có tình thương và sự bao dung”.
Nguyễn Vinh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cau-chuyen-tinh-yeu-giu-doi-nhau-bang-tinh-thuong-va-bao-dung-a1476872.html” name=””]