Body shaming (miệt thị ngoại hình) là cụm từ giới trẻ đang nhắc nhiều sau những lời bình phẩm ngoại hình từ một cuộc thi hoa hậu và sự cố sân khấu của một MC nổi tiếng. Nạn body shaming nơi công cộng có thể được cộng đồng nhận diện và lên án, nhưng tổn thương tinh thần là vấn đề nạn nhân phải gánh chịu một mình. Đối với trẻ nhỏ, để vượt qua những bình phẩm, trêu ghẹo vô tình, trẻ cần một “chuyên gia” lâu dài, đó chính là cha mẹ.
Ghét bản thân vì bị chê
Một ngày nọ, chị Nguyễn Thúy Hà (kế toán một công ty ở Q.8, TPHCM) nghe con gái rầu rĩ than: “Mẹ ơi, sao con mập vậy mẹ!”.
Bé Bắp mới bảy tuổi. Nghe con nói, chị biết là có chuyện lạ. Chị khơi gợi mãi Bắp mới kể con bị các anh ở lớp lớn hơn gọi là “bé mập”. Mỗi lần Bắp đi qua, các anh lại cười hô hố và diễn lại dáng đi của con. “Con không ngờ con có dáng đi xấu vậy” – bé Bắp chán chường rơi nước mắt.
Chị Hà dành cả tuần để trò chuyện với con. Chị giải thích cho con về sự đa dạng vóc dáng của những đứa trẻ, khẳng định con không xấu và mọi thứ có thể thay đổi.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Chị Hồ Mai Phương (40 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Q.Bình Thạnh, TPHCM) không may mắn có người mẹ tâm lý như bé Bắp. Suốt tuổi thơ của Phương, ba mẹ chị luôn quá bận bịu. Hơn nữa thời ấy, chuyện body shaming là chuyện bình thường trong giao tiếp.
Hồi ấy, chị Phương bị bạn bè gọi là “Phương Môi Trề”. Chị nhớ lại: “Mỗi lần đi giữa đám đông, tôi luôn thấp thỏm sợ tụi bạn gọi mấy chữ đó. Và y như rằng, họ sẽ gọi như thế, tôi thấy mình xấu xí với cảm giác tủi thân”.
Lớn lên, trong môi trường làm việc, không ai gọi chị Phương bằng cái tên xưa kia nữa, nhưng thỉnh thoảng chị gặp lại bạn cũ, cái tên cũ lại được nhắc lại. Những người bạn hồn nhiên với sự thân thiết lâu năm, nhưng chị Phương vẫn xấu hổ. Chị tâm sự: “Tôi nghĩ đó là do tôi nhớ lại cảm xúc ngày xưa, tận bây giờ tôi vẫn chưa thoát ra được”.
“Mắt lồi hay “đen” đều khó chịu!
Chị Ngô Thị Thanh Thùy (Q.7, TPHCM) vừa tổ chức đi chơi cùng gia đình chị Hoài Thương – người bạn thân từ thời nhỏ của chị Thanh Thùy. Cậu con trai 14 tuổi của chị Thương nói với bé Candy (con của chị Thanh Thùy) rằng: “Để anh dựng lều cho, tay em lều khều vậy thì làm được gì?”. Bé Candy nghe anh nói thì bật lại: “Anh nghĩ em không làm được vì tay em lều khều à? Anh vậy là body shaming đó nha!”.
Cô bé tiếp tục phân tích về sự hạn hẹp của tư duy “trọng ngoại hình” và những hậu quả gây ra cho cả đôi bên. Cậu bé xin lỗi và thú nhận rằng mình không có ý chê em, đó chỉ là cách nói chưa được cẩn trọng.
Cậu chuyện của hai đứa trẻ được bố mẹ tham gia bàn bạc, phân tích thêm. Lúc này chị Thùy mới chia sẻ: “Lúc nhỏ mình ước gì được tụi bạn gọi là Thùy Đen giống như Thương. Thùy Đen nghe đỡ nhục hơn là Thùy Mắt Lồi”.
Chẳng ngờ khi bạn nói thế, chị Thương gào to: “Cả tuổi thơ của mình khốn đốn với cái tên đó. Mình ghét nước da của mình. Thương Đen hay Thùy Mắt Lồi đều là nỗi nhục!”.
Bây giờ, chị Thương và chị Thùy đều giã từ cảm giác sợ body shaming khi cùng học ngành tâm lý học và làm việc trong lĩnh vực này. Những kiến thức và trải nghiệm khiến cả hai nhận diện được nguồn gốc của cảm xúc, và hiểu về bản thân đủ để… chấp hết mọi sự “shaming” trên đời.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
“Vắc-xin” phòng chống body shaming
Phản ứng của cô bé Candy trong câu chuyện trên là một phản ứng cần có, để tự vệ trước nạn body shaming. Điều này cần được “cài đặt” từ sớm, cùng với những nhận thức ban đầu của trẻ về bản thân, về sự tự tin, và về mối quan hệ với những đánh giá từ người khác…
Bà mẹ Thanh Thùy đã sớm dạy cho Candy hiểu những nguy cơ phổ biến nhất trong giao tiếp, trong đó có body shaming. Chị cũng nhấn mạnh những điều sau, nhằm giúp con tự vệ trước những bình phẩm ác ý.
Con đẹp và hãy yêu cơ thể mình
Mọi đứa trẻ cần biết điều này thông qua những lời khen của ba mẹ. Vẻ đẹp không cần phải theo quy chuẩn nhan sắc của bất kỳ ai, mà đến từ sự tự nhiên của cá nhân, với nét mặt biết biểu cảm, với một cơ thể luôn được chăm sóc, rèn luyện. Và chính vì thế, cơ thể xứng đáng được con yêu thương, trân trọng và chăm sóc, bất kể người khác có đánh giá thế nào.
Mọi thứ đều không hoàn hảo
Một con cá bơi giỏi thì không thể leo cây. Một con mèo giỏi bắt chuột thì không thể bơi giỏi. Không ai có thể đẹp hay giỏi toàn diện. Điều quan trọng là con luôn nỗ lực để tốt hơn hôm qua. Và qua đó, con có thể biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, điều này khiến con luôn bình tĩnh trước đánh giá của người khác.
Nhìn vào mặt tốt của người khác
Là cách để con có được những mối quan hệ tốt đẹp và không gây ra sai lầm như body shaming người khác. Bởi vì không ai hoàn hảo, nên thay vì chê bai hay xa lánh người khác vì tính xấu, con có thể động viên và khích lệ tinh thần họ bằng cách chỉ cho họ thấy những điểm tốt ở họ. Như vậy, con sẽ tác động tích cực lên mọi người xung quanh, khiến môi trường sống của con cũng tốt lên…
Biết tự đánh giá bản thân
Thay vì buồn bã vì bị chê hoặc quá tự tin vì được khen ngợi, con cần xem đánh giá đó là một báo hiệu để con tự nhìn lại mình. Chỉ có con mới biết con đã nỗ lực ra sao, và năng lực, xuất phát điểm của con thế nào. Tự đánh giá để biết mình nên làm gì và có thể làm gì để tốt hơn. Như vậy, con sẽ luôn giữ được tâm thế tự tin, tự chủ trong hành trình của mình.
Nếu mọi đứa trẻ đều được trang bị kiến thức, nạn body shaming sẽ được đẩy lùi. Nếu vẫn còn tồn tại đâu đó, thì body shaming sẽ gây thiệt thòi cho chính người chê bai. Vì họ không được nhìn thấy những vẻ đẹp luôn hiện hữu ở mỗi con người.
Thùy Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chang-co-gi-phai-xau-ho-ve-co-the-a1477788.html” name=””]