Theo các chuyên gia tâm lý, chính sự quá ỷ lại vào ba mẹ góp phần khiến trẻ sợ đến lớp và khó hòa nhập trong môi trường cần tính kỷ luật. Tôi quyết định sẽ giúp cháu.
Khai giảng đến gần, khi chị tôi loay hoay tìm mua sách vở, dụng cụ học tập thì đứa cháu nhỏ học lớp Năm lại có vẻ thờ ơ. Thằng bé không quan tâm sách mới ra sao, cô nào sẽ làm chủ nhiệm. Nó chỉ biết sắp phải đi học và nó… sợ đến lớp.
3 tháng hè là quãng thời gian vui vẻ nhất trong suy nghĩ của cháu, chị tôi bảo vậy. Mới đầu chị còn kèm cháu học buổi tối, nhưng nó luôn có nhiều lý do để chống đối, chẳng hạn đau bụng, đau đầu, mỏi tay, mỏi mắt… rồi khóc lóc. Nhưng chỉ cần gấp cuốn vở lại, cầm máy tính bảng lên để chơi game, mọi cơn đau như đều được chữa khỏi.
Cháu tôi từng rất sợ đi học – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chị tôi chỉ có 1 đứa con, đánh không nỡ mà mắng thì không ăn thua. Theo các chuyên gia tâm lý, chính sự quá ỷ lại vào ba mẹ góp phần khiến trẻ sợ đến lớp và khó hòa nhập trong môi trường cần tính kỷ luật. Tôi quyết định sẽ giúp cháu.
Đầu tiên, tôi trò chuyện để cháu chia sẻ suy nghĩ. Những nỗi sợ khi không theo kịp bài, bị cô la rầy trước mặt bạn bè, rồi cảm thấy thiếu hứng thú trong học tập được cháu nói ra. Con người có cơ chế phòng vệ và trốn tránh nỗi sợ. Nếu cháu không hiểu bài thì sẽ càng chán học và không muốn tới lớp. Bọn trẻ quá nhỏ để hiểu ý nghĩa của việc đến trường đối với tương lai.
Hiểu được lý do, tôi quyết định thực hiện bước đầu tiên: giúp cháu hiểu thêm về trường học, về sự kỳ diệu trong sách, về những đứa trẻ vùng cao muốn đi học phải vất vả trèo đèo lội suối. Tôi dùng chính chiếc máy tính bảng mà cháu thường chơi game, mở những video về trường lớp, thôn bản miền núi. Tôi để cháu xem và tự chia sẻ cảm nghĩ. Tôi thấy cháu bắt đầu đồng cảm và muốn được giúp đỡ các bạn khó khăn.
Sau đó, tôi kể cho cháu nghe về mẹ của cháu, về những người thân trong gia đình – những người đều đã rất nỗ lực học để thay đổi số phận. Chị tôi là mẹ đơn thân. Tôi mong cháu hiểu được tấm lòng và sự vất vả của mẹ. Tôi không bắt cháu phải buồn trước nỗi khổ của người khác, nhưng ít ra cháu phải được học cách biết ơn. Tôi thấy cháu ngồi trầm ngâm, mắt đã rơm rớm.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Tôi tìm hiểu sở thích của cháu và biết cháu rất giỏi tin học. Tôi khuyến khích cháu phát huy sở trường ấy. Những khung giờ chơi game được đổi thành giờ học lập trình theo sách giáo khoa lớp Năm. Tôi không ép cháu phải học ngày đêm những môn cháu không thích, nhưng chúng tôi giao kèo: muốn dùng máy tính thì cần phải đáp ứng đủ kiến thức cơ bản và lên lớp; bởi muốn trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin như ước mơ của cháu thì chỉ một môn tin học là chưa đủ. Thế là cháu hồ hởi tự giác học, vì bây giờ cháu học không phải bị bắt ép, không bởi điểm số, mà vì ước mơ của chính mình.
Cuối cùng, tôi tìm gặp chị, hy vọng chị dạy cho cháu những kỹ năng tự lập cơ bản. Tôi muốn cháu mình là một cánh diều, bay bổng nhưng vẫn được gia đình đồng hành, níu lại kịp thời bằng sợi dây tình cảm. Tôi cũng động viên chị nên kết nối chặt hơn với cô giáo để nắm bắt tình hình, kịp thời uốn nắn con.
Tựu trường năm nay, tôi biết trong lòng cháu vẫn còn đó nỗi sợ đến lớp mơ hồ, nhưng cháu đã biết tự giác đi học, không còn giả bệnh để trốn tránh như những năm trước.
Nguyên Văn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chau-toi-so-den-lop-a1527811.html” name=””]