Người ta bảo anh có “máu cờ bạc”: sơ sơ thì những ván cờ tướng/cờ cá ngựa ăn tiền, nặng thì cá độ dưới mọi hình thức.
Gia đình con có 3 chị em, chị gái và con học hành bình thường, riêng anh trai ở giữa mê đánh cờ từ nhỏ. Người ta bảo anh có “máu cờ bạc”: sơ sơ thì những ván cờ tướng/cờ cá ngựa ăn tiền, nặng thì cá độ dưới mọi hình thức, kể cả những trò đỏ đen trá hình trên mạng.
Đã có lần, má con phải trả nợ giùm anh và anh hứa đó là lần cuối nhưng rồi lại có những lần tiếp theo với số nợ lần sau cao hơn lần trước. Anh con làm khổ má và cả nhà rất nhiều…
Một em gái 18 tuổi giấu tên (TP Mỹ Tho, Tiền Giang)
Cờ vốn là trò tiêu khiển mang tính trí tuệ, được tổ chức tranh tài như một môn thể thao. Khi nó gắn với những trận ăn thua đi liền với tiền bạc, người ta gọi là “cờ bạc” – chỉ những trò chơi ăn tiền, biến hóa muôn hình vạn trạng. Cờ bạc nằm trong “tứ đổ tường” mà các cụ thường cảnh báo: “cờ bạc là bác thằng bần” còn các bạn trẻ ngày nay châm biếm: “được thì ham ăn, thua thì ham gỡ”.
Ở Việt Nam và các nước nông nghiệp, vào những dịp nông nhàn hoặc lễ tết, nhiều người kể cả người già và trẻ con có cơ hội tụ tập đánh tam cúc, tá lả, cờ tướng, bầu cua, xóc dĩa, tiến lên… Mới đầu người ta chơi cho vui để giết thời gian. Nhưng nhiều người cho rằng phải có chút tiền lấy may, nhờ vậy cuộc đấu mới kịch tính, như thêm gia vị cho niềm hứng khởi. Về sau, người chơi sẵn sàng mạo hiểm số tài sản đặt cược với hy vọng nhận được số tiền có giá trị cao hơn.
“Máu cờ bạc” được quy định trong gen và có liên kết chặt chẽ với bộ não người; cảm giác thắng cuộc kích hoạt hệ thống dẫn truyền thần kinh trong não bộ, củng cố thêm động lực để khuyến khích “con bạc” lao vào đánh tiếp; thậm chí khi kết quả rõ ràng là thua thì họ cũng nghĩ là do sơ suất làm vuột mất cơ hội nắm chắc phần thắng.
Một số nghiên cứu tâm lý cho thấy việc thua bạc khiến con người mất kiểm soát. Dù trước đó họ tỉnh táo lên kế hoạch sẽ đặt cược bao nhiêu nhưng lúc thua thì lý trí cũng rời bỏ, để rồi sau đó họ đặt cược thậm chí còn nhiều hơn, nhịp độ chơi tăng dần cho đến khi trở nên nghiện. Lúc đầu có thể lâu lâu họ mới đi sòng bài hoặc cá độ một lần, những ván thua đậm khiến họ phải tìm cách vay mượn người thân/bè bạn/thẻ tín dụng/vay nặng lãi… để cố vớt vát lại số tiền đã mất. Họ làm bất cứ điều gì để thỏa mãn máu cờ bạc của mình. Từ một người tử tế, họ có thể trở nên dối trá, gian lận, trộm cắp…
Nhà tâm lý học Mark Griffiths, Đại học Nottingham Trent (Anh) – chuyên nghiên cứu các chứng nghiện thuộc về hành vi – nhấn mạnh rằng, hành động của những con bạc không hoàn toàn xuất phát từ khao khát hoặc triển vọng thắng bạc mà còn là cảm giác phấn khích trong suốt cuộc chơi. Ngay cả khi thua liên tiếp thì lúc đó cơ thể vẫn sản xuất adrenalin và endorphin – những chất có tác dụng tạo tâm trạng hưng phấn, vui vẻ. Có nghĩa là họ đang bỏ tiền để mua vui, vì vậy càng khó cai.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Đức Phật dạy rằng đam mê cờ bạc sẽ có 6 nguy hiểm: Nếu thắng thì sinh oán thù, nếu thua thì tâm sinh sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, nơi đông người lời nói không hiệu lực, bằng hữu khinh miệt, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm vì người đam mê cờ bạc không xứng để có vợ.
Có thể anh cháu ban đầu chỉ coi đánh cờ tướng có cá độ là những cuộc vui, sau đó dần trở thành thói quen và thôi thúc mãnh liệt phải chơi, dẫn đến sự lệ thuộc (còn gọi là ghiền). Người có tính cạnh tranh cao, bốc đồng, quá hiếu động hoặc dễ chán nản có nhiều nguy cơ nghiện cờ bạc, nhất là có sự kết hợp giữa các yếu tố sinh học, di truyền và môi trường. Anh cháu có thể tự giác hạn chế chơi, hoàn toàn không đụng đến cờ bạc trong một khoảng thời gian dài hoặc tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để chống lại sự thôi thúc ấy hòng “thay máu” toàn phần cho bản thân.
Bác sĩ Hoa Tiêu
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chi-duong-cho-huou-con-muon-anh-thay-mau-a1514922.html” name=””]