Vườn nhà nội có một cây bông gòn để lấy bông dồn gối. Cây gòn cao vút, gốc bạnh ra thành từng bạnh lớn, thu nhỏ dần lên trên giống hình tháp.
Nhìn từ xa, rất dễ nhận dạng cây gòn bởi đặc điểm xanh mướt một màu từ cành, lá đến thân. Thân cây bông gòn nhẵn thín, ôm để trèo lên hơi khó bởi thiếu độ bám; nhưng khi trượt xuống lại dễ, do có lỡ trượt tay cũng ít… trầy da!
Tôi cầm tinh con khỉ, tính ưa leo trèo nhưng lại sợ mấy cây thân nhám nhúa có gai. Vì vậy tôi mê cây bông gòn lắm lắm. Mỗi lần về nội chơi, chào hỏi sơ sài xong, thể nào tôi cũng tót ngay ra vườn, nhằm gốc bông gòn mà… thẳng tiến! Lựa cái bạnh to nhất, tôi leo lên ngồi “cưỡi ngựa”. Cưỡi chán lại đu cây tập trèo.
Sau này lớn lên, tôi leo dừa, leo cau giỏi chắc nhờ thuở ấu thơ siêng trèo lên tụt xuống, mài nhẵn cả gốc bông gòn. Nội hay mắng thằng cháu mỗi lúc thấy tôi hì hụi trèo, đu được lên cành cây ngang thấp nhất: “Khéo, coi chừng té! Gì mà mê leo dữ không biết…”.
Trái gòn bung bông trắng xóa chờ tôi trèo lên hái |
Trời, nội không biết chớ, làm sao không mê? Cành cây ấy đoạn gốc còn de ra thêm một nhánh phụ làm thành cái “chạc ba” chắc chắn. Ngồi lên đó, tựa lưng vào thân cây gòn rất vững vàng, thoải mái. Có thể đu đưa chân mà ngắm trời ngắm đất; thích chí khi mọi thứ dưới chân mình món gì cũng trở nên be bé, từ bà nội lẫn cây cối, giếng nước, vườn rau! Đôi lần chơi ngông, tôi còn ôm luôn sách trèo lên cây vắt vẻo ngồi đọc…
Tháng Ba cây gòn ra hoa. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành, nở trước khi cây ra lá. Hoa nhanh chóng đậu quả. Quả dài hình thoi lớn nhanh, vừa cỡ ngón tay quay đi ngoảnh lại đã bằng cườm tay, rồi sem sém bắp tay.
Nắng tháng Năm đổ lửa, hun những trái gòn khiến chúng già đi, vỏ trái ngả dần từ màu xanh sang sắc xám, khô nhăn. Vài trái chín sớm, vỏ nứt bung, lộ ra bên trong lớp bông trắng nõn. Ấy là lúc nội giục đi hái trái gòn.
Tới lúc này thì tài trèo cây của tôi hóa ra rất được việc cho nội. Ngày tôi chưa biết trèo, nội phải khổ công dùng cây sào dài có móc để khều trái gòn. Cây cao, ngước đau vai mỏi cổ còn nhiều chỗ sào không với tới. Sau này thì khỏi lo, đã có thằng cháu tuổi khỉ. Thoăn thoắt chuyền cành, tôi hái đám trái gòn khô quăng lia lịa xuống đất. Dưới gốc, nội chỉ việc mang thúng mang bao ra lượm.
Trái gòn sẽ được nội mang đổ ra sân phơi thêm vài nắng cho thật khô; sau đó đập vỏ, tách lấy ruột bông bên trong dồn vào bao ni-lông cất kỹ. Những bao bông gòn để dành dồn nệm, dồn gối. Những chiếc gối, nệm mới dồn bông nằm vô cùng êm ái; có điều sử dụng vài năm chúng sẽ bị “xẹp”; phải mở ra dồn lại.
Vậy nên bao bông gòn dự trữ phải luôn có sẵn và “nguồn cung” bông thường trực cho nó hằng năm chính là cây bông gòn dễ thương, cần mẫn nơi góc vườn nhà…
Y Nguyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thang-chau-me-treo-gon-a1467439.html” name=””]