Đó là những gì cha đã nói với tôi vào năm tôi 16 tuổi. Bức thư tôi gửi ông nhân dịp một năm cũ qua đi lại toàn những điều oán thán.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Tôi trách ông ích kỷ, chỉ biết mắng nhiếc để khuây khỏa cơn giận trong người. Tôi trách ông vô tâm, lớn tiếng cãi nhau, chửi bới trước mặt con nhỏ mới lên bốn, lên năm. Tôi trách ông gia trưởng, lúc nào cũng cho mình là đúng. Tôi trách ông nhiều điều lắm mà giờ tôi chẳng còn nhớ nổi.
Nhưng rồi, tôi nhớ lại những câu chuyện cha thường kể về ông bà nội, về những đòn roi cha từng nhận được, về những lời răn dạy bà từng nói với cha, về những lời qua tiếng lại cha từng chứng kiến từ cha mẹ mình khi còn là một đứa trẻ năm tuổi.
Thật lạ, khi hồi tưởng về đoạn ấu thơ của mình, trong mắt cha như ánh lên vẻ biết ơn và thương mến lắm. Hóa ra, cha coi những điều mà giờ tôi căm ghét là hiển nhiên, là đáng quý bởi nhờ vậy mà cha nên người, có được ngày hôm nay.
Có lẽ cha mẹ chẳng hề ích kỷ, vô tâm như chúng ta vẫn nghĩ. Cha mẹ cũng giống như chúng ta, là tấm gương phản chiếu của cha mẹ mình – những điều tốt đẹp và cả những điều xấu xí.
Cha mẹ yêu thương con dĩ nhiên là thật lòng, nhưng cha mẹ cũng có những đứa trẻ bên trong. Khác với chúng ta, chẳng ai nói cho họ nghe về sự tồn tại của những đứa trẻ ấy để họ có thể quay về tìm lại chúng và xoa dịu những tổn thương vô hình.
Khi còn là một đứa trẻ hay thậm chí bây giờ – đã đặt những bước chân đầu tiên vào địa hạt của người trưởng thành – tôi vẫn luôn thấy vòng tay của mẹ thật rộng và bóng lưng của cha thật cao. Vì thế, những kỳ vọng cứ vô thức lớn dần theo thời gian trong khi tôi quên mất những người hùng của mình đang già đi.
Đến một ngày, ai đó nói với tôi rằng khi chưa làm cha mẹ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được hành trình đó khó khăn đến nhường nào. Có lẽ vậy nên những đứa con thường phán xét cha mẹ một cách dễ dàng, dù là trong thầm lặng.
Tôi không cổ xúy cho đòn roi, mắng nhiếc hay những cơn giận bộc phát của cha mẹ trút lên đầu con trẻ. Chính tôi cũng có một khoảng thời gian vật lộn với những hồi ức đau buồn thời ấu thơ, những tiếng cãi vã cứ văng vẳng hiện về trong giấc ngủ bị đứt quãng. Tuy nhiên, oán trách và chỉ trích thì có tác dụng gì trong khi nếu không tìm cách lại gần nhau hơn, làm thế nào ta có thể thấu hiểu và giúp nhau thay đổi?
Tôi bắt đầu coi cha mẹ như những người bạn dù là trong những cuộc cãi vã nảy lửa để hiểu rằng khi mình tức giận, cha mẹ cũng có cảm xúc như vậy. Tôi chọn làm người mở lòng trước vì tôi hiểu thế hệ đi trước có nhiều thành kiến và điều đó khiến cha mẹ tôi cứng nhắc.
Những ngày đầu, chúng tôi thường xuyên tranh cãi nhưng biết rằng suy cho cùng đó cũng không phải bản tính của cha mẹ mà vì bối cảnh xã hội chúng tôi lớn lên quá khác nhau.
Dần dà, chính những cuộc cãi vã lại là cơ hội để đôi bên mở lòng, để cha mẹ và tôi bộc lộ những điều chân thật nhất với nhau.
Ảnh mang tính minh họa – Lifestylememory |
Có thể cha mẹ chúng ta không biết gì về cách làm cha mẹ, về cái được gọi là chấn thương thời thơ ấu, về phương pháp giáo dục kiểu Nhật hay kiểu Tây…
Những gì cha mẹ có là những hồi ức về chặng đường họ lớn lên, những kinh nghiệm có phần “đời” và “thô” họ nhặt nhạnh trên đường sống, bản năng yêu con của người làm cha làm mẹ. Tình thương của cha mẹ thô ráp như những vết chai trên bàn tay cha và vết chân chim hằn nơi đuôi mắt mẹ – một kiểu tình thương rất bình thường mà cha mẹ nào cũng có.
Dù vậy, trong mắt những đứa con đã lớn, tình thương đó lại mang hình hài rất riêng của cha mẹ mình.
Vậy nên, hãy cảm thông hơn cho sự bình thường của cha mẹ. Hãy tìm cách tiến lại gần họ hơn, cảm nhận sự thô ráp của tình thương con họ mang trong lòng và ôm lấy những vết thương họ vẫn luôn mang vác như cách họ từng ôm lấy ta khi ta còn là một đứa trẻ.
Diệu
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cha-me-cung-chi-la-nguoi-thuong-ma-thoi-a1477515.html” name=””]